Dự án “Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) ở rừng và đồng bằng Việt Nam” (VFD) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được triển khai tại 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Long An và Nam Định trong thời gian 5 năm (2013-2017). Mục tiêu của dự án là thúc đẩy sự chuyển đổi của nước ta trong ứng phó với BĐKH, hạn chế phát thải khí nhà kính để phát triển bền vững, góp phần thực hiện Kế hoạch quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Dự án VFD do Bộ NN và PTNT là cơ quan chủ quản và với sự tham gia chỉ đạo thực hiện của UBND 4 tỉnh tham gia dự án; các đối tác hỗ trợ kỹ thuật gồm: Tổ chức Winrock International, Tổ chức Phát triển Hà Lan, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Mỹ, Hội CTĐ Việt Nam và Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững. Dự án có 3 hợp phần: “Cảnh quan bền vững”, “Thích ứng BĐKH”, “Điều phối và chính sách”. Tại tỉnh ta, Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ Mỹ, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững và Tổ chức Phát triển Hà Lan phối hợp thực hiện chủ yếu hợp phần “Thích ứng BĐKH” nhằm nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về BĐKH; trang bị công cụ và khả năng tiếp cận của người dân với cách thức chuyển đổi sinh kế ở vùng đồng bằng để tăng cường khả năng chống chịu rủi ro của BĐKH.
Xây dựng kè cắt sóng tạo bãi để bảo vệ đê biển tại xã Giao Phong (Giao Thủy). |
Theo đánh giá của Dự án VFD, năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó BĐKH, Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai, ứng phó và giảm thiểu BĐKH của tỉnh ta còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức chuyên môn của các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh trong việc thực hiện và quản lý các dự án BĐKH còn hạn chế; các đơn vị mới chỉ tham gia ở mức độ đối tác thực hiện các hoạt động cụ thể và ít tham gia ở cấp độ quản lý tổng quan dự án. Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng từ năm 2011, nhưng đến nay, Kế hoạch vẫn chưa triển khai. Các sở, ban, ngành có liên quan chưa có các nghiên cứu sâu đánh giá tác động của BĐKH vào lĩnh vực khác nhau như: tác động thâm nhập mặn đối với đất nông nghiệp, nước ngầm, mức độ thay đổi dòng chảy, nghiên cứu về khả năng thích ứng của cây trồng trong BĐKH… Lĩnh vực BĐKH chưa được lồng ghép trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năng lực sử dụng và trang thiết bị, phương tiện để thực hiện các hoạt động liên quan tới cảnh báo sớm rủi ro, thiên tai, dự báo và phân tích tác động của BĐKH còn thiếu. Nhận thức của người dân và cộng đồng về ứng phó với BĐKH; kỹ năng và kiến thức của cán bộ; nhận thức của người dân; sự phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành có liên quan trong việc ứng phó với BĐKH còn nhiều hạn chế. Tại tỉnh ta, Dự án VFD được triển khai thực hiện tại 3 huyện ven biển: Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Trong năm 2013, dự án đã thí điểm đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng (VCA) tại 3 xã Giao Long, Giao Hải và Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy). Đây là hoạt động cơ bản và cần thiết trước khi có những hành động can thiệp tiếp theo nhằm làm giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại cộng đồng. VCA đã đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác phòng, chống, ứng phó với thảm họa, thiên tai, thích ứng với BĐKH tại các xã tham gia dự án. Thông qua hoạt động này, chính quyền và người dân các xã triển khai dự án sẽ xác định được tình trạng dễ bị tổn thương, năng lực ứng phó của địa phương khi phải đối mặt với những rủi ro tự nhiên và xã hội cũng như những thách thức của BĐKH. Qua đó, giúp chính quyền, các ngành liên quan và các tổ chức, cá nhân có cái nhìn cụ thể về điểm mạnh, điểm yếu, nhu cầu ưu tiên cần giải quyết và đưa ra giải pháp nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong bối cảnh BĐKH tại các xã tham gia dự án. Đây là cơ sở góp phần giúp các xã triển khai dự án lồng ghép vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH một cách chủ động và hiệu quả. Các báo cáo đánh giá VCA cũng là một công cụ để các xã thực hiện dự án kêu gọi đầu tư, tài trợ vốn nhằm hỗ trợ xây dựng một cộng đồng an toàn và bền vững hơn trong tương lai. Đến tháng 9-2014, Dự án VFD đã hoàn thành triển khai đánh giá VCA thêm 6 xã là: Hải Đông, Hải Phúc, Hải Hòa (Hải Hậu) và Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). Sau khi đánh giá, mỗi xã sẽ được Dự án VFD hỗ trợ 1 tiểu dự án, mô hình do xã đề xuất giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai tại địa phương mình. Theo dự kiến, năm 2015 tiếp tục đánh giá VCA tại 9 xã, và đến hết năm 2017 sẽ hoàn thành đánh giá 30 xã tham gia dự án. Cũng tại 3 xã Giao Long, Giao Hải, Thị trấn Quất Lâm, dự án đã tập huấn cho đội ứng phó nhanh cấp xã, giúp việc cho Ban chỉ huy PCLB của địa phương về kiến thức, kỹ năng trong ứng phó thiên tai và các tình huống khẩn cấp, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong cộng đồng. Sau tập huấn, tại mỗi xã dự án sẽ hỗ trợ gói trang thiết bị cơ bản giúp công tác ứng phó với thiên tai và các tình huống khẩn cấp khác. Hiện nay, trong khuôn khổ dự án đang hỗ trợ cho tỉnh ta và các tỉnh thuộc dự án thực hiện hoạt động xây dựng Trung tâm Thông tin về BĐKH. Hoạt động này giúp các sở, ban, ngành liên quan tiếp cận được với các thông tin cần thiết về BĐKH tại tỉnh và các địa phương khác trong cả nước. Một trong các mục tiêu của hợp phần thích ứng tại tỉnh ta là tăng khả năng ứng phó của người dân và chuyển đổi sinh kế nông nghiệp vùng đồng bằng. Cuối tháng 8-2014, dự án đã tổ chức cho các thành viên trong BQL Dự án VFD của tỉnh; lãnh đạo UBND 3 huyện dự án; đại diện: Phòng Cây trồng, Phòng Nuôi trồng thuỷ sản, Chi cục PTNT, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở NN và PTNT); Phòng NN và PTNT 3 huyện dự án; Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh và 3 huyện dự án đi tham quan các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH: mô hình trang trại nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi theo chuỗi giá trị và mô hình nông dân tham gia chọn tạo giống lúa thích ứng với BĐKH tại Thanh Hóa; mô hình tổ hợp tác sản xuất men sinh học, mô hình sản xuất nước sạch quy mô trung bình, mô hình HTX tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại tại Hà Tĩnh. Qua việc học tập, tham quan các mô hình, tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai, giám sát và đánh giá mô hình đã giúp các cán bộ tham gia, đặc biệt là cán bộ cấp huyện nâng cao nhận thức, đổi mới cách suy nghĩ và hành động trong việc lên kế hoạch và xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng một cách bền vững. Trong 2 ngày 18 và 19-9-2014, dự án phối hợp với Sở NN và PTNT tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch ứng phó với BĐKH và hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó với siêu bão. Với những ý kiến thiết thực, nhiều đại biểu đã đưa ra những phương án phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo cơ sở nền tảng cho các cơ quan, ban, ngành, chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH, phòng, chống, ứng phó với siêu bão theo từng giai đoạn tham mưu cho UBND tỉnh.
Để hỗ trợ tỉnh thực hiện Kế hoạch quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành NN và PTNT, trong thời gian tới, Dự án VFD tiếp tục nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai của tỉnh, trọng tâm tại 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Lồng ghép vấn đề BĐKH vào quá trình lập kế hoạch trung và dài hạn như: Hỗ trợ rà soát các kế hoạch phát triển và sử dụng đất; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, quy hoạch về lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tái định cư, giao thông và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành, 3 huyện và các xã ven biển. Nâng cao năng lực về lồng ghép BĐKH vào quá trình quy hoạch, lên kế hoạch của các lĩnh vực: tài nguyên nước, quản lý rừng, thiên tai, nông nghiệp, y tế… Hỗ trợ xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH của tỉnh, ngành, 3 huyện và các xã ven biển thông qua các lớp tập huấn, hội thảo. Đánh giá hiện trạng, xu hướng tác động của BĐKH đến nguồn tài nguyên nước (nước ngầm, nước mặt) cho tưới tiêu và sinh hoạt; giải pháp kiểm soát xâm nhập mặn và quản lý lũ, lụt. Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi sinh kế ứng phó với BĐKH. Xây dựng và thí điểm các mô hình chống chịu BĐKH cho hộ dân như xây nhà cộng đồng tránh bão, các hoạt động về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH như: mô hình giống lúa chịu mặn, mô hình lúa - tôm, mô hình chuyển đổi sản xuất 2 vụ lúa hiệu quả thấp sang lúa - màu hoặc chuyên màu; các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ nhân rộng mô hình nông nghiệp thích ứng BĐKH và các sinh kế khác. Đánh giá hiện trạng rừng ngập mặn ven biển, hỗ trợ phục hồi hoặc trồng mới rừng ngập mặn./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh