Giải pháp xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư

08:08, 11/08/2014

Do những hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch nên ở tỉnh ta có tình trạng các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất… nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn, tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Trước thực trạng đó, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất, kinh doanh tồn tại xen kẽ trong khu dân cư. Thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương xóa bỏ tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ năm 2013, ngành TN và MT đã tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện di chuyển các cơ sở, doanh nghiệp này ra các khu, CCN; nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết bị bảo vệ, xử lý, chống ô nhiễm môi trường của 6 cơ sở, doanh nghiệp vẫn nằm trong khu dân cư, bao gồm: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP Dệt lụa Nam Định, Cty CP Dây lưới thép Nam Định, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bãi chôn lấp rác xã Lộc Hòa do Cty Môi trường đô thị Nam Định quản lý, kho thuốc bảo vệ thực vật thuộc Cty CP Sát trùng thuốc Việt Nam. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến quy định BVMT từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế của các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư. Tháng 4-2014, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách xử lý 21 cơ sở ô nhiễm môi trường năm 2013 trên địa bàn tỉnh, trong đó có 12 cơ sở, doanh nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư như: Cty CP Chăn len số 2, đường Đinh Bộ Lĩnh; Cty CP Bia Hà Nội số 5, đường Thái Bình; Xí nghiệp sản xuất nước sạch Thành phố Nam Định thuộc Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định (TP Nam Định); Xí nghiệp chế biến thủy sản Xuân Thủy, xã Xuân Vinh (Xuân Trường); Cty TNHH một thành viên Hiệp Lục, thôn Hữu Bị, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc)... UBND tỉnh giao Sở TN và MT phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của các cơ sở, doanh nghiệp theo hướng đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Ngành Công thương đã phối hợp với các địa phương rà soát, bố trí hợp lý các khu, CCN, điểm công nghiệp, để các cơ sở, doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư lựa chọn chuyển đổi địa điểm di chuyển nhà xưởng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh còn tập trung hỗ trợ các thủ tục cần thiết như: bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng... nhằm giúp các cơ sở nhanh chóng hoàn thiện việc di dời để sớm ổn định và đi vào sản xuất.

Cty CP Dây lưới thép Nam Định đã di chuyển những bộ phận sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra CCN An Xá.
Cty CP Dây lưới thép Nam Định đã di chuyển những bộ phận sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra CCN An Xá.

Tuy nhiên, trên thực tế việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của các cơ sở, doanh nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư. Nguyên nhân là do: Khi di dời, các doanh nghiệp thường phải thay đổi hệ thống trang thiết bị sản xuất, trong khi đó, các cơ sở phải di dời chủ yếu là cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, nên nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, khi di chuyển ra các khu, CCN, các cơ sở, doanh nghiệp phải chi trả chi phí thuê đất. Hơn nữa tại các khu, CCN chỉ cho thuê đất với diện tích lớn. Đối với các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn gây ô nhiễm nằm trong nội thành đều là các doanh nghiệp sử dụng quỹ đất lớn và phần lớn đều là những khu đất “đắc địa”, có giá trị kinh tế cao. Việc xử lý những khu đất này sau khi di dời đòi hỏi phải bảo đảm thỏa đáng về quyền lợi của doanh nghiệp.

Pháp luật về bảo vệ môi trường đã quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có hệ thống kết cấu xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, phải có khoảng cách an toàn môi trường đối với khu dân cư; nếu không nghiêm túc chấp hành quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ bị xử lý theo pháp luật. Cụ thể như: xử lý hành chính đối với các trường hợp nhẹ, vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng và xử lý hình sự khi hậu quả do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra nặng, nguy hiểm. Vì vậy, việc chuyển đổi ngành nghề, di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh xen kẽ trong khu dân cư dù khó vẫn phải kiên quyết thực hiện. Để giải quyết vướng mắc trong xử lý giá trị, tài sản về đất của các cơ sở, doanh nghiệp, tỉnh đã áp dụng Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng thực hiện việc đánh giá, rà soát để phân loại và đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Đối với các cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, tính toán hướng dẫn thực hiện phương án bố trí, sắp xếp lại quy trình sản xuất nhằm cải thiện điều kiện sản xuất bảo đảm vệ sinh môi trường, tiến hành di dời vào CCN những công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Lập danh sách những cơ sở, doanh nghiệp cần có lộ trình chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời để phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch di chuyển phù hợp. Các ngành chức năng xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư cần phải di dời vào CCN làng nghề. Đồng thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mới CCN làng nghề, bao gồm quy hoạch cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom và xử lý chất thải; quy hoạch khu sản xuất phù hợp với đặc thù loại hình làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Tăng cường phối hợp các ngành, các cơ quan chuyên môn trong việc thực thi pháp luật môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật để mọi hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ và nhân dân nắm bắt, từ đó nghiêm túc thực hiện quy định. Tăng cường phối hợp thực hiện công tác giám sát việc chấp hành các quy định về BVMT đối với các cơ sở, doanh nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư; nghiêm cấm không được xả nước, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; kịp thời xử lý vi phạm nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở này gây ra. Không hình thành mới các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc có công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực đông dân cư nông thôn. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, kim loại, nhựa, nhuộm và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra các CCN làng nghề./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com