Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu là một trong các hoạt động nằm trong chương trình công tác khuyến công quốc gia theo quy định của Chính phủ nhằm tôn vinh các sản phẩm CNNT có chất lượng và giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Là địa phương có ngành nghề sản xuất CN-TTCN truyền thống phát triển, việc thực hiện chương trình này ở tỉnh ta sẽ có những hiệu ứng tích cực thúc đẩy sự đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm CNNT. Ngày 28-6-2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/2013/QĐ-UBND về tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Đối tượng được tham gia bình chọn là sản phẩm CN-TTCN của các cơ sở CNNT, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể (có đăng ký kinh doanh) trực tiếp sản xuất. Sản phẩm tham gia bình chọn theo 6 nhóm ngành gồm: sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, cói, thêu đan, chạm trổ, sơn mài, tre nứa ghép…); chế biến thực phẩm và đồ uống; cơ khí - chế tạo (thiết bị điện, máy móc, dụng cụ và phụ tùng); dệt - may - da giầy; sản xuất VLXD và nhóm các sản phẩm khác. Chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu được triển khai từ cấp huyện, thành phố và cấp tỉnh. Sở Công thương được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực cấp tỉnh giúp tỉnh triển khai thực hiện Chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu.
UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Sở Công thương đã hướng dẫn Phòng Công thương các huyện, Phòng Kinh tế thành phố tham mưu cho UBND các huyện, Thành phố Nam Định thành lập Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, thành phố và tổ chức thực hiện công tác bình chọn. Đã có 8 huyện có sản phẩm tham gia chương trình bình chọn cấp huyện, huyện Mỹ Lộc và Thành phố Nam Định không có sản phẩm đăng ký tham gia. UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ (từ nguồn kinh phí khuyến công đợt I năm 2014) các Hội đồng bình chọn cấp huyện 20 triệu đồng/hội đồng; Hội đồng bình chọn cấp tỉnh 80 triệu đồng để triển khai thực hiện chương trình. Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các huyện đã quyết định công nhận 20 sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện năm 2014. Trong đó, huyện Xuân Trường có 5 sản phẩm, các huyện Nam Trực, Ý Yên, Trực Ninh, Giao Thủy mỗi huyện có 3 sản phẩm; các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Vụ Bản mỗi huyện có 1 sản phẩm. Trong đó, nhóm ngành thủ công mỹ nghệ có 5 sản phẩm; nhóm ngành chế biến thực phẩm - đồ uống có 5 sản phẩm; nhóm ngành cơ khí (thiết bị điện, phụ tùng, chế tạo máy) có 9 sản phẩm… 1 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm khác (than sinh học của cơ sở sản xuất Lê Trường An, xã Giao Long, Giao Thủy). Cuối tháng 6-2014, Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh đã tổ chức chấm điểm 20 sản phẩm tham gia theo thang điểm 100; căn cứ vào các tiêu chí: doanh thu - đáp ứng nhu cầu thị trường; chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật - xã hội; văn hóa - thẩm mỹ… Hội đồng đã lựa chọn được 10 sản phẩm có mức điểm từ 71,1 đến 80,6 điểm trình UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Nam Định năm 2014, gồm các sản phẩm: máy phát điện (3-75kW) của Cty TNHH Chế tạo Động cơ AXUZU, máy phay mộng đa năng 5 động cơ của Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, máy tuốt lúa của Doanh nghiệp Tư nhân Tân Việt của huyện Xuân Trường; nước mắm của Cty TNHH Vạn Hoa, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); muối sạch của Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Đạm, xã Bạch Long (Giao Thủy); rượu nếp Bắc của Doanh nghiệp Tư nhân rượu Hải Hậu, xã Trực Nội và kẹo vừng lạc của cơ sở sản xuất Vũ Thịnh, xã Trực Phú (Trực Ninh); tranh thêu thủ công của cơ sở sản xuất Nguyễn Thị Nhâm, xã Bình Minh (Nam Trực); két bạc của Cty CP Đầu tư và Xây dựng Nam Thanh, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); tượng đồng bán thân của Cty CP Hùng Anh (Ý Yên). Trong đó 4 sản phẩm: máy phát điện, máy phay mộng, máy tuốt lúa và két bạc được đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2014 do Bộ Công thương tổ chức.
Sản xuất các sản phẩm nước mắm tại Cty TNHH Vạn Hoa, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). |
Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh, các sản phẩm tham gia bình chọn đã đảm bảo các tiêu chí của chương trình như: mang đặc thù sản phẩm CNNT tỉnh ta; thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống kết hợp với tính năng động, hiện đại có khả năng mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong số 20 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện có nhiều sản phẩm là thế mạnh của các làng nghề truyền thống của các huyện Xuân Trường, Nam Trực như: 9 sản phẩm ngành cơ khí; 5 sản phẩm ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và 5 sản phẩm ngành chế biến thực phẩm. 10 sản phẩm được đề nghị công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh đều là hàng hóa mà nhà sản xuất đã tận dụng, khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, trong nước như các sản phẩm muối sạch, nước mắm, tranh thêu thủ công, bình lọ tre cuốn…; hoặc các sản phẩm cơ khí - chế tạo (máy tuốt lúa, máy phát điện, máy chế biến lâm sản, két bạc) đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Tham gia chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp, các cơ sở sản xuất đã quan tâm đầu tư đổi mới cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng đồng bộ các khâu sản xuất là thị trường, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói và đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm… để có cơ hội phát triển sản xuất với khối lượng hàng hóa lớn, tăng năng lực cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Hiệu ứng lớn nhất từ Chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2014 là đã kích cầu, khuyến khích các cơ sở CNNT tận dụng tối đa thế mạnh nghề truyền thống, nguồn lao động kết hợp với công nghệ sản xuất tiên tiến để đầu tư sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, tiêu thụ tốt. Nhờ đạt các tiêu chí sản phẩm CNNT tiêu biểu huyện Giao Thủy, các sản phẩm muối tinh, muối sạch, muối sấy, muối I-ốt... của Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Đạm (xã Bạch Long) đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Sản lượng đã được nâng lên trên 1.000 tấn sản phẩm/năm; không chỉ được ưa chuộng tại thị trường trong tỉnh mà còn được cung cấp cho thị trường các tỉnh và thành phố lớn như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương... Với 5 sản phẩm cơ khí - chế tạo đạt các tiêu chí sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện và 3 sản phẩm được đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí cấp tỉnh đã ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp CNNT huyện Xuân Trường. Ngoài sản phẩm tiêu biểu là máy phay mộng đa năng 5 động cơ, Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc (xã Xuân Kiên) còn sản xuất được từ 8-10 nghìn sản phẩm thuộc 30 chủng loại khác nhau, tạo việc làm cho 180 lao động với mức thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp Tư nhân Tân Việt (xã Xuân Tiến) mỗi năm sản xuất được gần 3.000 sản phẩm máy tuốt lúa. Sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Lào, Căm-pu-chia... Ngoài thị trường tiêu thụ chính là 3 huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu các sản phẩm nước mắm có độ đạm từ 15-33 độ mang nhãn hiệu “Vạn Hoa” của Cty TNHH Vạn Hoa, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã được bày bán tại hệ thống siêu thị Metro tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long… Từ Chương trình bình chọn các cấp, Hội đồng bình chọn tỉnh đã lựa chọn được 4 sản phẩm CNNT tiêu biểu đăng ký tham gia Chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2014 do Bộ Công thương tổ chức. Đây là cơ hội lớn của các cơ sở CNNT trong tỉnh giao lưu, quảng bá sản phẩm; qua đó có cơ hội xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2014 của tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: công tác phối hợp triển khai thực hiện Quyết định của UBND tỉnh, Kế hoạch của Hội đồng bình chọn còn lúng túng do lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn tỉnh; một số địa phương chưa chủ động triển khai thực hiện và không quyết liệt trong chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện; công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ tham gia bình chọn đến các cơ sở sản xuất của một số huyện chưa kịp thời, đầy đủ nên các cơ sở sản xuất gặp khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ, thuyết minh giới thiệu sản phẩm. Nhiều cơ sở sản xuất CN-TTCN nông thôn chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nên chưa nhiệt tình tham gia. Các sản phẩm tham gia và được chọn mới chỉ tập trung ở 3 lĩnh vực cơ khí - chế tạo, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm; không có sản phẩm nào thuộc các nhóm ngành truyền thống, có thế mạnh của tỉnh như: dệt may, sản xuất VLXD và các nhóm ngành khác. Để hoạt động Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu có hiệu quả, được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các cơ sở sản xuất CNNT phát huy hiệu quả khuyến công, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để chỉ đạo Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, Thành phố Nam Định tham mưu cho UBND các huyện, thành phố tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp với sở để xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Hội đồng Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh thực hiện có hiệu quả chương trình trong các năm tiếp theo./.
Bài và ảnh: Thành Trung