Mỗi mùa rau rút

04:08, 22/08/2014

Tháng 8, những cây rau rút đã không còn xanh mơn mởn với những “tay” vươn ra tua tủa. Tuy nhiên, người trồng rau vẫn còn tận thu được khoảng gần 1 tháng nữa. Được trồng từ tháng 4, khi những cơn mưa kèm theo tiếng sấm ì ùng vang vang, cây rau rút cứ thế mà lớn như thổi. Nhiều hộ gia đình bỏ cả ao cá để chuyển sang trồng cây rau rút bởi giá trị kinh tế của loại rau độc đáo này.

Cây rau “độc”

4 năm trước, bà Bùi Thị Hoan xóm Bồi Tây, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) có dịp đến chơi nhà một người bạn ở Tức Mặc, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) thấy chủ nhà có trồng cây rau rút. Được chủ nhà “tư vấn”, loại rau này rất “dễ tính” chỉ với 2, 3 yêu cầu cơ bản là có thể trồng được và cho hiệu quả kinh tế cao: nước sạch và phải “loãng”, cộng thêm việc cho “ăn” đạm, lân phù hợp. Bà Hoan về nhà, cải tạo lại diện tích ao và bắt đầu trồng thử nghiệm vụ rau rút đầu tiên. Để cải tạo ao, ban đầu bà bơm sạch nước, sục bùn, dọn cỏ… sau đó tiến hành bơm nước lần hai, mực nước cao chừng 30-50cm thì thả bèo tấm. Bà cho biết lý do thả bèo: “Bởi vì rau rút là loại cây thảo nổi ngang mặt nước nhờ lớp phao xốp màu trắng. Khi vào mùa mưa, thân rau rút thường bị nặng, dễ bị chìm. Bèo ở trong ao sẽ giúp nâng thân, phao rau rút. Bên cạnh đó, việc thả bèo tấm trong ao rau rút còn giúp giữ thân rau ổn định trên mặt nước. Ngoài ra, bèo còn có tác dụng che phủ, làm trong và mát nước ao". Bà Hoan tuyệt đối “canh” trong ao không cho bèo cái vào, sẽ ảnh hưởng đến sự sống của rau rút. Trồng rau rút, bà Hoan còn chú ý diệt sạch ốc bươu vàng vì đây là đối tượng gây hại chính cho rau. Đầu tháng 4, bà Hoan nghe “dân” trồng rau rút có kinh nghiệm “mách” lên chợ đêm Phạm Ngũ Lão, Thành phố Nam Định mua ngọn cái (còn gọi là rau giống). Mua được giống, bà pha “loãng” nước ao (bơm thêm nước) và cấy rau rút. Khi cấy rau, bà cẩn thận cắm một cành tre nhỏ kế bên và dùng dây buộc gốc rau rút vào cành tre để gió không đẩy cọng rau đi nơi khác. Cấy rau xong, bà chờ khoảng 15-20 ngày, rau rút sẽ bắt đầu mọc. Ngọn cái nhu nhú thì bà ném đạm với lân. Ngọn cái ăn đạm, ăn lân bắt đầu mọc ra các tay (gọi là cành) và phát triển, lan rộng khắp cả mặt nước trên ao. Khi ngọn cái dài quá, người trồng cũng có thể cấu ngọn để bán cho những nơi mua làm giống... Theo bà Hoan “trồng cây rau rút rất dễ và cũng không cầu kỳ trong việc chăm sóc. Chỉ cần cho cây ăn đầy đủ dưỡng chất, giữ nước ao sạch là có thể yên tâm”. Ao rau của bà Hoan trồng 1 tháng là đã cho số ngọn khá nhiều và bắt đầu thu hoạch. Thu hoạch liên tục trong khoảng 1 tuần thì bà tiếp tục cho rau ăn. Thời gian thu hoạch rau có thể kéo dài khoảng 4-5 tháng tùy theo mức độ chăm sóc, kỹ thuật của người trồng. Đối với riêng ao rau của bà Hoan, do được chăm sóc, vệ sinh tốt, ruộng rau nhà bà thường “tàn” muộn nhất xóm... Rau rút ngon là những cây rau có ngọn cái đẹp, khỏe, dài. Các phao trắng, to. Muốn trồng được những cây rau như vậy, kinh nghiệm của bà Hoan cho thấy: “nước càng sạch thì phao càng trắng, càng đẹp. Ao càng bẩn, ngược lại, phao đen và xấu. Ngoài nước thì cách cho ăn phân cũng rất quan trọng. Nước bẩn, cộng với cho ăn quá nhiều, rau sẽ tự rút ngọn không lên được nữa”.

Được chăm sóc cẩn thận, ao rau rút nhà bà Bùi Thị Hoan luôn tươi tốt, mang về thu nhập cao.
Được chăm sóc cẩn thận, ao rau rút nhà bà Bùi Thị Hoan luôn tươi tốt, mang về thu nhập cao.

Mùa rau rút bắt đầu từ tháng 4, rộ lên vào tháng 6 hằng năm. Được những cơn mưa mát mẻ của mùa hè tưới tắm, ao rau rút lớn theo ngày, ken đặc mặt nước với những tay rau tua tủa. Mỗi ngày, bà Hoan đều dành thời gian để hái rau đem bán. Những hôm đông khách, bà phải hái từ chiều để hôm sau kịp lên các chợ Cầu Sắt, Lý Thường Kiệt… bán buôn. Có những hôm, nghe tiếng gà gáy canh 3, canh 4 bà đã dậy hái rau kịp đi chợ sáng. Cuối tháng 7, đầu tháng 8, một vài ao rau rút đã có dấu hiệu “tàn”. Những ngọn rau cứ tự động rời ra. Tuy nhiên, ở những ao rau được chăm sóc tốt, đây là thời điểm mà những chủ ao rau có thể tận thu.

Bỏ cá trồng rau

Ao rau rút trước đây của bà Hoan vốn là ao nuôi cá. Vụ rau rút hết, bà mới chuyển về nuôi cá. So sánh hiệu quả kinh tế giữa nuôi cá và trồng rau rút, bà Hoan kết luận nhanh: “Trồng rau rút hiệu quả hơn nhiều mà lại không vất vả, tốn công chăm sóc. Hơn nữa, trồng rau rút, dân chúng tôi không phải lo nhiều về những khoản như… thời tiết, bệnh tật”. Đầu mùa, ấy là khi dân trồng rau rút “trúng quả” nhất. Rau rút được bán theo mớ, 1 mớ 5 ngọn, bán cất ngay tại chợ có giá khoảng 5.000 đồng. Giữa và cuối mùa, giá cả hạ xuống đôi chút, khoảng 3.500-4.000 đồng/mớ. Ngày nào bà Hoan cũng xuống ao hái rau rút. Mỗi ngày bà hái khoảng vài ba chục mớ, tính ra mỗi ngày chợ, trừ chi phí cũng được hơn kém 100 nghìn đồng. Vào đầu mùa, khi rau rút được giá, bà Hoan có thể thu về khoảng 200 nghìn đồng/buổi chợ. Không chỉ bán rau ăn, bà Hoan còn bán rau giống. Mỗi ngọn cái, bà bán giá 3.000 đồng. Theo ước tính của bà Hoan, ao rau rút rộng 10 thước, sau 3-4 tháng thu hoạch, trừ chi phí, thu về khoảng trên 10 triệu đồng. Ngoài thu hoạch rau rút, người trồng rau còn có thêm thu hoạch từ “phụ phẩm” của rau là bèo tấm. 1 tuần/lần bà Hoan lại vớt được vài bì bèo bán cho những người nuôi cá với giá 30 nghìn đồng/bì. Hiện xóm Bồi Tây, Mỹ Phúc theo ước tính của bà Hoan có khoảng 6, 7 nhà chuyên trồng rau rút. Một số nhà trồng nhiều có thể kể đến như nhà Tĩnh Huê, Năm Dân, ông Bảo… Đây là những nhà có diện tích trồng tương đối lớn, khoảng 2 sào trở lên. “Đương nhiên, họ trồng nhiều thì thu nhập phải lớn hơn tôi rất nhiều. Đó là những nhà có thể đạt thu hoạch khoảng 40-50 triệu đồng/vụ rau. Những nhà trồng nhiều, đôi khi còn không phải đi chợ bán, thương lái thành phố về tận nhà lấy cất. Đó là lý do vì sao, nhiều nhà không nuôi cá mà chuyển sang trồng rau rút khi vào mùa”, bà Hoan chia sẻ. Hiện tại, không chỉ có Mỹ Phúc mà một số nơi như Tức Mặc, Thượng Lỗi, xã Nam Vân, Nam Phong (TP Nam Định)… nhiều hộ gia đình cũng đầu tư để trồng loại rau này. Không chỉ sử dụng ao tại gia đình, nhiều hộ còn sử dụng một số diện tích mặt nước gần các con sông để cấy thả rau rút. “Thị trường rau rút… không phải lo khi vào mùa. Giá cả lại tương đối ổn định. Đây là loại rau ngày càng được ưa chuộng và “dễ” ăn với mọi nhà bởi những đặc tính “tốt” như mát, giàu dinh dưỡng, mùi vị thơm ngon… Do đó, người ta không chỉ sử dụng rau vào việc chế biến các bữa ăn hằng ngày, mà giờ đây rau rút còn có cơ hội góp mặt vào những “sự kiện” trang trọng hơn trong mỗi gia đình như đám cưới, đám giỗ, ngày rằm… Chúng tôi thường nhận được những đơn hàng lớn mua hàng mấy chục mớ vào những dịp như vậy”, bà Hoan chia sẻ một cách thành thật, vui vẻ.

Mùa tháng 7, tháng 8 khi những cây sấu già đã thưa dần quả và hết hẳn, cũng là thời điểm dần “suy tàn” của rau rút. Rau rút và quả sấu, thường là những thứ đi kèm với nhau không thể thiếu khi muốn chế biến món ăn. Chưa biết làm cách nào để có thể giữ được giống rau rút cho mùa trồng kế tiếp, những hộ trồng rau rút như bà Hoan chấp nhận cảnh… rau tàn. Tuy nhiên, khi những gốc rau tàn, cũng là lúc đất được bồi đắp một lượng dinh dưỡng mới để chào đón những mùa rau tiếp theo. Bà Hoan cho biết thêm: “Cho đến thời điểm hiện tại, tôi chưa trồng loại rau nào đạt hiệu quả kinh tế cao hơn cây rau rút. Trồng loại rau này cũng rất sạch sẽ, mang một đôi ủng khi xuống ao hái rau, khi lên bờ, người nông dân chúng tôi, rửa qua cái tay là có thể đi chợ, thậm chí ngồi vào bàn nước được ngay. Quá trình thu hoạch rau nhanh, trồng rau ít sâu bệnh lại bán được giá. Vì vậy, chúng tôi hy vọng đây là cây thoát nghèo, hướng đi mới của nhiều nông dân”. Cây rau rút vì thế đối với nhiều bà con nông dân, là loại cây được họ “tin dùng”./.

Bài và ảnh: Hoa xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com