Nghề mộc vốn là nghề truyền thống ở thôn Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) với “chiều dài” phát triển gần một trăm năm. Trải qua bao thăng trầm, nghề mộc đã được truyền lại cho nhiều thế hệ và để lại những kỹ thuật chế tác “tinh hoa văn hóa” trong từng sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, tạo nên thương hiệu uy tín được nhiều người biết đến. Một trong những cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ “có tiếng” ở thôn Lựu Phố phải nói đến là cơ sở của anh Trần Công Lực, nơi đang tạo việc làm cho 16 lao động với mức lương bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng, có thợ bậc cao, lương đạt 9-10 triệu đồng/người/tháng.
Anh Trần Công Lực (bên trái) thôn Lựu Phố, xã Mỹ Phúc đang giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. |
Giữa tiếng đục, tiếng chạm của những người thợ, anh Lực nói về niềm đam mê nghề mộc mỹ nghệ truyền thống và quá trình hình thành cơ sở mộc mỹ nghệ truyền thống của mình. Sinh năm 1985 trong một gia đình có truyền thống làm nghề nên ngay từ nhỏ, những dụng cụ như đục, vụm, chạm, bào, cưa, khoan… đã có sức hút kỳ lạ với anh. Ngoài thời gian đi học, Lực theo ông nội và bố đi khắp làng phụ đánh giấy ráp. Thỉnh thoảng, Lực được ông nội cho “kéo cưa” để xẻ những khối gỗ thành từng thanh, từng khúc phù hợp với từng loại hình chế tác. Nghề mộc mỹ nghệ “thấm dần” vào Lực lúc nào không hay. Lực nhớ lại, có hôm đến lớp học, giờ ra chơi bạn bè chạy nhảy, vui chơi, Lực lại ngồi dùng dao “đẽo đẽo, gọt gọt” những con chim, con ếch… Học hết THPT, Lực không đăng ký thi đại học mà ở lại quê hương theo nghề mộc mỹ nghệ truyền thống của gia đình. Với niềm đam mê và kiến thức cơ bản về gỗ, về cách chế tác các sản phẩm đồ gỗ đã tích lũy được trong quá trình học hỏi, năm 2011, Lực mạnh dạn đứng ra mở xưởng sản xuất riêng. Thời gian đầu, xưởng sản xuất của anh gặp nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm do chưa có thị trường, anh phải tự mình mang sản phẩm đi giới thiệu, thậm chí phải nhận gia công sản phẩm cho các cơ sở sản xuất khác. Để thu hút được khách hàng, anh đã chọn lọc, sử dụng các loại gỗ chất lượng cao không cong vênh hay nứt như gụ, cẩm, hương, trắc… để thiết kế sản xuất những sản phẩm có hoa văn tinh xảo, có chất lượng. Bản thân anh đều trực tiếp kiểm soát các khâu từ lựa chọn nguyên liệu thô cho đến các khâu trong quá trình sản xuất, do đó chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm, hạn chế được tối đa các lỗi kỹ thuật. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc nhằm giảm bớt các khâu đục đẽo thủ công nhằm tạo ra sản phẩm có độ chính xác cao, chất lượng tốt. Các mặt hàng do cơ sở của anh làm ra như: bàn, ghế, giường, tủ đến sập gụ và các sản phẩm phụ trợ như lèo, con song… ngày càng khẳng định được “thương hiệu” trên thị trường, được nhiều người biết đến và được tiêu thụ rộng khắp ở trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh... Anh Lực cho biết, sản phẩm sản xuất tại cơ sở của anh rất đa dạng theo yêu cầu của khách hàng như các loại ghế, tràng kỷ, bình phong, bức đại tự, câu đối, cuốn thư, tủ tường… theo phong cách giả cổ như triện, đào, trúc... Mẫu mã luôn đảm bảo đẹp, chất lượng và theo thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, số lượng khách hàng đến với cơ sở sản xuất của anh ngày càng đông.
Nhờ đó, tổng doanh thu hằng năm của cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ của anh Trần Công Lực đều tăng, hiện đạt khoảng 2 tỷ đồng. Không chỉ mang lại việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương mà nghề mộc còn đem lại cho gia đình anh cuộc sống ngày càng sung túc. Thời gian tới, anh Lực tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và từng bước mở rộng cửa hàng để giới thiệu, bày bán sản phẩm. Với quyết tâm vượt khó vươn lên lập nghiệp ngay tại quê hương, anh Trần Công Lực không chỉ phát huy và bảo tồn nghề truyền thống của cha ông, mà anh còn là tấm gương sáng cho nhiều thanh niên nông thôn học tập, noi theo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển./.
Bài và ảnh: Vũ Hoàng