Chủ động ứng phó với sự cố tràn dầu

08:09, 30/09/2014
Tràn dầu là sự cố xảy ra khá phổ biến từ các hoạt động khai thác, tìm kiếm, vận chuyển dầu khí trên biển, hoặc do hiện tượng rò rỉ dầu từ các phương tiện khai thác thủy sản. Sự cố tràn dầu làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái biển, tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên hải sản, các tổ chức, cá nhân sinh sống và có hoạt động phát triển ven bờ như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, du lịch, làm muối, nông nghiệp... Nếu xảy ra tràn dầu phải mất thời gian dài môi trường mới có thể phục hồi. 
 
Trong khuôn khổ Dự án Quản lý dầu và chất thải từ dầu biến thế, đặc biệt là công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu trong ngành Điện lực Việt Nam, năm 2013, Tổng cục Môi trường đã khảo sát tại Cty Điện lực Nam Định và Cty chuyển tải điện Nam Định. Kết quả cho thấy, các đơn vị được kiểm tra đều tuân thủ các quy trình quản lý dầu biến thế theo quy định chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện một số điểm yếu trong việc xây dựng và vận hành kho bãi chứa dầu thải và công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu đã được Tổng cục Môi trường hướng dẫn cụ thể để các đơn vị khắc phục. Tại khối các đơn vị hoạt động khai thác thuộc vùng ven biển trên địa bàn tỉnh, các ngành đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công nhân viên, người lao động, các chủ phương tiện tàu, thuyền ra vào khu vực cảng nhằm chủ động sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhiên liệu, không để rò rỉ nguyên liệu xăng, dầu trong quá trình hoạt động. Hiện toàn tỉnh có 38 đoàn, tổ, đội khai thác thủy sản với 1.198 tàu và 2.981 lao động hoạt động theo mô hình tổ tự quản với tiêu chí nâng cao vai trò quản lý cộng đồng trong bảo đảm an toàn khi khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế thấp nhất mọi rủi ro, trong đó có việc rò rỉ gây tràn dầu, đặc biệt là những biến cố bất thường khi gặp thiên tai. Để ứng phó với sự cố tràn dầu, Ban quản lý Cảng cá Ninh Cơ luôn chủ động ngăn chặn, không để xảy ra sự cố rò rỉ, tràn dầu ở khu vực cảng, bảo đảm môi trường sinh thái và hoạt động khai thác của các phương tiện qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh môi trường, đặc biệt là an toàn khi sử dụng xăng, dầu cho cán bộ, công nhân và các chủ phương tiện ra vào cảng; chủ động chuẩn bị nhiều loại dụng cụ như: thùng phi, can nhựa, các loại túi, vợt váng dầu,... đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại địa phương chủ động xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố rò rỉ, tràn dầu. Với mục tiêu chủ động đảm bảo an toàn môi trường trong điều kiện thay đổi về khí hậu, bất lợi về thời tiết, có thể xảy ra các tình huống cháy nổ, rò rỉ, tràn xăng, dầu nên hằng năm các doanh nghiệp trong khối doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đều phối hợp với lực lượng PCCC tại địa phương, tổ chức diễn tập PCCN, hướng dẫn cán bộ, công nhân viên đơn vị vận hành, quản lý xăng, dầu không ngừng nâng cao kỹ năng, khả năng tác chiến khi có tình huống cháy, nổ và bảo vệ môi trường… 
 
Tàu thuyền tiếp nhiên liệu tại Cảng cá Ninh Cơ.
Tàu thuyền tiếp nhiên liệu tại Cảng cá Ninh Cơ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc hạn chế hậu quả của các sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu các phương tiện, thiết bị chuyên dụng ứng phó với sự cố tràn dầu. Mặc dù thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra sự cố tràn dầu, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở tỉnh ta ở mức cao. Do tỉnh ta có hệ thống giao thông đường thủy đa dạng với tổng chiều dài 536km sông, kênh với 4 tuyến sông chính gồm: sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy và 72km bờ biển; trong đó, có 4 cửa sông lớn đổ ra biển gồm cửa Ba Lạt, Lạch Giang, Hà Lạn, cửa Đáy và các bãi ngang. Ngoài ra, còn có 2 tuyến sông giáp ranh gồm sông Hồng giáp tỉnh Thái Bình, sông Đáy giáp tỉnh Ninh Bình. Toàn tỉnh có 1 kênh giao thông chính là kênh Quần Liêu; 1 cảng sông Nam Định và 1 cảng biển Thịnh Long. Hệ sinh thái ven biển, ven sông phong phú cộng với nguồn tài nguyên thủy sản là nguồn cung cấp sinh kế cho đông đảo người dân, kéo theo sự phát triển mạnh các hoạt động khai thác thủy sản. Tính riêng lượng tàu, thuyền khai thác thủy, hải sản của tỉnh hiện nay có 2.093 chiếc. Trong hoạt động vận tải thủy có 101 bến khách ngang sông và hơn 80 phương tiện chở khách qua sông, tiềm ẩn nguy cơ tràn dầu từ các kho chứa, cửa hàng kinh doanh xăng dầu và phương tiện vận chuyển xăng, dầu đường bộ; tràn dầu từ cảng sông, cảng biển, tràn dầu ở cảng cá và nơi neo đậu tàu thuyền và từ các phương tiện vận tải khách… Trong khi trên thực tế, do chưa triển khai một cách đồng bộ, bài bản nên phần lớn các biện pháp chủ động ứng phó với sự cố tràn dầu của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân các chủ tàu mới chỉ dừng lại ở các biện pháp đơn giản là chống rò rỉ xăng, dầu. Điều đáng nói nữa là thời điểm hiện tại, do khó khăn về tài chính nên ngoài một số doanh nghiệp vận tải, kinh doanh xăng dầu lớn tự trang bị các thiết bị phòng, chống sự cố tràn dầu như phao quây, bơm hút dầu, phao hút dầu... thì hầu hết các thiết bị phòng, chống rò rỉ, tràn dầu của các đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh còn thô sơ. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân và một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nhận thức chưa đầy đủ về việc ứng phó, xử lý với các sự cố tràn dầu. 
 
Để bảo đảm sự chủ động ứng phó với sự cố tràn dầu, trong những năm gần đây, cùng với các giải pháp làm trong sạch môi trường, đặc biệt là môi trường biển, tỉnh đã chỉ đạo Sở TN và MT thực hiện dự án “Xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố tràn dầu và bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ biển”. Trong đó, Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tập trung vào các nội dung trọng tâm như: dự kiến các nguy cơ, tình huống sự cố có khả năng xảy ra tràn dầu và các phương án ứng phó, các chương trình đầu tư về phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng; nhân lực ứng phó chuyên nghiệp; nguồn lực hỗ trợ bên ngoài có thể huy động, yêu cầu hỗ trợ; đào tạo, diễn tập; cơ cấu tổ chức ứng phó; trách nhiệm và nhiệm vụ của Ban ứng phó sự cố tràn dầu; quy trình tổ chức triển khai ứng phó sự cố tràn dầu; các hoạt động cần triển khai ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu… Về bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ biển, bao gồm các bản đồ, địa đồ và các bảng biểu thể hiện các thông tin về đường bờ, ven bờ và các nguồn tài nguyên kinh tế, xã hội có khả năng bị ảnh hưởng trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu; bản đồ nhạy cảm môi trường được tỉnh xác định là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng khoanh vùng quản lý nghiêm ngặt hơn, hạn chế tối đa những sự cố đáng tiếc về tràn dầu. Đến nay, đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn tất đề án để được Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt, sau đó tỉnh sẽ từng bước triển khai. Trước mắt, tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường biển, các biện pháp ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển. Song song với giải pháp tuyên truyền, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng củng cố công tác phòng ngừa, chuẩn bị kỹ nhân lực, vật lực kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra. Riêng với lực lượng vũ trang - lực lượng nòng cốt trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cần hiệp đồng tác chiến tốt trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong công tác tìm kiếm cứu nạn và ứng phó khi có tình huống tràn dầu xảy ra. Sở TN và MT từng bước phối hợp với các đơn vị có nguy cơ cao xảy ra sự cố tràn dầu triển khai kế hoạch ứng phó phù hợp như tổ chức diễn tập công tác ứng phó với sự cố tràn dầu theo các tình huống giả định; đồng thời vận động, khuyến khích các đơn vị mua sắm đầy đủ phương tiện phục vụ ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com