Phấn đấu hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

07:09, 18/09/2014
Do những nội dung liên quan đến vấn đề môi trường nông thôn trước đây chưa được quan tâm đúng mức nên khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, việc thực hiện tiêu chí số 17 - tiêu chí về môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí khó đối với hầu hết các địa phương. Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại 96 xã, thị trấn giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh mới có 47 xã, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí số 17; 33 xã, thị trấn đã cơ bản đạt tiêu chí số 17 và vẫn còn 16 xã, thị trấn chưa đạt tiêu chí môi trường. Để sớm đạt tiêu chí môi trường tại những xã tham gia xây dựng NTM, các ngành chức năng và các cấp chính quyền đang đẩy mạnh phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp hiệu quả.
Việc thực hiện các quy định về BVMT ở một số vùng nông thôn chưa nghiêm túc, còn tình trạng xả rác xuống lòng sông (Trong ảnh: Rác thải trên sông đoạn qua xã Hải Quang, huyện Hải Hậu).
Việc thực hiện các quy định về BVMT ở một số vùng nông thôn chưa nghiêm túc, còn tình trạng xả rác xuống lòng sông (Trong ảnh: Rác thải trên sông đoạn qua xã Hải Quang, huyện Hải Hậu).
Sở NN và PTNT đã tập trung hoàn thiện Quy hoạch làng nghề nông thôn đến năm 2020 và định hướng đến 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó chuyển đổi, thu hẹp, tiến tới loại bỏ các nhóm nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Hoàn thiện và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ các làng nghề và ngành nghề thủ công truyền thống, bảo tồn bản sắc văn hóa và gắn với hoạt động du lịch để phát triển bền vững làng nghề. Trong hoạt động sản xuất, ngành NN và PTNT cũng tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các biện pháp, quy trình sản xuất tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ngăn ngừa các yếu tố phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường trên tất cả các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy, hải sản. Tiêu biểu như dự án “Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp trong thời gian 6 năm (2013-2018)” nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường thông qua việc xúc tiến xây dựng, nhân rộng các mô hình nghiên cứu và chuyển giao các ứng dụng quản lý chất thải nông nghiệp hướng tới giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phế, phụ phẩm trong nông nghiệp, quản lý hiệu quả các hoạt động chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nông nghiệp thông qua mở rộng và phát triển chương trình khí sinh học, tạo nguồn năng lượng sạch; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Đến ngày 25-8-2014, ở các địa phương trong tỉnh đã xây dựng, lắp đặt được 605 công trình khí sinh học. Sở NN và PTNT đã cam kết sẽ hỗ trợ tối đa số lượng các hộ xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học, mỗi công trình hầm bi-ô-ga được hỗ trợ 3 triệu đồng; đồng thời đề nghị các huyện, thành phố trong phạm vi Dự án quan tâm chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu xây dựng công trình khí sinh học. Sở NN và PTNT đang tập trung phối hợp với các địa phương nâng cao hiệu quả tuyên truyền về dự án bằng các hình thức phát tờ rơi tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các bảng biển giới thiệu thông tin dự án. Thúc đẩy gói tín dụng cho vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi nhằm quy hoạch vùng nuôi tập trung để thuận tiện xử lý chất thải và các vấn đề về môi trường, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xây dựng chuỗi quản lý chăn nuôi theo hướng an toàn môi trường từ con giống đến biện pháp chăm sóc, quản lý thức ăn, quản lý môi trường khu vực chăn nuôi để có sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm, BVMT. Phấn đấu trong 4 tháng cuối năm sẽ xây dựng, lắp đặt thêm 1.000 công trình khí sinh học, hết năm 2014 đạt 1.500-1.800 công trình. Ngành Công thương hiện đang tăng cường phối hợp với các địa phương quản lý các cơ sở kinh doanh, các cơ sở sản xuất tại các làng nghề có sử dụng hóa chất không đúng quy định, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân và môi trường. Quản lý và sử dụng có hiệu quả kinh phí khuyến công của tỉnh, ưu tiên hỗ trợ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường để di dời vào cụm, điểm công nghiệp hoặc chuyển đổi sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào các điểm công nghiệp nông thôn (mỗi điểm công nghiệp có quy mô từ 1,5-2ha) với các hỗ trợ, ưu đãi về mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông); miễn từ 70-100% tiền thuê đất trong 5 năm đầu; hỗ trợ về lãi suất ngân hàng; đào tạo nghề; quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 7-5-2012 của UBND tỉnh. Đặc biệt, nhằm giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp, riêng trong 6 tháng đầu năm, ngành Công thương đã phối hợp với Trung tâm Kiểm định kỹ thuật công nghiệp - Cục Kỹ thuật an toàn (Bộ Công thương) kiểm định và kiểm định lại 23 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn kỹ thuật tại 15 đơn vị; Kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động, PCCN tại 17 đơn vị có nguy cơ cao; tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về an toàn hóa chất. Sở TN và MT đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh phối hợp, huy động kinh phí, công lao động của người dân vùng nông thôn để xây dựng, đưa vào sử dụng các công trình xử lý ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, các loại chất thải công nghiệp (nước, rác, khí) của các hộ làm nghề tồn tại xen kẽ trong khu dân cư. Hiện tại, Sở đang tập trung phối hợp cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý các địa điểm gây ô nhiễm môi trường trọng điểm tại vùng nông thôn như dự án khắc phục ô nhiễm môi trường tại làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực); Dự án phục hồi tài nguyên, hệ sinh thái bị suy thoái vùng ven bờ tỉnh Nam Định; 3 dự án xử lý hóa chất BVTV tồn lưu tại các xã Bình Hòa, Hoành Sơn (Giao Thủy) và Nam Phong (TP Nam Định). Bên cạnh đó, Sở TN và MT còn phối hợp với các địa phương tập trung ưu tiên cho các hoạt động như: giám sát ngăn chặn thành lập mới các cơ sở sản xuất thuộc nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư nông thôn; hoàn thành việc phân loại các cơ sở làng nghề, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề, đặc biệt tập trung vào nhóm các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. 
 
Cùng với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể cũng tích cực vào cuộc, tổ chức phát động đoàn viên, hội viên hưởng ứng các phong trào cụ thể, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường nông thôn. Tiêu biểu như các mô hình thu gom rác thải, trồng cây xanh tại nơi công cộng và nâng cấp hệ thống thoát nước thải sinh hoạt của tổ chức Công đoàn... Với sự nỗ lực, chung sức phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng, chắc chắn các địa phương sẽ tháo gỡ khó khăn hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM./.
 
Bài và ảnh:  Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com