Làng nghề sản xuất bánh, kẹo Đông Cường

07:08, 07/08/2014

Những năm qua, nghề sản xuất bánh, kẹo ở tổ dân phố số 6 (làng Đông Cường cũ) ngày càng phát triển, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thị trấn Yên Định (Hải Hậu). Có 42,7% tổng số hộ dân với 178 lao động tham gia làm nghề. Tổ dân phố số 6 đã được UBND tỉnh công nhận đủ tiêu chí làng nghề theo quy định của Bộ NN và PTNT.

Sản xuất bánh mỳ tại cơ sở sản xuất Ngọc Hoàn, tổ dân phố số 6, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu).
Sản xuất bánh mỳ tại cơ sở sản xuất Ngọc Hoàn, tổ dân phố số 6, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu).

Các cụ cao niên ở đây cho biết, sản xuất bánh, kẹo là nghề truyền thống của làng Đông Cường xưa, với lịch sử phát triển trên 100 năm. Nhiều loại bánh của làng đã có “thương hiệu” như: bánh chưng bà Thìn, bánh nhãn, bánh dẻo, bánh nướng, bánh khảo, kẹo dồi, kẹo vừng… Thực hiện chủ trương mỗi xã, thị trấn có ít nhất một làng nghề của UBND huyện Hải Hậu nhằm thúc đẩy phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, những năm qua, Đảng ủy, UBND Thị trấn Yên Định đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống, nhân rộng số hộ làm nghề như: xây dựng đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, thành lập tổ quản lý làng nghề để kịp thời hỗ trợ các hộ làm nghề phát triển sản xuất; tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các hộ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất; phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề, tập huấn kỹ thuật VSATTP cho các hộ sản xuất và lao động trong làng nghề... Với những nguyên liệu chính là gạo nếp, nha (được sản xuất từ mộng mạ và các loại gia vị), đường, mật cùng với bí quyết pha chế gia truyền các sản phẩm bánh, kẹo của làng nghề Đông Cường đã được thị trường ưa chuộng. Để có được mẻ bánh ngon, đậm đà hương vị riêng có, người làng nghề phải thật kỹ càng trong khâu lựa chọn nguyên liệu. Gạo làm bánh phải là gạo nếp nàng hương, ngâm đủ độ rồi để ráo nước sau đó mới đem xay thành bột làm bánh, qua nhiều công đoạn (tùy theo từng loại bánh, kẹo) mới hoàn thành. Trước đây, tất cả các công đoạn sản xuất đều làm bằng phương pháp thủ công nên năng suất lao động thấp, sản lượng hàng hóa ít. Các loại bánh, kẹo hầu như chỉ được làm vào dịp lễ, Tết để cúng tổ tiên và đãi khách hoặc làm quà cho những người đi xa. Những năm gần đây, nghề sản xuất bánh, kẹo ở làng Đông Cường đã có bước phát triển vượt bậc. Các công đoạn làm bánh mất nhiều công sức được thay thế bằng các loại máy móc hiện đại như: xay bột, đảo bột, vê bánh nhãn; các lò nướng thủ công bằng than, củi đã được thay thế bằng các lò nướng sử dụng điện. Nhờ đó, đến nay các hộ làng nghề đã sản xuất được trên 20 loại sản phẩm khác nhau, với các loại: bánh nhãn, bánh khảo, bánh nướng, bánh dẻo, bánh mỳ, bánh bông lan (ga-tô), bánh đa, bánh phở, bún, bánh cuốn, bánh chưng…; các sản phẩm kẹo cũng đa dạng gồm: kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo gỗ, kẹo bi… Năm 2006, một sự kiện giúp tạo nên cuộc “cách mạng công nghệ” của làng nghề khi ông Nguyễn Văn Trụ (sinh năm 1933) đã chế tạo và áp dụng thành công máy vê liên hoàn để làm bánh nhãn. Sinh ra và lớn lên tại làng nghề, lại có gần 60 năm gắn bó với nghề sản xuất bánh, kẹo nên ông Trụ am hiểu kỹ càng tất cả các công đoạn sản xuất và nhận thấy phương pháp sản xuất thủ công không những vất vả, nặng nhọc mà hiệu quả kinh tế thấp do năng suất thấp, sản lượng hạn chế. Sau hơn 1 năm mày mò, nghiên cứu, tận dụng các loại sắt thép phế thải; bánh răng xe máy, máy nổ cũ; động cơ điện của các máy giặt hỏng… ông đã sản xuất thành công máy vê bánh nhãn liên hoàn dùng điện, mỗi máy có từ 2-3 động cơ (loại 250W và 400W). Máy có công suất tối đa 150kg bánh nhãn/ngày, tương đương với năng suất của 15 lao động làm thủ công. Đến nay, ông đã sản xuất được 40 máy vê liên hoàn để sản xuất bánh nhãn, trong đó có 37 máy cung ứng cho các hộ sản xuất tại làng nghề, 3 máy bán cho các hộ sản xuất ở Hà Nội, Thái Nguyên. Nhờ máy vê liên hoàn và các loại máy móc hỗ trợ khác, nhiều hộ trong làng nghề đã đủ năng lực sản xuất được từ 2-3 tạ bánh, kẹo/ngày; tạo việc làm cho từ 5-7 lao động với mức thu nhập từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày như hộ các ông: Vũ Hữu Thọ, Vương Văn Vinh, Nguyễn Bắc Việt, Nguyễn Văn Cơ, Vũ Văn Đỉnh… Cơ sở sản xuất của ông Vũ Hữu Thọ, số nhà 43, tổ dân phố số 6 có 2 máy vê liên hoàn, 1 máy đánh bột mỗi ngày sản xuất được 4-5 tạ bánh nhãn, bánh khảo, bánh nướng, bánh dẻo… tạo việc làm cho 5-6 lao động. Cơ sở của anh Vũ Xuân Dũng, mỗi ngày sản xuất được từ 2-3 tạ bánh các loại. Ngoài các cơ sở sản xuất bánh nhãn, tại làng nghề đã có 5 cơ sở đầu tư các loại lò nướng công suất lớn để sản xuất các loại bánh mỳ, bánh ga-tô, bánh nướng… Cơ sở sản xuất bánh mỳ, bánh ngọt của anh Vũ Văn Học có 2 lò nướng hiện đại, trong đó lò quay chuyên sản xuất các loại bánh mỳ, bánh nướng với công suất tối đa 40kg bánh/giờ; lò hộp chuyên để sản xuất bánh ngọt, bánh nướng. Theo ước tính của ông Vũ Văn Thắng, tổ trưởng tổ dân phố số 6, bình quân mỗi ngày, các hộ sản xuất trong làng nghề sản xuất được từ 2-3 tấn bánh. Vào vụ bánh (từ sau rằm tháng 8 đến hết tháng 2 âm lịch hằng năm), làng nghề rộn ràng, tấp nập, hối hả suốt ngày đêm với hàng chục chuyến xe ra, vào vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm đi phân phối tại thị trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hưng Yên… Vào vụ chính trong năm, mỗi ngày các hộ sản xuất trong làng nghề cung ứng ra thị trường từ 8-10 tấn bánh, kẹo các loại. Các sản phẩm bánh, kẹo của làng nghề mặc dù mẫu mã, bao bì đóng gói còn khá đơn giản nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh nhờ chất lượng sản phẩm luôn thơm, ngon...

Nghề sản xuất bánh, kẹo phát triển không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của thị trấn. Năm 2013, tổng doanh thu của làng nghề đạt trên 12 tỷ đồng, chiếm 68% tổng thu nhập của cả tổ dân phố số 6. Tuy nhiên, hiện nay, nghề sản xuất bánh, kẹo ở Thị trấn Yên Định vẫn còn hạn chế như: chưa có hộ nào đủ tiềm lực để thành lập doanh nghiệp để đầu tư xây dựng thương hiệu, giúp sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường. Thời gian tới, Thị trấn Yên Định định hướng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng giá trị, hiệu quả kinh tế - xã hội của làng nghề./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com