Huyện Nghĩa Hưng được bao bọc bởi ba con sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy, phía nam giáp Biển Đông. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi đó, huyện có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản… tạo nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.
Chế biến gạo thương phẩm ở Cty TNHH Thương mại Đương Báu, xã Nghĩa Sơn. |
UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến nông, lâm, thuỷ sản nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, toàn huyện đã có gần 30 doanh nghiệp, hàng trăm cơ sở sản xuất quy mô gia đình, nhóm hộ tham gia chế biến nông, lâm, thủy sản… đang hoạt động hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của huyện vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định với các sản phẩm chủ yếu như: nước mắm các loại đạt 725 nghìn lít; chế biến lương thực, thực phẩm đạt trên 1.850 tấn; gỗ xẻ các loại đạt gần 6.000m3; mộc gia dụng xấp xỉ 3.000 sản phẩm (bàn, ghế, giường, tủ)… Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở các địa phương. Nghề chế biến thủy, hải sản phát triển mạnh ở các xã: Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải, Nghĩa Bình và Thị trấn Rạng Đông… Với 2 mặt giáp sông Đáy và Ninh Cơ, kinh tế gắn với biển ở xã Nghĩa Hải phát triển mạnh với trên 200 tàu thuyền có công suất từ 18-90CV thường xuyên bám biển khai thác, mỗi năm sản lượng thủy, hải sản của xã đạt hàng nghìn tấn. Ngoài đánh bắt, xã còn quy hoạch vùng nuôi thủy sản mặn lợ rộng trên 300ha với các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao là: tôm, cua biển, cá song, cá bống bớp… làm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu; quy hoạch vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ (thuộc xóm Ngọc Lâm) thành bến cá, nơi các cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm trực tiếp thu mua nguyên liệu từ các tàu, thuyền khai thác thuỷ, hải sản và tổ chức sản xuất. Hiện nay nghề chế biến thủy, hải sản tại làng Ngọc Lâm có trên 30 cơ sở sản xuất, trong đó 10 cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hộ các ông: Lại Văn Quang, Nguyễn Ngọc Doanh, Lại Văn Quân, Trần Văn Phú, Phạm Văn Hiệp, Nguyễn Văn Vĩnh… mỗi năm sản xuất gần 100 tấn mắm tôm, hàng nghìn lít nước mắm được tiêu thụ mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Xã Nghĩa Thắng có gần 130 phương tiện tàu thuyền, công suất máy từ 15-320CV thường xuyên bám biển khai thác thuỷ, hải sản, tạo việc làm ổn định cho trên 300 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động thời vụ. Sản lượng khai thác mỗi năm đạt từ 2.300-2.500 tấn, giá trị từ 35-40 tỷ đồng. Ngoài việc đánh bắt ven bờ và thả lưới rê, toàn xã có gần 20 đôi tàu công suất từ 150CV trở lên thường xuyên khai thác xa bờ ở các ngư trường từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Toàn xã có 10 cơ sở chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm, chế biến bột cá phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Cơ sở chế biến hải sản của anh Trần Văn Thức ở xóm 4 đầu tư thiết bị sấy bằng điện trị giá trên 2 tỷ đồng phục vụ chế biến cá khô xuất khẩu, chế biến bột cá nhạt cung ứng cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Riêng nguyên liệu phục vụ chế biến bột cá nhạt, bình quân mỗi tháng, cơ sở thu mua trên 200 tấn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 10 lao động. Cơ sở chế biến của anh Nguyễn Văn Chiến ở xóm 10 có 5 máy, công suất thiết kế tối đa 10 tấn nguyên liệu/ngày, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, với thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm của ông Nguyễn Vũ Cẩm ở xóm 8, mỗi năm tiêu thụ từ 50-70 tấn nguyên liệu. Cùng với nghề chế biến thủy, hải sản, huyện Nghĩa Hưng còn có thế mạnh trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm. Ngoài làng nghề chế biến miến dong, miến gạo ở xóm 13, 14 xã Nghĩa Lâm, toàn huyện còn có gần 30 hộ chuyên sản xuất các loại bún khô, bánh phở khô và hàng chục dây chuyền xay xát, chế biến gạo. Phát triển từ một cơ sở chế biến, sau một thời gian dài tích lũy, ông Ngô Xuân Đương ở xóm Đại Đê, xã Nghĩa Sơn đã mạnh dạn thành lập Cty TNHH Thương mại Đương Báu. Hiện, Cty có dây chuyền xay xát hiện đại với năng lực sản xuất 20-22 tấn thóc/ngày, hệ thống kho chứa 700 tấn. Sản phẩm gạo thương phẩm của Cty luôn bảo đảm trắng và đồng nhất, tỷ lệ gạo nguyên hạt cao, chất lượng bề mặt hạt gạo tốt, tỷ lệ gạo/thóc đạt 65%, tỷ lệ tấm dưới 3% và 3 đầu xe tải để vận chuyển hàng. Nhờ đó, Cty đã trở thành đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn như Cty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Cty CP Bia NaDa… và cung ứng nguyên liệu cho hàng trăm hộ làm miến gạo, bún khô, bánh phở khô trên địa bàn huyện. Cty tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động địa phương, doanh thu bình quân đạt từ 10-15 tỷ đồng/năm. Trong lĩnh vực sản xuất và chế biến gỗ, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ của huyện cũng phát triển mạnh. Tại các xã: Nghĩa Sơn, Nghĩa Minh, Nghĩa Bình… đã có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến đồ gỗ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Năm 2004, Doanh nghiệp tư nhân Phú Khánh (CCN Nghĩa Sơn) đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất rộng gần 1.000m2 và hệ thống máy móc chuyên dụng, hiện đại chuyên sản xuất các mặt hàng mộc thủ công mỹ nghệ cao cấp, dân dụng phục vụ các công trình xây dựng. Bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp tiêu thụ từ 80-100m3 gỗ nguyên liệu, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương. Các sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ rộng rãi trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn như: Khánh Hòa, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đầu năm 2014 đến nay, doanh nghiệp đã nhận được 7 hợp đồng cung ứng toàn bộ phần nội thất gỗ cho các công trình xây dựng với trị giá từ 400-700 triệu đồng/công trình. Doanh thu của doanh nghiệp đạt từ 13-15 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản của huyện Nghĩa Hưng vẫn còn một số hạn chế như: nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư vào những lĩnh vực huyện có tiềm năng thế mạnh, công nghệ sản xuất còn chưa đồng bộ nên khối lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa có tính cạnh tranh cao, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường. Thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện về thủ tục, cơ chế để thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, thu hút và tạo việc làm cho người lao động… đưa ngành công nghiệp chế biến của huyện phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 đạt trên 1.162,3 tỷ đồng./.
Bài và ảnh: Thành Trung