Doanh nghiệp chủ động đấu tranh chống hàng giả và gian lận thương mại

07:09, 11/09/2014
Trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, bên cạnh hàng rào pháp lý và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì yếu tố quan trọng tạo nên thành công là sự chủ động phối hợp có hiệu quả của các doanh nghiệp, chủ sở hữu thương hiệu hàng hóa. 
Tập đoàn Unilever Việt Nam phối hợp với Chi cục QLTT tập huấn kiến thức chống hàng giả, hàng nhái đối với toàn bộ sản phẩm của hãng.
Tập đoàn Unilever Việt Nam phối hợp với Chi cục QLTT tập huấn kiến thức chống hàng giả, hàng nhái đối với toàn bộ sản phẩm của hãng.
Cty TNHH  JODO, CCN An Xá (TP Nam Định) với sản phẩm chính là sen vòi chậu rửa, sen vòi bể tắm, xi phông các loại hiện đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhờ luôn cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng của các sản phẩm. Cty đã đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, đăng ký sản phẩm độc quyền và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) xác nhận. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu sản xuất, phải rất khó khăn Cty mới có thể đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng do hàng Trung Quốc giá rẻ luôn tràn ngập trên thị trường. Cty thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại; xây dựng website thông tin đầy đủ các thông số kỹ thuật, dấu hiệu sản phẩm chính hãng và công bố những đại lý, địa chỉ cung ứng hàng hóa của Cty để người tiêu dùng nhận diện, so sánh sản phẩm với các loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên thị trường. Do đó, đến nay sản phẩm của Cty đã được đánh giá là thương hiệu mạnh với nhiều bạn hàng tiềm năng và không bị ảnh hưởng bởi hàng giả, hàng nhái thương hiệu như thời điểm bắt đầu sản xuất. Cty CP May Sông Hồng là doanh nghiệp đã có uy tín trên thị trường từ nhiều năm nay. Các sản phẩm của Cty sản xuất đều đạt chất lượng cao, được đăng ký độc quyền và nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy vậy sản phẩm chăn, ga, gối của Cty đã bị người sản xuất ở các làng nghề trong nước làm giả, làm nhái và nhiều đại lý nhập hàng trôi nổi nhưng giả là đại lý độc quyền của Cty và ngang nhiên sử dụng biểu tượng của Cty để thu hút khách hàng. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín về thương hiệu, chất lượng sản phẩm của Cty. Ngay khi phát hiện có hàng giả nhãn hiệu Cty lưu thông trên thị trường, Cty chủ động phối hợp với lực lượng Công an kinh tế, Quản lý thị trường để tìm biện pháp ngăn chặn nạn làm hàng giả, hàng nhái; củng cố, phát triển các kênh phân phối, gia tăng quyền lợi cho các nhà phân phối và tiếp nhận thông tin phản hồi từ các nhà phân phối về hiện tượng hàng giả lưu thông trên thị trường. Cty thành lập đội chống hàng giả và khuyến khích tất cả các nhà phân phối cử đại diện tham gia chương trình này để tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chính mình. Đồng thời, đưa ra những chế độ ưu đãi và thưởng đối với những người lập công trong chống hàng giả, hàng nhái và công khai những địa chỉ bán hàng giả nhãn hiệu sản phẩm của Cty. Bằng các biện pháp tích cực, chủ động của mình, các doanh nghiệp đã bảo vệ hiệu quả thương hiệu. Các Cty TNHH Nam Dược, Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Bia Na Da, Cty Dược phẩm Nam Hà, Cty TNHH Cơ khí Mai Văn Đáng; cơ sở sản xuất bánh kẹo Minh Trang, Na Bo cũng là những nhà sản xuất có ý thức trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để được tư vấn, hỗ trợ trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái. Các tập đoàn lớn như Honda Motor Nhật Bản tại Việt Nam, Ajinomoto, Unilever, Cty Casumina… đã tổ chức nhiều cuộc trao đổi về thực trạng hàng nhái, hàng giả trên thị trường; các chiêu thức trong việc làm giả, làm nhái, vận chuyển, phân phối; cung cấp chi tiết những đặc điểm nhận biết, cách phân biệt hàng thật, hàng giả và những hệ lụy do sử dụng sản phẩm giả… giúp lực lượng chức năng có cơ sở truy quét hàng giả và người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm dễ dàng hơn. Thực tế đã chứng minh tất cả những đơn vị chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ hàng hóa của mình và tích cực phối hợp với ngành chức năng trong đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại đều có thể bảo vệ thành công sản phẩm của mình trước vấn nạn hàng giả. Trong tháng 8-2014, cơ quan quản lý thị trường đã nhận được công văn của Cty Trí tuệ Việt, hãng dầu nhờn BP và Castrol Limited đề nghị phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm nhãn hiệu, biểu tượng hình của sản phẩm dầu nhớt BP và Castrol Limited trên địa bàn tỉnh. Qua điều tra xác minh, lực lượng chức năng đã phát hiện số hàng hóa trên do Cty CP Dầu khí toàn cầu Việt Nam ở số 75, Đức Giang (Hà Nội) cung ứng cho Cty TNHH Kinh doanh thương mại Đông Hải, số 350 Hàn Thuyên (TP Nam Định) bán. Lực lượng chức năng đã thu giữ 11 loại sản phẩm nhái nhãn hiệu, biểu tượng hình của hãng dầu nhờn BP và Castrol Limited và hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 
 
Tuy nhiên, theo thống kê của cơ quan chức năng mới chỉ có 10% số doanh nghiệp chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả, hàng nhái. Nhiều doanh nghiệp không công khai việc bị làm giả hàng hoá do lo ngại người tiêu dùng đánh đồng quay lưng với sản phẩm chính hãng; phó mặc nhiệm vụ chống hàng giả, hàng nhái cho cơ quan chức năng. Thậm chí khi lực lượng chức năng phát hiện có hàng giả, hàng nhái sản phẩm của doanh nghiệp lưu thông trên thị trường, yêu cầu doanh nghiệp gửi mẫu hàng chính hãng và phối hợp giải quyết, doanh nghiệp đã từ chối không hợp tác vì sợ khi thông tin hàng hóa chính hiệu bị làm giả sẽ gây tâm lý hoài nghi, hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Sự né tránh của doanh nghiệp đã gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, vô tình tiếp tay cho tình trạng kinh doanh phạm pháp này nảy nở, sinh sôi. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác chống hàng giả, hàng nhái cũng là nghĩa vụ của doanh nghiệp được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng chí Đỗ Đức Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Việc doanh nghiệp chủ động tham gia chống hàng giả sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát cũng như đấu tranh, tìm hiểu và trang bị kỹ năng phân biệt giữa hàng thật, hàng giả để xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Cơ quan Quản lý thị trường cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong công cuộc chống hàng giả bằng cách minh bạch hóa các quy trình, thủ tục xử lý các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tiếp nhận mọi đề nghị phối hợp kiểm soát sản phẩm có nghi vấn bị làm giả lưu thông trên thị trường; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình điều tra, xử lý vụ việc. 
 
Chủ động đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái để bảo vệ quyền lợi của chính mình đang được các doanh nghiệp coi trọng, thực hiện song hành cùng nhiệm vụ phát triển thương hiệu sản phẩm. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại trong điều kiện hiện nay./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com