Tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa mùa

08:08, 01/08/2014

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày qua, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện xuống đồng gieo, cấy lúa mùa. Đến nay, toàn bộ 78.221ha đã được phủ kín một màu xanh của lúa. Hiện, các địa phương đang chuyển trọng tâm sang chăm sóc và bảo vệ lúa mùa.

Nông dân xã Việt Hùng (Trực Ninh) cấy lúa mùa.  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Nông dân xã Việt Hùng (Trực Ninh) cấy lúa mùa.

Do vụ xuân năm nay thu hoạch muộn ảnh hưởng đến thời vụ các trà lúa trong sản xuất vụ mùa. Trước tình hình trên, ngành NN và PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa 2014 gắn với sản xuất vụ đông, trong đó chú trọng hướng dẫn về cơ cấu giống, lịch thời vụ và các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa mùa. Tập trung sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, có năng suất, chất lượng khá, chịu úng và ít nhiễm sâu bệnh. Nhiều địa phương đã chỉ đạo các hộ nông dân thực hiện gieo mạ nền cứng để rút ngắn thời gian giai đoạn mạ, bảo đảm khung thời vụ cấy, khắc phục khó khăn trong việc bố trí ruộng gieo mạ dược. Đồng thời, tận dụng các chân ruộng gieo mạ dược, gieo sớm để cấy ở những chân ruộng thấp trũng và lúa đặc sản. Do chỉ đạo thực hiện tốt lịch thời vụ và các điều kiện phục vụ sản xuất nên các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường và Giao Thủy đã hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa trước ngày 17-7-2014. Từ ngày 17 đến 19-7-2014, các địa phương vừa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống cơn bão số 2 vừa thực hiện tốt việc tiêu rút nước đệm, dừng cấy và chăm sóc lúa… Ngay sau bão, nông dân các địa phương tranh thủ xuống đồng tiếp tục cấy lúa. Đến hết ngày 24-7-2014, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất. Tại các chân ruộng chủ động tưới, tiêu nước, nông dân đã tổ chức gieo sạ nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa, giảm bớt chi phí và công lao động. Vụ mùa 2014, diện tích gieo sạ của tỉnh đạt trên 7.000ha, tập trung ở các huyện: Ý Yên 2.300ha, Vụ Bản 1.400ha, Hải Hậu 1.200ha, Nam Trực 830ha… Toàn tỉnh xây dựng 145 cánh đồng mẫu lớn với quy mô 7.400ha. Bà Nguyễn Thị Nhung, thôn Phượng Tường, xã Việt Hùng (Trực Ninh) cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình bà cấy 5 sào lúa BC15. Đây là giống lúa có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu úng hạn và sâu bệnh khá được xã đưa vào thay thế cho giống BT7 nhiễm bệnh bạc lá nặng trong vụ mùa. Thực hiện nghiêm lịch gieo cấy của UBND xã, gia đình bà đã hoàn thành gieo cấy lúa trước ngày 15-7. Đến nay, giàn lúa đang bén rễ hồi xanh. Hiện, các Cty KTCTTL đang thực hiện điều tiết nước hợp lý cho từng vùng, duy trì mực nước nông thường xuyên trong ruộng lúa giai đoạn từ sau cấy đến khi lúa đẻ đủ nhánh hữu hiệu để đảm bảo cho lúa đẻ nhánh tốt. Về kỹ thuật chăm bón, Sở NN và PTNT hướng dẫn nông dân tổ chức chăm bón kịp thời, đảm bảo nguyên tắc bón phân sớm, bón tập trung, cân đối; tuyệt đối không bón lai nhai. Trước mắt tập trung bón thúc lần 1 cho những diện tích đã cấy được 7-10 ngày; lượng phân đạm sử dụng tập trung trong đợt bón thúc lần 1 với công thức: 2-5kg urê + 3kg ka-li hoặc 5-10kg NPK 16-16-8 cho 1 sào. Bón thúc lần 2 khi lúa đứng cái, làm đòng với số lượng 2-3kg ka-li/sào, bón bổ sung 1kg urê/sào cho những diện tích lúa xấu. Căn cứ diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng của lúa để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp. Sở NN và PTNT khuyến cáo các hộ nông dân tăng cường sử dụng phân hỗn hợp NPK; chỉ sử dụng các sản phẩm phân bón của các doanh nghiệp có uy tín, bảo đảm chất lượng như: NPK Lâm Thao, Văn Điển, Việt Nhật, Bình Điền, Phú Mỹ, Ninh Bình. Để chủ động bảo vệ an toàn cho lúa mùa, Sở NN và PTNT yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, bảo vệ lúa mùa. Đồng thời thống kê chính xác diện tích gieo cấy giống lúa BT7 của các xã, thị trấn; phân công cán bộ phối hợp với Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc lúa mùa. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại lúa, không để lây lan trên diện rộng. Trước mắt, các địa phương cần tích cực phát động và tổ chức diệt chuột, ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công là chính, hạn chế sử dụng thuốc hóa học; tổ chức phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 cho những diện tích có mật độ sâu non trên 50 con/m2 bằng các loại thuốc đặc hiệu. Tăng cường kiểm tra thị trường cung ứng phân bón, thuốc BVTV và các loại vật tư nông nghiệp khác, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn các loại thuốc giả, thuốc kém hiệu quả, ngoài danh mục cho phép gây thiệt hại cho sản xuất và người nông dân vừa nguy hại cho môi trường.

Do chủ động dự báo những khó khăn đầu vụ về thời tiết, thời vụ, giá cả vật tư nông nghiệp, sản xuất vụ mùa năm nay được UBND tỉnh, ngành NN và PTNT và các địa phương tập trung chỉ đạo với nhiều giải pháp nhằm bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất, tạo thuận lợi để mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông hàng hóa, tiến tới thâm canh 3 vụ trong năm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com