Giải pháp khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản ở các xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới

05:08, 09/08/2014

Qua hơn 3 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã tập trung huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân nên bức tranh NTM trên địa bàn tỉnh đã từng bước được định hình. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM của toàn tỉnh đạt trên 6.250 tỷ đồng. Đồng ruộng được kiến thiết, chỉnh trang quy hoạch lại đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, một số xã trong quá trình xây dựng NTM còn lúng túng trong việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) dẫn đến tình trạng nhiều công trình như trường học, đường giao thông, trụ sở xã bị chậm về tiến độ xây dựng, nợ đọng XDCB lớn. Nguyên nhân do một số chủ đầu tư ở cấp xã quyết định phê duyệt dự án quy mô lớn trong khi không có khả năng huy động các nguồn vốn khác mà chủ yếu trông chờ vào vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ nên không có khả năng thanh toán cho giá trị khối lượng đã thực hiện. Mặt khác, một số xã khi xây dựng dự toán và điều hành ngân sách, không bố trí nguồn để trả nợ, hoặc không ưu tiên trả nợ từ nguồn tăng thu hoặc tiết kiệm chi. Khi phê duyệt các dự án đầu tư trên địa bàn, các xã, thị trấn đều trông chờ vào khoản thu khá lớn hằng năm từ nguồn điều tiết trở lại địa phương khi thực hiện cấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, do thực hiện các quy định của Chính phủ về bảo vệ diện tích đất trồng lúa và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên nguồn thu này giảm mạnh dẫn đến các xã không có nguồn để trả nợ cho các nhà thầu thi công.

Thi công rãnh thoát nước, nâng cấp nền tuyến đường nối trung tâm Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) với đường du lịch ven biển.
Thi công rãnh thoát nước, nâng cấp nền tuyến đường nối trung tâm Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) với đường du lịch ven biển.

Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, phấn đấu đến hết năm 2015 hoàn thành việc xử lý nợ đọng XDCB thuộc chương trình xây dựng NTM. Ngay từ năm 2013, trong chỉ đạo đầu tư phát triển tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương quán triệt nguyên tắc các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia chỉ được thi công công trình, hạng mục công trình khi được HĐND tỉnh thông qua và đã được bố trí vốn trong kế hoạch năm; chỉ được thực hiện khối lượng thi công theo mức vốn kế hoạch giao hằng năm để không làm tăng thêm nợ đọng XDCB. Các nguồn vốn hỗ trợ, chương trình mục tiêu quốc gia phải trình Bộ KH và ĐT thẩm định, đồng ý mới phân bổ. Các huyện, các xã, thị trấn bố trí vốn phân cấp đầu tư theo định hướng của tỉnh, tập trung bố trí quyết toán dứt điểm các công trình đã hoàn thành và hạn chế khởi công mới. Các công trình khởi công mới phải là các công trình thực sự cấp bách, có đầy đủ thủ tục theo quy định, rõ ràng về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để đảm bảo dự án được hoàn thành theo kế hoạch. Đối với các công trình cấp xã, yêu cầu phải báo cáo huyện và có sự đồng ý về mặt chủ trương của huyện mới được khởi công. Các huyện tập trung rà soát các công trình, điều chỉnh quy mô, nguồn vốn phù hợp với công trình, tránh kéo dài, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng nguồn vốn, tập trung hoàn thành gọn từng hạng mục công trình. Chỉ đạo các xã xây dựng NTM thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm về quản lý, huy động các nguồn vốn đầu tư XDCB, không để nợ đọng XDCB ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trao đổi về kinh nghiệm quản lý vốn và đầu tư XDCB của địa phương, đồng chí Lê Công Sản, Chủ tịch UBND Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) cho biết: “Xây dựng NTM là chương trình đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và yêu cầu đầu tư phải có hiệu quả. Vì vậy, ngay khi triển khai, Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn đã tiến hành phân loại 19 tiêu chí xây dựng NTM để phân kỳ đầu tư nguồn vốn XDCB hợp lý qua các năm”. Theo đó, thị trấn đã tiến hành phân loại 19 tiêu chí xây dựng NTM thành tiêu chí “mềm” và tiêu chí “cứng”. Trong đó, tiêu chí “mềm” là các tiêu chí ít hoặc không cần hỗ trợ từ nguồn ngân sách, có thể vận động hỗ trợ từ phía người dân để thực hiện như quy hoạch, điện, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở khu dân cư, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức sản xuất, giáo dục, hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội. Các tiêu chí “cứng” là các tiêu chí yêu cầu phải đầu tư nguồn vốn lớn và dài hạn như giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng, cơ sở hạ tầng trường học, chợ, hạ tầng y tế, môi trường. Trên cơ sở đó, thị trấn đã có kế hoạch cân đối nguồn ngân sách hằng năm của thị trấn, tập trung đầu tư từng hạng mục công trình, đồng thời xác định các mức hỗ trợ với từng hạng mục đảm bảo không để xảy ra nợ đọng XDCB. Đối với công trình đường trục tổ dân phố, thủy lợi nội đồng thuộc trách nhiệm của người dân, thị trấn hỗ trợ 80 triệu đồng/km. Đối với các công trình tại các tổ dân phố, UBND thị trấn giao cho các đoàn thể chính trị xã hội tuyên truyền, vận động, bàn bạc với người dân thống nhất phương án tổ chức xây dựng công trình. Người dân tự bàn bạc, thống nhất mức đóng góp kinh phí, tự nguyện hiến đất làm đường dong ngõ xóm, cống rãnh và hệ thống chiếu sáng; UBND thị trấn chỉ nghiệm thu chất lượng công trình đảm bảo theo tiêu chí NTM. Vì thế, các dự án đầu tư XDCB ở Thị trấn Thịnh Long đều không tốn kinh phí GPMB và đạt sự đồng thuận nhất trí cao từ phía người dân. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM của thị trấn đạt gần 67 tỷ đồng. Từ cách làm trên, thị trấn đang tập trung xây dựng các công trình hoàn thiện theo tiêu chuẩn đô thị loại IV. Hiện tại, thị trấn đang khẩn trương GPMB và thi công 1,4km đường du lịch ven biển kéo dài đến trung tâm thị trấn, mặt đường rộng 26m, 2 làn đường, tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng; ngoài ra còn có 2,6km tỉnh lộ 488 với bề mặt rộng 21m do Sở GTVT đầu tư. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước sử dụng nước ngầm tại tổ dân phố 6 để phục vụ nhu cầu nước sạch của Thị xã Thịnh Long trong tương lai. Tại xã Hải Thanh (Hải Hậu), đồng chí Vũ Thế Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Với nguồn ngân sách khá eo hẹp, chỉ 300 triệu đồng/năm, xã xác định phân kỳ đầu tư nguồn vốn XDCB sẽ là yếu tố tiên quyết để đảm bảo hiệu quả xây dựng NTM”. Năm 2011, xã tập trung xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng với ưu tiên hỗ trợ 100% vật liệu xây dựng, người dân góp đất làm đường với mức 13m2/sào. Đồng thời tập trung kiên cố hóa kênh mương phục vụ sản xuất giống, cây vụ đông ở các xóm 2, 3, 5 với diện tích 6ha. Năm 2012, xã tiến hành cải tạo, nâng cấp đường dong ngõ xóm tại các khu dân cư, đường liên xóm, đường trục xã với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/xóm. Hiện tại, 10,6km đường giao thông trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 18,9km đường dong ngõ xóm của 13 xóm đều được bê tông hóa hoàn thiện cùng với 7,4km cống rãnh thoát nước; 11,4km đường trục chính nội đồng được cứng hóa đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận tiện. Đặc biệt, đường trục xã nối từ tỉnh lộ 486 đến trung tâm xã được hoàn thành vào cuối năm 2013 với nền đường rộng 15m, tổng mức đầu tư 1,8 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp xây dựng rãnh thoát nước hơn 200 triệu đồng. Năm 2013, xã tập trung vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế. Tổng nguồn vốn xây dựng NTM của xã trong 3 năm qua là 25 tỷ 506 triệu đồng; trong đó, người dân hiến 12,3ha đất và hơn 16 nghìn ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở theo tiêu chí xây dựng NTM. Các công trình đều được thanh, quyết toán đầy đủ, không để nợ đọng XDCB. Thời gian tới, xã tiếp tục phân bổ hơn 3 tỷ đồng tiền thưởng của Chính phủ, UBND tỉnh về hoàn thành chương trình xây dựng NTM cho các xóm, mỗi xóm 20 triệu đồng để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.

Phân kỳ đầu tư và bảo đảm cân đối ngân sách xã với các nguồn vốn đầu tư cho từng hạng mục công trình là giải pháp hiệu quả giúp các xã xây dựng NTM khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com