Nghề làm hương truyền thống

08:09, 26/09/2014

Nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, trải qua lịch sử trên 750 năm hình thành và phát triển, tỉnh ta được mệnh danh là “đất trăm nghề” do được quy tụ bởi cư dân từ các miền về sinh sống và lập nghiệp. Trong số hàng trăm nghề thủ công mỹ nghệ có nghề làm hương trầm truyền thống. Với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, nghề làm hương trầm với các thương hiệu “hương Hàng Giấy”, hương trầm Thuận Xương ở các phố nghề thuộc Thành Nam xưa như: Hàng Giấy (nay là phố Hoàng Văn Thụ); Hàng Nâu (nay là phố Minh Khai) đã nức tiếng gần xa. Hiện nay, ngoài 10 hộ ở các phố Hoàng Văn Thụ, Minh Khai vẫn duy trì sản xuất, nghề làm hương trầm truyền thống còn phát triển ở các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Trực Ninh…

Thành Nam xưa có 2 phố cổ có nghề làm hương trầm truyền thống là phố Hoàng Văn Thụ (phố Hàng Giấy hay còn có tên là phố Khách do tập trung ở đây là người Hoa) và phố Minh Khai do cụ Lê Đức Nhuận (gốc ở Thường Tín, Hà Nội) đưa về cách đây hơn trăm năm. Thời điểm cực thịnh, ở Thành phố Nam Định đã từng hình thành HTX làm hương quy tụ vài chục hộ và hàng trăm thợ làm hương theo phương pháp truyền thống. Qua thời gian, HTX làm hương và nghề hương trầm ở phố Hàng Giấy không còn, tuy nhiên, thợ làm hương thì tản mát về phát triển giữ nghề rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong câu chuyện với chúng tôi, cụ Đỗ Công Chính, chủ hiệu hương trầm Chính Phát, Thị trấn Gôi (Vụ Bản) cho biết: hương trầm là nghề truyền thống của gia đình, được truyền đến cụ đã qua 4 đời. Mặc dù được tiếp xúc với nghề từ thuở niên thiếu nhưng cụ Chính chính thức “bén duyên” với nghề làm hương trầm từ năm 1957 đến nay. Với gần 60 năm gắn bó với nghề, cụ Chính bảo, đây là nghề thủ công, không khó, không quá nặng nhọc, vất vả như sản xuất nông nghiệp hoặc một số nghề khác, nhưng không phải ai cũng làm và theo được nghề. Bởi vì nghề hương trầm ngoài việc phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết (nắng làm, mưa nghỉ) còn đòi hỏi tính tỉ mỉ, cận trọng, chính xác và cần mẫn trong từng công đoạn từ phối, chế nguyên liệu, nghiền thành bột rồi đến các khâu “nhúng”, “vê”, phơi. Để có được nén hương thơm trước hết phải tinh tế từ khâu chọn nguyên liệu. Nguyên liệu chính để làm hương gồm 10-30 loại thuốc bắc như: đinh hương, cam thảo, tế tân, quế chi, đan bì, địa liền, đại hoàng, mộc hương, xương truật, trầm hương, củ khung và các phụ gia có tác dụng kết dính như nhựa trám, nhựa thau… nên phải bảo quản sạch sẽ, thơm tho để lưu giữ mùi thơm đặc trưng của từng vị. Trước khi bắt đầu làm một mẻ hương, nguyên liệu phải được cân đo, đong đếm tuyệt đối chính xác theo một tỷ lệ nhất định, sau đó được trộn theo đúng trình tự từng vị rồi mới đem nghiền, xay nhuyễn thành bột. Bột để làm hương phải được sàng, sẩy cẩn thận, tránh bị bụi, bẩn bay vào ảnh hưởng đến chất lượng của hương.

Sau khi hoàn tất các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, bột đã được “luyện” nhuyễn với nước và phụ gia mới đến công đoạn nhúng, vê hương. Dụng cụ để làm hương trầm truyền thống rất đơn giản, chỉ cần mặt bàn phẳng và “tay xoa” làm bằng gỗ, hình chữ nhật kích thước rộng khoảng 15cm, dài khoảng 30cm. Tuy nhiên không phải gỗ nào cũng làm được tay xoa mà nhất thiết phải là gỗ lát, sau khi được thợ khéo bào nhẵn, đóng tay cầm vừa vặn, trên tay cầm lại phải đục moi một lỗ hổng để cài con then dài khoảng 10cm. Sau đó tay xoa phải được gia công bằng cách hơ qua lửa để hai cạnh dài (dọc theo tay cầm) cong khoảng 0,3-0,4cm so với phần còn lại để khi vê, nén hương vừa tròn, đều, bột bám chắc vào chân hương mà không dính vào bàn hoặc tay xoa. Mỗi ngày, bình quân một thợ lành nghề chỉ vê được từ 8-10 nghìn nén hương. Hương được vê xong phải dựng trong nhà một lúc mới được mang ra phơi, sau khoảng 3-4 tiếng phơi liên tục lại phải “đảo” để hương không bị cháy nắng và khô đều mới đóng gói thành từng thẻ, bó, nắm để mang đi chợ bán. Cùng thời với cụ Chính ở thôn An Cự, xã Đại An (Vụ Bản) còn có các cụ Lê Văn Mai, Trần Văn Tuỳnh; tại huyện Ý Yên có vài hộ làm hương trầm. Hiện nay, các cụ Mai, Tuỳnh đều đã mất nhưng nghề làm hương trầm vẫn được các thế hệ con cháu duy trì. Cụ Mai có 8 người con thì có 6 người theo nghề làm hương, cụ Tuỳnh cũng có 1 người con là anh Trần Văn Hiên theo nghề và cơ sở của anh vẫn sản xuất hương theo phương pháp thủ công truyền thống. Ở phố Minh Khai (TP Nam Định) vẫn có hơn 10 hộ làm nghề hương trầm, trong đó phần lớn là cháu, chắt của cụ Nhuận. Ngoài cụ bà Nhuận (năm nay đã gần 100 tuổi) và ông Lê Trung Thư, chắt nội cụ Nhuận làm nghề tại ngõ 195 phố Minh Khai, nghề hương trầm gia truyền của dòng họ Lê còn được 7 trong số 8 anh em ruột của ông phát triển ở nhiều phố và các tỉnh khác như: Sơn La, Hòa Bình. Khoảng chục năm trở lại đây, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều công đoạn của nghề hương trầm truyền thống đã được máy móc thay thế. Với gần 20 năm theo nghề, từ năm 2010, Anh Lê Văn Sơn, con trai cụ Mai đã đầu tư 3 máy vê hương để sản xuất hương nén thay thế phương pháp sản xuất thủ công. Nhờ có máy vê hương, mỗi ngày cơ sở của anh Sơn sản xuất được từ 18-20 nghìn nén/máy, công suất gấp đôi so với sản xuất thủ công và tạo thêm việc làm ổn định cho 2 lao động địa phương với thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, mỗi tháng, cơ sở của anh xuất bán ra thị trường từ 1-2 tấn hương các loại. Không chỉ ở Thành phố Nam Định và huyện Vụ Bản, nghề làm hương còn phát triển ở xã Trực Thanh (Trực Ninh) với 2 cơ sở chuyên sản xuất tăm hương và làm hương trầm. Cơ sở sản xuất tăm hương của anh Phạm Văn Oánh xóm 12 có tổng diện tích trên 1.000m2, toàn bộ các khâu: chẻ lát, vót tăm, cắt, đánh bóng sản phẩm… đều được thực hiện bằng các loại máy chuyên dụng với tổng giá trị đầu tư gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 50 lao động. Sẵn có nguồn nguyên liệu tăm hương sản xuất tại địa phương, đầu năm 2013 anh Phạm Đình Độ cũng ở xóm 12 đã thành lập cơ sở sản xuất hương thơm, đầu tư hàng trăm triệu đồng mua 7 máy vê hương. Sản phẩm một phần được tiêu thụ nội địa, phần lớn được xuất khẩu sang Ấn Độ. Mỗi tháng, cơ sở của anh Độ sản xuất được từ 10-12 tấn hương thành phẩm, tạo việc làm cho trên 20 lao động.

Sản phẩm hương trầm của các cơ sở sản xuất trong tỉnh chỉ có 2 loại là hương nén, hương vòng nhưng lại được chia thành nhiều cấp độ theo mùi vị. Hương trầm gia truyền của dòng họ Lê sản xuất ở phố Minh Khai gồm 3 loại: loại dùng để cúng gia tiên có từ 25-30 vị; loại dùng trong các đình, chùa có khoảng 20 vị và loại phổ thông dùng trong các đám hiếu có gần chục vị. Hương trầm hiệu Chính Phát và các cơ sở sản xuất ở thôn An Cự được chia làm 3 hạng: hạng nhất thường có vị thơm của nhựa trám, nhựa thau và khoảng 10-15 vị thuốc bắc; hạng nhì có mùi thơm đặc trưng của hồi, quế, nhựa trám và hương thường chỉ có mùi thoảng nhẹ… Những năm gần đây, nghề hương trầm truyền thống của tỉnh ta phải cạnh tranh khá gay gắt với các loại hương trên thị trường, đặc biệt là loại hương “cuốn tàn”, “đậu tàn” sản xuất ở nhiều nơi theo thị hiếu của khách, thu nhập của người làm hương có giảm so với trước, nhưng nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của tổ tiên về nghề nên các sản phẩm hương trầm truyền thống vẫn được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ tốt. Nhờ đó, tuy không giàu có nhưng nghề làm hương trầm truyền thống vẫn mang lại no ấm cho những người thợ và gia đình./.

Thành Trung



Cách test tính cách mbti đơn giản

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com