Phát triển công nghiệp hỗ trợ góp phần thu hút đầu tư

09:08, 05/08/2014

Trong Chiến lược phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh đã xác định mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế ngành nghề truyền thống của địa phương, tạo lợi thế mới để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm công nghiệp hiện đại. Qua đó từng bước phát triển nền công nghiệp địa phương. Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng khuyến khích, tạo điều kiện về mặt bằng, nguồn vốn, công nghệ, thông tin thị trường… để các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Cùng với sự phát triển của công nghiệp sản xuất dược phẩm, cơ khí, dệt may, lĩnh vực sản xuất phụ trợ như: bao bì, chi tiết, linh kiện máy móc, vật liệu phụ trợ, trang trí… xây dựng vùng trồng, thu hoạch và sơ chế nguyên liệu thảo dược… Với trình độ tay nghề và kinh nghiệm lâu năm, nhiều doanh nghiệp cơ khí trong các làng nghề truyền thống thuộc các xã Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường), Nam Thanh, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), Yên Xá (Ý Yên)… đã sản xuất được các chi tiết sản phẩm cơ khí chính xác cao phục vụ các ngành: sản xuất xi măng, giao thông, xây dựng, viễn thông… Ở lĩnh vực dệt may, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư sản xuất các nguyên, phụ liệu như: vải, sợi, chỉ khâu…

Sản xuất các sản phẩm phụ trợ từ bìa các-tông tại Cty TNHH Bao bì Độc Lập, CCN An Xá (TP Nam Định).
Sản xuất các sản phẩm phụ trợ từ bìa các-tông tại Cty TNHH Bao bì Độc Lập, CCN An Xá (TP Nam Định).

Tuy nhiên, về tổng thể, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh ta vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, phát triển ở dạng tự phát, manh mún. Theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, hiện trên địa bàn tỉnh ta có 19 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có 11 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ngành dệt may như: vải, sợi, chỉ khâu, phụ tùng máy dệt...; 8 doanh nghiệp còn lại sản xuất các sản phẩm cơ khí gồm: phụ tùng xe máy, ô tô, máy công nghiệp... Số lượng doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ còn quá ít so với tổng số 5.189 doanh nghiệp của toàn tỉnh. Công nghiệp hỗ trợ tại chỗ không phát triển sẽ dẫn đến các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất thành phẩm cuối cùng phụ thuộc vào nguồn phụ liệu nhập khẩu. Tình trạng này không chỉ làm gia tăng chi phí đầu vào do phí tổn chuyên chở, bảo hiểm tăng cao mà còn tiềm ẩn rủi ro về tiến độ, thời gian doanh nghiệp thiếu sự chủ động trong tổ chức sản xuất. Đối với nguyên, phụ liệu nhập từ nước ngoài, doanh nghiệp sản xuất còn phải chịu rủi ro thiệt thòi do thay đổi tỷ giá ngoại tệ… Công nghiệp hỗ trợ không đủ mạnh, nhiều ngành công nghiệp sẽ không phát triển được, quan trọng hơn là nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã không chọn Nam Định mặc dù tỉnh ta có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực và các cơ chế thu hút, khuyến khích đầu tư của Trung ương, của tỉnh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương cho rằng: Công nghiệp hỗ trợ là một trong những nhân tố quyết định khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp. Nếu công nghiệp hỗ trợ không đáp ứng được yêu cầu, các dự án đầu tư nước ngoài lớn sẽ không lựa chọn đầu tư mà sẽ tìm đến các tỉnh khác, thậm chí các doanh nghiệp FDI đã đầu tư tại tỉnh cũng có thể ra đi khi lợi thế về nhân công giá rẻ; các cơ chế ưu đãi về mặt bằng, cơ sở hạ tầng, thuế... không còn là lựa chọn quyết định đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng phát triển như: ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; định hướng cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào một số ngành kinh tế mũi nhọn; tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; thực hiện miễn, giảm, gia hạn nộp thuế và hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng… Ưu tiên khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực: cơ khí chế tạo chi tiết; sản xuất chi tiết, linh kiện điện tử; linh kiện đồ nhựa; sản phẩm hóa chất, nguyên phụ liệu ngành may… UBND tỉnh đồng ý về chủ trương để Sở Công thương lập quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg; 1483/2011/QĐ-TTg của Chính phủ; Thông tư số 96/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về các chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ; Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17-10-2012 của Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”. UBND tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, tài chính, mặt bằng hợp lý tại các khu, CCN tập trung với cơ sở hạ tầng đồng bộ để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, UBND tỉnh đang triển khai xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ để tập trung phát triển công nghiệp dệt may, trong đó chủ yếu là dệt lụa và công nghiệp phụ trợ dệt may, góp phần thực hiện quy hoạch của Chính phủ về xây dựng Nam Định là một trong 3 trung tâm của cả nước về phát triển dệt may. Các nhà đầu tư vào Khu kinh tế Ninh Cơ sẽ có nhiều thuận lợi về cơ chế ưu đãi; được khai thác nguồn lao động dồi dào, chất lượng cao không chỉ của tỉnh Nam Định mà ở 2 tỉnh lân cận là Thái Bình và Ninh Bình. Đây là cơ hội để tỉnh ta tranh thủ khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, vừa đảm bảo việc làm cho các làng nghề truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc phát triển CN-TTCN của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com