Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử

08:09, 23/09/2014
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan Nhà nước nhằm đổi mới phương thức quản lý, quy trình điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ nhân dân tốt hơn, trong những năm qua tỉnh ta đã tập trung thúc đẩy quá trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước nhằm thực hiện chủ trương phát triển Chính phủ điện tử.   
Nhân viên VNPT Nam Định bảo dưỡng hệ thống máy chủ cung cấp dịch vụ viễn thông.
Nhân viên VNPT Nam Định bảo dưỡng hệ thống máy chủ cung cấp dịch vụ viễn thông.
Hạ tầng CNTT phục vụ công tác ở các cơ quan Nhà nước được đầu tư và có bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Hệ thống mạng nội bộ (LAN) tại các đơn vị được đầu tư mở rộng, 84% các cơ quan cấp tỉnh, UBND huyện, thành phố đã trang bị mạng LAN; các cơ quan chính quyền cấp tỉnh, huyện có kết nối in-tơ-nét bằng cáp quang dung lượng lớn, 100% đơn vị đã kết nối in-tơ-nét tốc độ cao. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số máy tính được trang bị của các cơ quan trong tỉnh là 1.500 máy, tỷ lệ cán bộ công chức được trang bị máy tính là 0,7 máy/người. Từ năm 2010 đến nay, các đơn vị chuyển sang công nghệ mới (điện toán đám mây), chỉ có các đơn vị có cơ sở dữ liệu chuyên ngành mới đầu tư hệ thống máy chủ như: Sở TT và TT, Sở KH và CN, Sở TN và MT, Sở Nội vụ. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 32 máy chủ. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được đầu tư từ năm 2010, hiện đã trang bị cho 12 điểm cầu hội nghị trực tuyến, bao gồm 2 điểm tại trụ sở UBND tỉnh và Tỉnh ủy, 10 điểm cầu tại trụ sở UBND các huyện, thành phố. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Nhà nước do Tổng cục Bưu điện làm chủ đầu tư đã hoàn thành giai đoạn 2 kéo đường truyền cáp quang đến 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện và thành phố. Giai đoạn 3 của dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới khi ứng dụng CNTT được triển khai rộng rãi tới cấp xã, phường trong tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 2 Trung tâm dữ liệu, trong đó: Trung tâm tích hợp dữ liệu thuộc Sở TT và TT quản lý lưu trữ hệ thống thư điện tử của tỉnh; Cổng thông tin điện tử của tỉnh; 16 website của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; Phần mềm quản lý văn bản điều hành được cài đặt cho  17 sở, ban, ngành và 10 UBND huyện, thành phố. Trung tâm dữ liệu thuộc Sở KH và CN quản lý hiện đang lưu trữ cơ sở dữ liệu các đề tài khoa học từ năm 2000, cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ, lưu trữ website của Sở KH và CN, Sở KH và ĐT, Văn phòng UBND tỉnh, cài đặt phần mềm ISO online cho 20 sở, ngành, huyện, thành phố, cài đặt phần mềm quản lý đề tài, dự án của Sở KH và CN, phần mềm quản lý nguồn nhân lực, phần mềm quản lý công chức của Sở Nội vụ. Về kết quả ứng dụng CNTT, Cổng thông tin điện tử của tỉnh được xây dựng từ năm 2005 theo Đề án 112 và đã được nâng cấp một lần vào năm 2008; đến nay đã từng bước đáp ứng được yêu cầu về thông tin và chỉ đạo điều hành của tỉnh; các thông tin được cập nhật kịp thời, đầy đủ trên Cổng thông tin theo quy định. Về trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố trong những năm gần đây đã được quan tâm đầu tư và phát triển mạnh. Năm 2010 chỉ có 20% số cơ quan sở, ban, ngành có trang thông tin điện tử nhưng đến nay đã phát triển đạt 100%. Các thông tin chỉ đạo, điều hành, bộ thủ tục hành chính được cập nhật kịp thời trên trang thông tin điện tử. Sở TT và TT đã triển khai cung cấp địa chỉ thư điện tử của tỉnh cho 100% các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện và cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, đạt hơn 1.200 địa chỉ thư điện tử trên tổng số 1.900 cán bộ, công chức. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát về tình hình ứng dụng CNTT của Sở TT và TT tiến hành đợt tháng 4-2014, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện sử dụng thư điện tử của tỉnh trong công việc đạt thấp, chỉ có hơn 20% cán bộ, công chức được cấp có sử dụng địa chỉ thư điện tử của tỉnh trong trao đổi công việc, gần 80% cán bộ, công chức còn lại không sử dụng thư điện tử hoặc sử dụng các thư điện tử công cộng như gmail, yahoo…. Về ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 2 phần mềm quản lý văn bản và điều hành thông tin trên môi trường mạng là phần mềm quản lý văn bản và điều hành của Sở TT và TT và phần mềm ISO online của Sở KH và CN; ngoài ra còn có Sở LĐ-TB và XH sử dụng phần mềm quản lý văn bản riêng của đơn vị mình. Hiện Sở TT và TT đã triển khai cài đặt phần mềm hồ sơ công việc cho 1.005 các đơn vị và tập huấn sử dụng cho 8 đơn vị đăng ký gồm: Sở TN và MT, Sở NN và PTNT, Sở Nội vụ, Ban quản lý các KCN tỉnh, UBND các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Vụ Bản và đã tổ chức tập huấn cho tất cả văn thư các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một số đơn vị sử dụng trong công việc gồm: Sở TT và TT, Sở Nội vụ, UBND huyện Vụ Bản, Văn phòng UBND tỉnh; các đơn vị khác không sử dụng hoặc mức độ sử dụng hạn chế, chỉ nhận văn bản đến. Sở KH và CN cũng đang tiến hành cài đặt phần mềm quản lý văn bản ISO online cho các đơn vị, có 4 đơn vị hiện đang sử dụng phần mềm ISO online gồm: Sở KH và CN, Sở VH, TT và DL, Sở GD và ĐT. Một số sở, UBND huyện đã cài đặt nhưng sử dụng ở mức độ hạn chế hoặc không sử dụng như các sở: Công thương, Xây dựng, Y tế, Tư pháp và UBND các huyện, Thành phố Nam Định, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã vận hành ổn định và phát huy hiệu quả trong phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh đến cơ sở, hằng năm phục vụ trên 30 cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh với huyện, thành phố. Đã có 2 đơn vị là UBND Thành phố Nam Định và UBND huyện Trực Ninh trang bị hệ thống điện tử hiện đại cho bộ phận một cửa. Tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện đã triển khai một số chương trình, phần mềm quản lý chuyên ngành như: Sở Nội vụ triển khai phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ công chức; Sở KH và ĐT triển khai phần mềm quản lý dự án đầu tư; Sở KH và CN triển khai các phần mềm kế toán, đôn đốc công văn, quản lý đề tài, quản lý nguồn nhân lực; Sở GTVT triển khai phần mềm kế toán Misa và sử dụng phần mềm cấp đổi giấy phép lái xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Sở Y tế triển khai các phần mềm báo cáo thống kê y tế, tài chính kế toán, báo cáo thống kê bệnh viện và hồ sơ bệnh án, tổ chức cán bộ… Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, số lượng các dịch vụ công trực tuyến được điều chỉnh hằng năm và cập nhật 100% lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Hiện có 1.324 thủ tục hành chính của cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có 1.311 thủ tục ở mức độ 2 và 13 thủ tục đạt ở mức độ 3. Hiện tại, các đơn vị đã xây dựng được nhiều cơ sở dữ liệu quan trọng như: cơ sở dữ liệu doanh nghiệp của Sở KH và ĐT, cơ sở dữ liệu đất đai, bản đồ số của Sở TN và MT; cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức của Sở Nội vụ; cơ sở dữ liệu đăng ký phương tiện giao thông, chứng minh thư nhân dân của Công an tỉnh; cơ sở dữ liệu ngân sách của Sở Tài chính; cơ sở dữ liệu kết quả nghiên cứu đề tài, dự án, cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ của Sở KH và CN; cơ sở dữ liệu kỳ thi, trường học của Sở GD và ĐT.
 
Theo đánh giá của Sở TT và TT, đến nay tỉnh ta đã đạt được những bước tiến mới trong phát triển hạ tầng CNTT và ứng dụng CNTT, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển CNTT có mặt còn chậm, hiệu quả chưa cao; đặc biệt trong lĩnh vực nguồn nhân lực CNTT và công nghiệp CNTT. Để tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử, tỉnh ta phải tập trung phát triển mạnh mẽ hơn nữa về CNTT trên 4 lĩnh vực trụ cột của ngành CNTT, bao gồm: phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp, hạ tầng và ứng dụng CNTT. Trong đó, phải đặc biệt đẩy mạnh phát triển, ứng dụng mạnh CNTT góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế cao hơn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng cơ hội cho sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là tập trung xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu chung của toàn tỉnh; thiết lập hệ thống điều hành trong quản lý bộ máy Nhà nước; cung cấp các dịch vụ công qua mạng in-tơ-nét… Đối với các ngành, địa phương phải đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước với tinh thần nghiêm túc, quyết tâm và phải đáp ứng được tốt nhất các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là về các dịch vụ tiện ích; chú trọng ứng dụng nhanh CNTT vào những lĩnh vực bức thiết như y tế, giáo dục, xây dựng, thuế, hải quan…
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com