Tập trung quyết liệt phòng, chống bệnh dại trên động vật

08:09, 08/09/2014
Theo báo cáo về công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật của Trạm Thú y huyện Trực Ninh, từ ngày 23-4 đến ngày 24-8-2014, tại 2 xóm An Ninh và Hậu Đồng, xã Trực Cường, đã xảy ra tình trạng 9 con chó do 8 hộ gia đình nuôi cắn 13 người. Trong đó, một con chó bị chết không rõ nguyên nhân, nhưng 2 người đã trực tiếp làm và ăn thịt, nâng tổng số lên 15 người có nguy cơ chịu tác động xấu từ số chó nghi mắc bệnh dại. Ngày 18-8-2014, Chi cục Thú y tỉnh và UBND huyện Trực Ninh đã làm việc với UBND xã Trực Cường, yêu cầu địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh dại. UBND xã Trực Cường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dại; đồng thời thành lập một đội chống dịch của xã gồm Công an xã, cán bộ y tế, cán bộ thú y, nông nghiệp, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ tiêm phòng, tiêu hủy, xử lý những con chó, mèo không tiêm vắc-xin phòng dại, phun thuốc sát trùng, kiểm soát vận chuyển chó, mèo trên địa bàn, giám sát bệnh dại ở người và động vật. Đài truyền thanh xã thông tin, tuyên truyền liên tục về tình hình bệnh dại, cách nhận biết chó, mèo nghi mắc bệnh dại và các phương pháp phòng, chống; hướng dẫn người dân chủ động giám sát, phát hiện, khai báo kịp thời cho chính quyền và cơ quan thú y về các trường hợp chó, mèo hoặc động vật khác nghi mắc bệnh dại để xử lý; người bị chó, mèo cắn phải đến ngay cơ sở y tế xử lý vết thương và điều trị dự phòng để ngăn ngừa tử vong do chó dại cắn. Đến nay, xã đã hoàn thành tiêm phòng vắc-xin dại tại 14/14 xóm cho 1.091 con chó, đạt 100% tổng đàn. Ngày 21-8-2014, xã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số chó nghi mắc bệnh dại. Huyện Trực Ninh đã cấp cho xã 36 lít hóa chất để xã phun khử trùng, tiêu độc tại xóm An Ninh, các xóm liền kề và khu vực tiêu hủy chó. Để kịp thời ngăn chặn sự phát sinh và lây lan của bệnh dại, UBND huyện Trực Ninh đã chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với UBND xã Trực Cường tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho những người bị chó (nghi là dại) cắn và 2 người trực tiếp làm thịt con chó bị chết không rõ nguyên nhân đúng quy trình và liều lượng quy định. Đài Phát thanh huyện tăng cường tuyên truyền về quản lý đàn chó, tiêm phòng đầy đủ và cảnh báo sự nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại để nhân dân trong huyện hiểu và chủ động, tự giác đi tiêm đầy đủ khi bị chó nghi là dại cắn. Phòng NN và PTNT, Trạm Thú y huyện tăng cường kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dại. Đã có 12/21 xã, thị trấn triển khai tiêm cho 4.563 con chó, nâng tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin bệnh dại cho chó từ đầu năm đến nay của toàn huyện lên trên 50% tổng đàn. Xã Trực Chính là một trong những địa phương dẫn đầu huyện về tỷ lệ tiêm vắc-xin cho chó. Đồng chí Mai Thị Nguyệt, Trưởng Thú y xã cho biết: Nhờ huy động cả hệ thống chính trị từ xã xuống cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động nên ý thức phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo của nhân dân trong xã đã tăng lên đáng kể, ngày càng có nhiều chủ hộ nuôi chủ động thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Chỉ từ ngày 31-8 đến 3-9-2014, xã đã tiêm phòng vắc-xin dại cho 270/340 con chó, nhiều xóm đạt tỷ lệ tiêm trên 95% như: An Thịnh, An Bình, An Định… Xã phấn đấu hết ngày 15-9-2014 sẽ tiêm 100% tổng đàn chó.
 
Tiêm phòng vắc-xin dại cho chó ở xã Trực Chính (Trực Ninh).
Tiêm phòng vắc-xin dại cho chó ở xã Trực Chính (Trực Ninh).
Những năm qua, đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao do nhiều hộ nuôi chó, mèo kinh doanh để làm thực phẩm. Hiện đàn chó toàn tỉnh đã lên tới trên 300 nghìn con, chủ yếu nuôi theo hình thức thả rông. Việc chó bị mắc bệnh dại và nghi mắc bệnh dại rất khó phát hiện, chỉ khi chó mắc bệnh cắn người hoặc lên cơn dại thì mới biết. Mặt khác, khi phát hiện chó mắc bệnh dại, người dân thường giấu không báo cáo với chính quyền cơ sở và cơ quan thú y nên không thể thống kê được số lượng chó mắc bệnh dại và nghi mắc bệnh dại hằng năm trên địa bàn tỉnh. Mặc dù không gây thiệt hại lớn về kinh tế nhưng bệnh dại lại gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Bởi vậy, trước những diễn biến phức tạp của công tác phòng, chống và tình hình bệnh dại ở người và động vật, từ đầu năm đến nay, ngành Thú y đã triển khai tiêm phòng đại trà vụ xuân, vụ thu bằng vắc-xin dại Rabisin với kế hoạch là 230 nghìn con chó. Tuy nhiên, theo thống kê của Chi cục Thú y, kết quả tiêm phòng vắc-xin dại trên đàn chó, mèo của tỉnh vẫn đạt tỷ lệ rất thấp. Cụ thể trong vụ xuân năm 2014, toàn tỉnh mới chỉ tiêm vắc-xin dại được 40.525 con, đạt 17,6% kế hoạch và từ khi triển khai tiêm vụ thu đến nay (hết ngày 3-9-2014), các địa phương mới tiêm được 10.346 con, đạt 4,5%. Việc tiêm phòng vắc-xin bệnh dại cho chó, mèo gặp nhiều khó khăn chủ yếu do ý thức chủ quan của người dân sau nhiều năm dịch bệnh không xuất hiện, đây cũng là bệnh không trong diện được hỗ trợ vắc-xin. Chính quyền nhiều địa phương cũng lơ là, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện tiêm phòng, chưa có các biện pháp cứng rắn như xử phạt… để bắt buộc người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng cho đàn chó, mèo. Mặc dù chi phí tiêm chỉ 15-20 nghìn đồng/mũi (cả thuốc và công tiêm) nhưng rất nhiều người không đưa chó đi tiêm phòng dại và chính quyền nhiều địa phương cũng làm ngơ việc kiểm tra, đôn đốc. Chính vì vậy, kết quả tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo còn rất hạn chế, do đó nguy cơ phát sinh bệnh dại trên địa bàn tỉnh là rất cao. 
 
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dại ở người và động vật, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các ngành liên quan triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự phát sinh và lây lan của bệnh dại. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố có công văn chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống bệnh dại. Tổ chức rà soát số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo từ 1 tháng tuổi trở lên đảm bảo 100% tổng đàn. Hằng tháng tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo mới phát sinh. Các xã giao trách nhiệm cho trưởng thôn, xóm và mạng lưới thú y cơ sở chịu trách nhiệm quản lý đàn chó trên địa bàn và tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm bệnh dại trên động vật. Đồng thời, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại một cách có hiệu quả. Đặc biệt tuyên truyền để nhân dân giám sát, phát hiện và báo cáo cho chính quyền, cơ quan thú y các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại để xử lý; chủ vật nuôi khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây xích, đeo rọ mõm và có người dắt; hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho người. Cùng với đó, các xã phải tăng cường công tác kiểm soát, vận chuyển, mua bán chó, mèo theo đúng quy định; yêu cầu các hộ kinh doanh buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo trên địa bàn ký cam kết không mua bán, giết mổ chó, mèo bị bệnh, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com