Ngành Công thương thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

04:09, 13/09/2014
Theo số liệu thống kê của Sở KH và ĐT, 8 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã cấp đăng ký kinh doanh cho 408 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 1.144 tỷ đồng. Do ảnh hưởng bởi lạm phát, suy giảm kinh tế kéo dài, toàn tỉnh đã có 415 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể (tăng 73 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2013). Trước tình hình đó, cùng với các biện pháp giãn, giảm thuế, hạ lãi suất và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi… của Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Công thương đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều biện pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như: đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư vào các khu, CCN; hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về địa bàn nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án khuyến công; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.
Sản xuất các sản phẩm thuốc và hóa dược tại Cty TNHH Trường Thọ, KCN Hòa Xá (TP Nam Định).
Sản xuất các sản phẩm thuốc và hóa dược tại Cty TNHH Trường Thọ, KCN Hòa Xá (TP Nam Định).
Trước hết, ngành Công thương đã tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính với mục đích hoàn thiện những dịch vụ công theo hướng tiện ích, phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008, đặc biệt là việc xây dựng các bộ thủ tục hành chính với 4 quy trình hệ thống và 22 quy trình tác nghiệp bao phủ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở; niêm yết công khai 56 thủ tục hành chính của 9 lĩnh vực thuộc thẩm quyền; thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, nghiên cứu loại bỏ những thủ tục chồng chéo; chú trọng giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức về đạo đức công vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến giải quyết thủ tục hành chính và liên hệ công tác. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện về thời gian, giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp mà còn góp phần chuyển biến nhận thức của cán bộ, công chức từ “xin - cho” sang “hỗ trợ, phục vụ”. Bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, Sở Công thương đã chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực: khuyến công, xúc tiến thương mại, tiết kiệm năng lượng, tuyên truyền, phổ biến các quy định, cơ chế chính sách của Trung ương, các bộ, ngành và của tỉnh để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, thực hiện. Những tháng đầu năm 2014, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại tổ chức cho các doanh nghiệp tiêu biểu trong tỉnh đưa các sản phẩm CN-TTCN của tỉnh đi tham gia 2 kỳ hội chợ là Expo Hà Nội 2014 với 4 gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và Hội chợ thương mại chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên với 8 gian hàng trưng bày các sản phẩm cơ khí, máy nông nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia hội chợ đã được hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng với mức từ 3-10 triệu đồng/gian. Thông qua các hội chợ, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm tới các đối tác trong và ngoài nước, góp phần mở rộng thị trường và tiếp cận với chuỗi tiêu thụ sản phẩm toàn cầu. Trong tháng 9-2014, ngoài tổ chức cho các doanh nghiệp cơ khí sản xuất máy nông nghiệp huyện Xuân Trường tham gia trưng bày 4 gian hàng tại Hội chợ Công nghiệp - Thương mại Lào Cai 2014 (từ ngày 16 đến 22-9-2014); Trung tâm còn phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo quốc tế “Cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may” vào ngày 26-9-2014. Trong quý IV năm 2014, dự kiến Trung tâm sẽ tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham dự từ 3-5 kỳ hội chợ trong nước và phối hợp với Trung ương HND Việt Nam tổ chức tốt Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp - Thương mại khu vực đồng bằng sông Hồng 2014…   
 
Với những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đồng bộ được ngành Công thương triển khai trong năm 2014, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hơn 5.000 doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực ổn định sản xuất, kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý để tăng năng lực cạnh tranh, giữ vững thị trường. Nhờ đó, tốc độ sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 0,8% so với tháng 7 và tăng 11,5% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá năm 2010) 8 tháng năm 2014 ước đạt 26.003 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ; có 21/30 sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Trong tháng 8-2014, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án, trong đó có 1 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 13 triệu USD. Giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2014 đạt 322,5 triệu USD. Các ngành sản xuất chủ lực là dệt may, chế biến gỗ vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn đã ký được các hợp đồng gia công đến hết năm 2014 và gối sang những tháng đầu năm 2015. Nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ sản xuất ngành dệt may là bông, xơ, sợi và các loại phụ kiện được nhập khẩu ở các thị trường ổn định như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Pa-kít-xtan… Khối các doanh nghiệp chế biến gỗ nhờ nỗ lực không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm nên cũng phát triển thêm được nhiều thị trường xuất khẩu, vùng nguyên liệu được mở rộng. Báo cáo tại buổi làm việc với đồng chí Bộ trưởng Bộ KH và ĐT mới đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Hồng Phong khẳng định, nếu không có những biến động quá lớn, thiên tai, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu chính thì kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2014 ước đạt 436 triệu USD. Như vậy, tỉnh đã vượt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 (phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 420 triệu USD) ngay trong năm 2014. Đây thực sự là một kết quả quan trọng khẳng định hiệu quả của những giải pháp chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; sự nỗ lực, phối hợp của các sở, ngành chức năng, cùng với quyết tâm vượt khó, phát triển sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2011-2015; trước mắt hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 của ngành như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14%; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 (theo giá so sánh 1994) đạt 20.850 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013; giá trị hàng xuất khẩu đạt 420-430 triệu USD, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 23.157 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com