Lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là nòng cốt trong phong trào thi đua yêu nước của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động nhằm động viên, khai thác tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, vượt khó vươn lên trong quá trình học tập, nghiên cứu và lao động sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Kiểm tra sản phẩm hoàn tất tại Cty May Vị Hoàng (TP Nam Định). |
Với mục tiêu “Năng suất - chất lượng - hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cụ thể hóa nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị, đặc điểm công việc của ngành, lĩnh vực; gắn việc thực hiện phong trào thi đua với các phong trào, cuộc vận động riêng của từng ngành. Hằng năm các đơn vị tổ chức cho cán bộ CNVCLĐ đăng ký thi đua; đồng thời có biện pháp khuyến khích các tập thể, cá nhân mạnh dạn đề xuất ý tưởng; tạo điều kiện về vật chất, thời gian để áp dụng và nhân rộng những sáng kiến có hiệu quả cao vào thực tế công việc chuyên môn. Do đó, phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” được hưởng ứng sâu rộng, có giá trị thực tiễn cao. Trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, phong trào tập trung vào “Nâng cao chất lượng phục vụ”, cải cách thủ tục hành chính, chống quan liêu, giảm phiền hà cho nhân dân… Trong lĩnh vực kinh tế, các ngành NN và PTNT, Công thương, TN và MT, Tài chính, phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” gắn với các mục tiêu cụ thể như: “thâm canh, tăng năng suất”, “chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, khắc phục khó khăn về điều kiện thời tiết, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị đất canh tác; “Thi đua liên kết phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn”, “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Thi đua lao động, sáng tạo, năng suất, chất lượng, hiệu quả”… Các ngành Y tế, GD và ĐT thực hiện phong trào “Quy tắc ứng xử và nâng cao y đức trong cán bộ ngành Y tế”, “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”, thực hiện “Dạy tốt - Học tốt”, “Học đi đôi với hành”, “Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”… để phát huy khả năng sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, giáo viên, công nhân viên và học sinh. Qua các phong trào thi đua đã thu hút các tập thể, cá nhân tham gia, say mê nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới phương pháp thực hành. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có trên 4.000 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, làm lợi nhiều tỷ đồng và có giá trị cao về mặt xã hội được các cấp khen thưởng. Nhiều đơn vị có truyền thống tổ chức tốt phong trào như các ngành NN và PTNT, Công thương, Y tế, GD và ĐT… Với mục tiêu: Tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường..., phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được ngành NN và PTNT cụ thể bằng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tâm, thạo việc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống lúa mới, các biện pháp thâm canh tổng hợp, mở rộng vụ đông trên đất hai lúa đạt hiệu quả kinh tế cao được áp dụng ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường… Nhiều đề tài sáng kiến được nghiên cứu và đưa vào sản xuất thành công tiêu biểu như các đề tài: "Xây cầu dẫn trong âu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Cảng cá Ninh Cơ" của tác giả Nguyễn Văn Mười (Ban quản lý Cảng cá Ninh Cơ); "Xây dựng quy trình kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 32, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình áp dụng cho ngành NN và PTNT" của tác giả Bùi Sỹ Sơn (Sở NN và PTNT); "Sáng kiến quản lý đàn gia súc, gia cầm tại xã Giao Châu, huyện Giao Thủy" của tác giả Phan Văn Khoa (Trạm Thú y huyện Giao Thủy)... Sở KH và CN nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành công việc. Nhiều đoàn viên, thanh niên đã tham gia viết và xây dựng các phần mềm phục vụ công tác quản lý Nhà nước như: Phần mềm quản lý hồ sơ công việc (ISO online) góp phần nâng cao chất lượng công tác điều hành tại các cơ quan hành chính, hiện được áp dụng tại 28 sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Phần mềm “Quản lý các đề tài, dự án KH và CN” do đồng chí Lưu Mạnh Hùng xây dựng được ứng dụng trong công tác quản lý KH và CN tỉnh Nam Định. Các phần mềm “Quản lý công tác giải phóng mặt bằng”, “Đôn đốc công văn”, “Quản lý nguồn nhân lực” cũng đang được ứng dụng vào công việc tại các sở, ngành trong tỉnh... Ngoài ra, còn nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM… Phong trào đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các đề tài khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào việc khám, chữa bệnh trong CNVCLĐ ngành Y tế được tổ chức thực hiện sôi nổi với nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị của từng bộ phận, vị trí công tác. Trung bình mỗi năm, toàn ngành có hàng trăm đề tài, sáng kiến của CNVCLĐ được ứng dụng vào thực tiễn, có ý nghĩa kinh tế - xã hội thiết thực góp phần giảm chi phí đầu tư máy móc thiết bị, tăng năng lực khám, chữa bệnh, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Xuân Trường, Phó Giám đốc Hoàng Tiến Dũng đã có sáng kiến thay đui bóng nguồn sáng dùng cho máy xét nghiệm sinh hóa tự động. Bóng nguồn sáng (bóng liền đui) là bộ phận quan trọng của máy xét nghiệm sinh hóa tự động nhập khẩu với giá rất đắt, hơn 10 triệu đồng/bóng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, bóng rất dễ bị cháy và nếu thay mới phải mua cả đui và bóng, độ bền không cao. Trung bình mỗi năm có tới 3 lần bóng cháy nên rất tốn kém và ảnh hưởng rất lớn đến công việc của bệnh viện. Để khắc phục tình trạng này, đồng chí Hoàng Tiến Dũng đã nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân, từ đó cải tiến một phần thân máy để sử dụng lại đui, chỉ mua bóng thay thế. Áp dụng sáng kiến cải tiến bóng nguồn sáng của đồng chí Dũng, độ bền của bóng cao hơn, giảm chi phí mua bóng xuống còn 700 nghìn đồng/bóng, đảm bảo kịp thời thực hiện các xét nghiệm của bệnh viện. Sáng kiến này đã được phổ biến nhân rộng tại một số đơn vị sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa tự động chuyên khoa tai mũi họng trong tỉnh. Ở khối các cơ quan quản lý cũng có nhiều sáng kiến giải pháp khắc phục khó khăn trong lĩnh vực quản lý như: giải pháp công tác tuyên truyền xây dựng NTM huyện Hải Hậu giai đoạn 2010-2015 của tác giả Vũ Ngọc Trường, Huyện ủy Hải Hậu; giải pháp hạn chế diện tích đất trồng lúa bỏ hoang trong sản xuất nông nghiệp ở Thành phố Nam Định của tác giả Trần Mạnh Tiến, Phòng Kinh tế thành phố; giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp của tác giả Hà Huy Vinh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh…
Những nỗ lực thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các cấp, các ngành trong tỉnh đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2014, toàn tỉnh đã xét tặng giải thưởng cho 74 tác giả có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tiêu biểu cấp tỉnh; tặng giải thưởng Nguyễn Đức Thuận lần thứ 3 cho 31 CNVCLĐ tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương