Ngày 11-7-2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2014/TT-BXD thay thế Thông tư số 39/2009/TT-BXD ngày 9-12-2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2014. Thông tư tập trung siết chặt các yêu cầu về quản lý nhà ở riêng lẻ cao tầng, đồng thời bổ sung Điều 5 quy định về khảo sát và thiết kế xây dựng nhà ở. Theo quy định của Thông tư, đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250m
2, từ 2 tầng trở xuống, chủ nhà tự khảo sát, xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng khảo sát nhằm đảm bảo an toàn công trình nhà ở và các công trình lân cận. Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m
2, từ 3 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát địa chất công trình. Theo đồng chí Phạm Quốc Hải, Phó Phòng Quản lý đô thị Thành phố Nam Định cho biết: “Điều 5 của Thông tư này đã giúp các cơ quan quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ ở các khu dân cư chặt chẽ hơn, giảm thiểu tối đa sự cố liên quan đến sụt lún, nghiêng đổ của các công trình nhà ở cao tầng. Đồng thời, Thông tư cũng giúp khắc phục tình trạng phần lớn các đơn vị tư vấn thiết kế do chủ nhà thuê chỉ khảo sát địa chất theo dạng giả định, tận dụng kết quả khảo sát địa chất của một công trình trong khu vực để thiết kế móng, nền chịu lực của căn nhà. Chính tâm lý chủ quan và coi nhẹ công tác khảo sát địa chất của chủ nhà lẫn đơn vị tư vấn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sụt lún của một số nhà ở hiện nay”. Trước đây, người dân thường xây nhà ở theo kinh nghiệm, thói quen cả trong thi công lẫn đánh giá về địa chất. Lực lượng thợ xây chủ yếu là lao động thời vụ, không qua đào tạo. Tuy vậy, các công trình nhà ở riêng lẻ ở các khu dân cư, đặc biệt ở địa bàn nông thôn, đều có quy mô nhỏ, nguy cơ mất an toàn không cao. Những năm gần đây, do nhu cầu của người dân nâng cao, ngày càng nhiều nhà ở riêng lẻ có quy mô lớn (diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m
2, từ 3 tầng trở lên) được xây dựng. Theo thống kê của Trung tâm hành chính một cửa Thành phố Nam Định, 8 tháng năm 2014, thành phố đã cấp 270 giấy phép xây dựng nhà ở; trong đó có đến 80% nhà ở xây dựng trên 3 tầng. Đây là những công trình có khả năng tiềm ẩn mất an toàn nếu không được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, nhất là về chịu lực và ảnh hưởng (lún, nứt) đến công trình lân cận, liền kề. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, là thành phố ven sông, xen kẽ hơn 13 ao, hồ lớn nhỏ với tổng diện tích 41,77ha, nên nền địa chất ở các vùng ngoại thành không đồng đều. Cùng với đó, do tốc độ đô thị hóa, tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu nhanh khiến cho nền địa chất của các khu vực dân cư xáo trộn nhiều nên việc xây dựng các tòa nhà cao tầng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn nếu không được thiết kế tính toán kỹ lưỡng, triệt để. Để tính toán thiết kế công trình (phần móng, phần thân công trình và khả năng ảnh hưởng đến công trình lân cận) bắt buộc phải có số liệu tin cậy về khảo sát địa chất công trình. Quy định của Thông tư mới sẽ khắc phục những hạn chế trong hoạt động xây dựng theo thói quen, kinh nghiệm của người dân. Công tác đảm bảo an toàn trong quá trình thi công xây dựng cũng được quy định rõ ràng. Theo đó, chủ nhà phải chịu trách nhiệm tổ chức giám sát hoặc ủy quyền cho người đại diện giám sát thi công xây dựng, kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện xây dựng, thiết bị... trước khi đưa vào thi công xây dựng nhà ở; hệ thống cốp pha, đà giáo, giàn giáo thi công; các biện pháp bảo đảm an toàn lao động trong quá trình thi công; biện pháp che chắn để đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường cho người và công trình lân cận.
|
Thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đường Nguyễn Trãi (TP Nam Định). |
Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết các nội dung thẩm tra thiết kế và công tác kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng đối với các công trình nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên được quy định tại Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP. Trước khi khởi công, chủ nhà phải gửi hồ sơ thiết kế đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp của chính quyền địa phương để thẩm tra thiết kế theo quy định. Ngay sau khi khởi công, chủ nhà phải gửi báo cáo để cung cấp đến Sở Xây dựng các thông tin công trình: tên và địa chỉ liên lạc của chủ nhà, địa điểm xây dựng, quy mô và tiến độ thi công dự kiến của công trình. Trong quá trình thi công, chủ nhà có trách nhiệm tổ chức giám sát, nghiệm thu theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25-7-2013 của Bộ Xây dựng. Khi hoàn thành công trình, chủ nhà phải chuẩn bị hồ sơ theo nội dung tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này gửi về Sở Xây dựng để kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng. Theo Sở Xây dựng, số lượng công trình nhà ở riêng lẻ lớn hơn 7 tầng ở tỉnh ta không nhiều, tuy nhiên chủ sở hữu của loại công trình này phần lớn không có nhiều kiến thức về quản lý hoạt động xây dựng. Trong khi đó, kết cấu nhà ở từ 7 tầng trở lên có yêu cầu cao về an toàn và có nhiều tiềm ẩn gây mất an toàn cho các công trình lân cận, liền kề, nên việc cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng thẩm tra thiết kế đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng là cần thiết. Ngoài ra, quy định trên cũng giúp cho cơ quan quản lý tốt quy hoạch kiến trúc, chiều cao số tầng của nhà ở tại các điểm dân cư theo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc của Thành phố Nam Định và Quy hoạch điều chỉnh các phường, xã được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2013. Thời gian qua, đối chiếu với quy hoạch, Phòng Quản lý đô thị đã điều chỉnh hồ sơ xin cấp phép xây dựng 7 tầng của 1 hộ ở đường Nguyễn Du do Cty CP Xây dựng Hoàng Hiếu thẩm tra do không phù hợp với quy hoạch kiến trúc. Như vậy, tất cả các khâu trong công tác xây dựng nhà ở riêng lẻ của người dân từ thiết kế, khảo sát, thi công xây dựng đến hoàn thành, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đều được tăng cường quản lý từ cơ quan chuyên môn về xây dựng. Đặc biệt, Thông tư số 10/2014/TT-BXD cũng quy định UBND tỉnh phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng nhà ở riêng lẻ cho Sở Xây dựng và UBND cấp huyện, Ban quản lý KCN, Ban quản lý khu đô thị kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Để Thông tư đi vào thực tiễn và có hiệu quả, vai trò của các địa phương như phường, xã trong quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ cần được tăng cường hơn nữa; phối hợp chặt chẽ với Ban giám sát cộng đồng tại các tổ dân phố, thôn, xóm trong giám sát thi công công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nội dung Thông tư trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, ý thức thực hiện đảm bảo đúng quy định của người dân. Hiện tại, Phòng Quản lý đô thị đã triển khai phối hợp với Trung tâm hành chính một cửa Thành phố Nam Định niêm yết công khai Thông tư tại bảng thông báo, đồng thời rà soát các thủ tục hồ sơ xin cấp phép xây dựng của người dân, yêu cầu bổ sung các hồ sơ còn thiếu, đảm bảo giải quyết hồ sơ đúng thời hạn./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn