Xuân Hòa tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

08:08, 25/08/2014

Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Xuân Hòa (Xuân Trường) luôn quan tâm đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nhằm tạo ra nông sản hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác.

Để tạo điều kiện cho nhân dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, xã đã tổ chức rà soát lại hiện trạng đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất, tiến hành DĐĐT và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Đến nay xã đã hình thành 2 vùng sản xuất chính là vùng lúa hàng hóa và vùng nuôi thủy sản với hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng đã được củng cố và “cứng” hóa, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tổ chức các mô hình thí điểm ứng dụng tiến bộ KHKT. Đồng thời điều tra nhu cầu lao động, việc làm và xác định cụ thể tiềm năng, thế mạnh của địa phương để định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trên cơ sở đó, xã đã huy động các tổ chức, đoàn thể chính trị cùng vào cuộc, tận dụng mọi nguồn vốn hỗ trợ, dự án phát triển kinh tế, chuyển giao KHKT của Trung ương, địa phương để hỗ trợ nhân dân. Ngoài việc tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức cho người dân theo mùa vụ, từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện và các Cty sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trung bình mỗi năm, xã đã xây dựng từ 3-5 mô hình ứng dụng KHKT cả trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản. Việc tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán canh tác lạc hậu của nông dân địa phương. Nhiều mô hình chuyển giao KHKT đã thành công và được nhân rộng trong xã. Trong trồng trọt, xã đã thực hiện thí điểm gieo cấy khảo nghiệm các giống lúa BC15, TBR45, TH3-3, DQ11, TX111... có tiềm năng năng suất cao để đưa vào thay thế những giống lúa cũ đã bị thoái hóa. Vụ xuân năm 2014, xã đã thay thế hoàn toàn giống BT7 bằng những giống lúa có chất lượng cao như BC15, TH3-3 có tiềm năng năng suất cao và khả năng chống chịu tốt và được thị trường ưa chuộng. Nhờ đó năng suất lúa vụ xuân toàn xã đạt gần 80 tạ/ha.

Cán bộ nông nghiệp xã Xuân Hòa kiểm tra sự phát triển của giống lúa TX111 đang cấy khảo nghiệm tại địa phương.
Cán bộ nông nghiệp xã Xuân Hòa kiểm tra sự phát triển của giống lúa TX111 đang cấy khảo nghiệm tại địa phương.

Năng suất lúa cả năm ước đạt 125-130 tạ/ha, lại giảm công lao động và chi phí thuốc bảo vệ thực vật so với canh tác các giống lúa cũ. Hiện tại, xã đang tiếp tục cấy trình diễn giống lúa TX111 để nhân dân tham khảo so sánh và lựa chọn bổ sung vào bộ cơ cấu giống trong vụ xuân 2015. Bên cạnh đó, xã khuyến khích hỗ trợ mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất hai vụ lúa với tổng diện tích 35ha để nâng cao hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập cho nông dân. Trong nuôi thủy sản, xã đã quy hoạch hơn 30ha đất công ven sông Sò, chuyển đổi thành vùng nuôi thủy sản. Xã đã tạo điều kiện cho Cty CP Fukyo Việt Nam đấu thầu 17ha để nuôi tôm thẻ chân trắng và 9 hộ dân khác nuôi các con giống đặc sản. Tại vùng nuôi thủy sản, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện, các con giống đặc sản như cá: trắm đen, hồng mỹ, diêu hồng, lăng chấm đã được nuôi thử nghiệm để nghiên cứu chọn lựa ra những con giống phù hợp nhất với thổ nhưỡng địa phương. Sau gần 10 năm tạo dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo đất và nuôi thử nghiệm các con giống thủy sản, đến nay, các hộ dân canh tác trên diện tích vùng đất bãi đã chọn được bộ con giống chủ lực là tôm thẻ chân trắng; các loại cá diêu hồng, lăng chấm, vược, trắm đen. Với bộ con giống đặc sản kết hợp với kinh nghiệm thâm canh giỏi, áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật, vùng đất bãi sông Sò đã mang lại lợi nhuận từ 50-60% so với tổng giá trị đầu tư cho các hộ dân nơi đây. Gia đình ông Lê Văn Bản, xóm 15 là một trong những hộ tiên phong và thành công nhất tại vùng nuôi này. Trên diện tích 5ha đất bãi, ông chia thành 13 ao, trong đó có 3 ao nuôi bán thâm canh tôm thẻ chân trắng, 1 ao ương giống, 9 ao nuôi cá đặc sản như lăng chấm, vược, trắm đen, hồng mỹ... đã mang lại lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm. Hiện tại, vùng nuôi thủy sản của xã vẫn duy trì và cho thu nhập khá, ngoài gia đình ông Bản còn có hộ các ông: Phạm Đức Cảm, nuôi thả cá vược, cá diêu hồng; Đinh Văn Thiếu, nuôi tôm thẻ chân trắng... Công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh và ứng dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học cho đàn vật nuôi được xã quan tâm chỉ đạo làm tốt nên tổng đàn vật nuôi của xã luôn ổn định, phát triển tốt với 2.500 con lợn và 25 nghìn con gia cầm. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 250 tấn/năm.

Việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp nông dân xã thuần nông làm giàu ngay tại địa phương. Năm 2013, bình quân giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác của xã đạt 120 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng, tăng 30% so với năm 2010. Nhờ kinh tế phát triển ổn định nên các công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh như trạm xá, trường học, nhà văn hóa và cơ sở hạ tầng sản xuất được đầu tư xây dựng kiên cố. Thời gian tới, xã tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức để bổ sung kiến thức cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng CNH-HĐH./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com