Hỗ trợ kiến thức cho nông dân qua chương trình "Nhịp cầu nhà nông"

07:08, 21/08/2014

Vừa qua, tại huyện Xuân Trường, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) tổ chức chương trình “Nhịp cầu nhà nông” với sự tham gia của 400 đại biểu là cán bộ HND cơ sở, chủ trang trại và hội viên nông dân đến từ các xã của 5 huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh và Nghĩa Hưng. Ban tư vấn cho chương trình gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn như: Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam; PGS.TS Lê Văn Năm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh thuốc thú y Việt Nam; TS Ngô Vĩnh Viễn, nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật; PGS.TS Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I.

Các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trả lời câu hỏi của cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh về kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trả lời câu hỏi của cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh về kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Với hình thức hỏi - đáp trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học đã cung cấp cho bà con nông dân nhiều kinh nghiệm, kiến thức về nuôi trồng thủy, hải sản, quy trình chăm sóc, phòng và chữa bệnh cũng như kinh nghiệm tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản; một số kỹ năng xử lý ô nhiễm môi trường... Tham gia chương trình, anh Nguyễn Thành Vinh ở xã Xuân Tân (Xuân Trường) đã được hướng dẫn một cách cụ thể về các biện pháp diệt ốc bươu vàng. Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, biện pháp diệt ốc bươu vàng dựa vào cộng đồng, tức là mọi người phải cùng làm, cùng hợp tác với nhau, phải tổ chức diệt ốc mọi lúc mọi nơi, thấy trứng diệt trứng, thấy ốc diệt ốc. Ốc bươu vàng thường cắn phá lúa mạnh khi lúa được 15 ngày, sau đó thì giảm dần nên bà con hay chủ quan. Do đó bà con cần phải diệt ốc trong tất cả giai đoạn phát triển của cây lúa. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhưng theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng khuyên bà con nên dùng thuốc có nguồn gốc sinh học, ngâm thuốc từ chiều hôm trước để sáng sớm hôm sau sử dụng vì đây là lúc ốc bươu vàng hoạt động rất mạnh; thực hiện phun thuốc xuống vùng trũng để nâng cao hiệu quả tiêu diệt ốc. Cây lúa cần được cách ly trong một thời gian nhất định trước khi thu hoạch để tránh lượng thuốc tồn dư gây hại cho người sử dụng sản phẩm từ lúa. Còn với nhiều bà con nông dân ở 3 huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, những kiến thức về nuôi trồng thủy, hải sản thực sự là những thông tin hữu ích. Theo chị Nguyễn Thị Minh, ở xã Hải Đông (Hải Hậu), đây là lần đầu tiên chị được tiếp cận với biện pháp tăng kiềm cho tôm vào mùa mưa. Theo đó, có hai cách để tăng kiềm, cách thứ nhất là dùng vôi công nghiệp mà bà con hay gọi là supercanxi, sử dụng định kỳ. Cách thứ hai là sử dụng soda, cách này không chỉ tăng nồng độ kiềm mà còn giúp cải thiện nồng độ amoniac cho ao tôm. Để nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả kinh tế cao, theo PGS.TS Bùi Quang Tề, người nuôi cần phải trang bị đầy đủ các dụng cụ đo môi trường (pH, kiềm, NH3, ôxy hòa tan...), thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường để kịp thời xử lý, điều chỉnh khi có yếu tố vượt ra khỏi phạm vi thích hợp cho tôm nuôi. Khi phát hiện tôm trong ao nuôi có những dấu hiệu bất thường thì phải kiểm tra kỹ các yếu tố môi trường. Nếu tất cả đều nằm trong phạm vi tốt thì có thể do tôm bị bệnh. Trong trường hợp này, trước khi tiến hành xử lý cần tham vấn ý kiến của những người có nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu về nuôi trồng thủy sản - đặc biệt là nuôi tôm - để có cách giải quyết phù hợp, vừa đảm bảo hiệu quả cao trong phòng, trị bệnh, vừa đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, vệ sinh môi trường, an toàn sinh học…

Với việc thông tin về định hướng sản xuất dựa trên điều kiện tự nhiên thuận lợi của địa phương gắn liền với nhu cầu thị trường, trong đó có thị trường xuất khẩu…, thông qua chương trình “Nhịp cầu nhà nông”, các chuyên gia đã giúp nông dân trong tỉnh có thêm nhiều kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chính sách phát triển nông nghiệp. Đó là những thông tin hết sức gần gũi, hữu ích đối với đời sống sản xuất của bà con như đối với lĩnh vực chăn nuôi, thú y, các câu hỏi được giải đáp gồm nhiều nội dung, yêu cầu trong chăn nuôi an toàn sinh học; phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1, H7N9; những lưu ý trong công tác phòng, chống bệnh tai xanh đối với chăn nuôi lợn; bệnh lở mồm, long móng trong chăn nuôi lợn, bò, dê. Đặc biệt, các chuyên gia còn hướng dẫn người chăn nuôi phát hiện triệu chứng và cách điều trị một số bệnh cụ thể của gia cầm, thủy cầm, chó, lợn, trâu, bò… Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các chuyên gia lưu ý công tác cải tạo môi trường ao, hồ trước khi thả nuôi, công tác vệ sinh môi trường, xử lý môi trường nước trong quá trình nuôi. Việc phòng và trị bệnh trong chăn nuôi thủy sản được các chuyên gia khuyến cáo và đưa ra một số loại thuốc tiêu biểu phòng bệnh và chữa bệnh cho cá, quán triệt yêu cầu hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, khuyến khích sử dụng các loại thuốc thảo mộc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, chương trình đã giúp cho bà con có thêm kiến thức về ý nghĩa, vai trò của hoạt động xúc tiến thương mại trong nông nghiệp, chủ động tìm ra hướng đi đúng đắn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như các chính sách phát triển nông nghiệp như: quy hoạch các vùng phát triển nuôi trồng thủy sản, khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, các chính sách hỗ trợ của tỉnh nói chung và của các huyện nói riêng nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp và chăn nuôi, phát huy tiềm năng sẵn có của mỗi địa phương…

Chương trình “Nhịp cầu nhà nông” lần đầu tiên được tổ chức là cơ hội tốt để bà con nông dân trong tỉnh nâng cao kiến thức góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững. Đây cũng là một hoạt động cụ thể trong chuỗi hoạt động liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp rất cần được tổ chức thường xuyên nhằm hướng tới mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com