Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân

06:08, 16/08/2014

Tỉnh ta có 663km đê, trong đó có 365km đê cấp I, II và III gồm 91km đê biển và 274km đê sông. Có trên 145km kè, trong đó có 64,7km kè biển và gần 83km kè sông; 282 cống qua đê; 28 bối ngoài đê đại hà, trong đó 21 bối có dân sinh sống, 7 bối canh tác. Do hệ thống công trình đê điều lớn, phân bố trên diện rộng, trải dài ở khắp các địa phương trong tỉnh nên công tác quản lý, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều gặp nhiều khó khăn nếu chỉ dựa vào lực lượng chức năng, chuyên trách.

Thực hiện Luật Đê điều và Thông tư số 26/2009/TT-BNNPTNT ngày 11-5-2009 của Bộ NN và PTNT hướng dẫn về cơ cấu tổ chức nguồn kinh phí và chế độ thù lao đối với lực lượng quản lý đê nhân dân (QLĐND), ngày 14-10-2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2313/QĐ-UBND về việc thành lập lực lượng QLĐND thuộc địa bàn tỉnh Nam Định. Từ 31-7-2010, các huyện, thành phố đã thành lập lực lượng QLĐND tổng số 178 người. Các huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Ý Yên, Trực Ninh, Hải Hậu… đã tuyển chọn được nhiều người có trình độ đại học, cao đẳng hoặc trung cấp tham gia lực lượng QLĐND. Sau 4 năm thành lập, hoạt động của lực lượng QLĐND dần đi vào nề nếp. Lực lượng QLĐND các địa phương đã phối hợp với lực lượng quản lý đê (QLĐ) chuyên trách thường xuyên kiểm tra, tuần tra canh gác bảo vệ, phát hiện báo cáo kịp thời tình trạng đê điều, các diễn biến hư hỏng, sự cố đê thuộc địa bàn. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời, lập biên bản và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật về đê điều. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về đê điều. Bên cạnh đó, lực lượng QLĐND còn tham gia với các xã, thị trấn xây dựng phương án hộ đê, PCLB. Tham gia quản lý và bảo vệ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê như: điếm canh đê; vật tư dự trữ chống lũ, lụt, bão; biển báo đê điều; cột chỉ giới, cây chắn sóng bảo vệ đê và các công trình phụ trợ khác. Tại nhiều địa phương, lực lượng QLĐND đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều nhân viên QLĐND thường xuyên kiểm tra phát hiện nhiều vụ vi phạm đê điều như: chặt tre chắn sóng, khai thác cát, tổ chức đốt phế thải trên mái đê… để báo cho Hạt QLĐ, kịp thời ngăn chặn vi phạm; chủ động khơi thông ổ gà, rãnh nước có báo cáo với địa phương và cơ quan chức năng để xử lý. Ở các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu… lực lượng QLĐND chấp hành tốt sự phân công của UBND xã, thị trấn; thường xuyên dọn vệ sinh, các vật cản trên mặt đê, kè; phối hợp với lực lượng chuyên trách Hạt QLĐ tuần tra, canh gác bảo vệ đê thuộc địa bàn quản lý; đã phát hiện sớm để báo cáo kịp thời lên cấp trên về các sự cố như tình trạng sạt lở mái kè Hải Thịnh 3, sự cố dốc Gót Tràng (Hải Hậu); sạt lở chân đê bối Đồng Tâm, đoạn Km5,5 xã Đại Thắng (Vụ Bản)... Phối hợp với lực lượng QLĐ chuyên trách tuần tra phát hiện, ngăn chặn việc khai thác cát tự phát không đúng quy định của một số người dân. Xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) được bao quanh bởi đê biển với tổng chiều dài 10,8km. UBND xã đã xây dựng lực lượng QLĐND lấy nòng cốt là dân quân trong xã; ký hợp đồng, giao trách nhiệm cụ thể cho 6 nhân viên, mỗi nhân viên quản lý 1 đoạn đê thuộc các đê Cồn Xanh và Nam Điền. Lực lượng QLĐND xã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều cho nhân dân; tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện các đoạn sạt lở đê, các vi phạm Luật Đê điều như: xây dựng, trồng cây trên mái đê, bạt xẻ đê làm lối đi… và báo cáo tổng hợp hoạt động công tác quản lý đê, diễn biến tình trạng đê với UBND xã, Hạt QLĐ, Phòng NN và PTNT huyện vào ngày 17 hằng tháng. Trong mùa mưa bão, lực lượng QLĐ của xã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện các sự cố về đê, báo cáo và phối hợp với lực lượng QLĐ chuyên trách xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu. Ngoài báo cáo định kỳ hằng tháng, lực lượng QLĐND còn thường xuyên báo cáo về tình hình thực hiện, triển khai công tác PCLB trên địa bàn. Nhờ đó, các trường hợp vi phạm về đê điều trên địa bàn xã Nam Điền đã giảm hẳn.

Lực lượng quản lý đê nhân dân xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) kiểm tra, phát hiện sự cố tại cống qua đê.
Lực lượng quản lý đê nhân dân xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) kiểm tra, phát hiện sự cố tại cống qua đê.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của lực lượng QLĐND tại một số địa phương còn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập. Mặc dù UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với Hạt QLĐ chuyên trách, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền, song nhiều địa phương còn để xảy ra nhiều vi phạm, nhất là tại các xã có khu dân cư bám dọc theo đê. Chất lượng của lực lượng QLĐND một số huyện còn chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định của UBND tỉnh và Sở NN và PTNT. Nguyên nhân do lực lượng QLĐND mới được thành lập nên việc tổ chức còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải tiếp tục được bồi dưỡng để nâng cao trình độ và nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền ở một số xã, thị trấn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm về QLĐND chưa thật đầy đủ. Một số nhân viên QLĐND chưa hiểu hết trách nhiệm và quyền hạn của mình, chưa nắm chắc các văn bản pháp luật về đê điều. Đa phần lực lượng QLĐND kiêm nhiệm nhiều việc nên việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra thực địa các tuyến đê không thường xuyên, liên tục. Tính chủ động trong công tác tham mưu với chính quyền xã và cơ quan quản lý cấp trên còn hạn chế. Năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ của một số nhân viên QLĐND chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm Luật Đê điều; các hư hỏng, sự cố của công trình đê điều tại một số địa phương còn chưa kịp thời. Việc thu dọn vệ sinh cỏ rác, các vật cản trên mặt đê, kè và khơi tiêu thoát nước trên mặt đê...  tại một số địa phương chưa được thực hiện, hoặc thực hiện nhưng chưa thường xuyên, liên tục. Một số xã ven biển, do quản lý không chặt chẽ còn để người dân lấy cát gần chân đê gây nguy hiểm cho an toàn đê điều. Sự phối hợp giữa lực lượng QLĐND với lực lượng QLĐ chuyên trách tại một số huyện chưa được chặt chẽ. Công tác báo cáo định kỳ cho Phòng NN và PTNT, các Hạt QLĐ theo quy định còn chưa đi vào nề nếp. Việc chi trả phụ cấp cho lực lượng QLĐND chưa kịp thời, một số huyện còn trả theo quý hoặc 6 tháng một lần; việc chi trả phụ cấp chưa đúng quy định vẫn có trường hợp còn là công chức xã kiêm nhiệm.

Để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của lực lượng QLĐND, các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa về chế độ ưu đãi cho lực lượng QLĐND, nhất là tại những địa bàn phức tạp, khó khăn. Sở NN và PTNT cần phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ; UBND các xã, thị trấn thường xuyên quan tâm đôn đốc nhân viên QLĐND; phối hợp chặt chẽ với Phòng NN và PTNT, Hạt QLĐ và chủ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuyển chọn nhân viên QLĐND là những người có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình trong công việc, không ký hợp đồng với người đang tham gia công tác khác của xã. Các huyện nên quy định cụ thể hằng tháng, nhân viên QLĐND phải báo cáo Phòng NN và PTNT, Hạt QLĐ về kết quả hoạt động của mình trên địa bàn được giao quản lý; hằng quý Phòng NN và PTNT, Hạt QLĐ tổ chức họp trao đổi kinh nghiệm bình xét đánh giá làm căn cứ để trả lương. Hằng năm, tỉnh cần tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động của lực lượng QLĐND; có hình thức khen thưởng động viên những đơn vị, cá nhân làm tốt nhiệm vụ. Các huyện cần tiếp tục rà soát, củng cố kiện toàn về tổ chức, sớm đưa mọi hoạt động của lực lượng QLĐND đi vào nề nếp./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com