Đẩy mạnh bảo vệ đa dạng sinh học

07:08, 07/08/2014

Bảo vệ đa dạng sinh học là bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã, cũng chính là bảo vệ hệ sinh thái, môi trường sống của con người trong hiện tại và tương lai. Tỉnh ta là một trong những địa phương may mắn có 2 trong số 5 khu vực đa dạng sinh học được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng, một trong 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Khu dự trữ sinh quyển này được đánh giá có những giá trị nổi bật toàn cầu về đa dạng sinh học và có ảnh hưởng lớn đến sự sống của nhân loại. Do vậy, công tác bảo vệ đa dạng sinh học được các cấp, các ngành của tỉnh tích cực phối hợp với Trung ương và các tổ chức quốc tế để thực hiện.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại sông Hồng. Ảnh: Ngọc Ánh
Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại sông Hồng. Ảnh: Ngọc Ánh

Tháng 12-2011, tiếp nhận sự tài trợ của Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổng cục Môi trường đã lựa chọn Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy là khu vực thí điểm triển khai dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia” nhằm hỗ trợ tỉnh ta phát triển và cập nhật vào hệ thống dữ liệu về đa dạng sinh học, giúp ngành chuyên môn nhân rộng phương thức xây dựng, vận hành, hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc. Dự án được triển khai đến hết năm 2013 và đã góp phần đào tạo cán bộ quan trắc và xây dựng thỏa thuận hợp tác giữa các đối tác, triển khai thực hiện thí điểm điều tra đa dạng sinh học giai đoạn II tại VQG Xuân Thủy. Kết quả điều tra đã khẳng định, VQG Xuân Thuỷ có 14 kiểu sinh cảnh, bao gồm các sinh cảnh tự nhiên và sinh cảnh nhân tạo. Sinh cảnh có giá trị đa dạng sinh học cao nhất là các bãi bồi và rừng ngập mặn tự nhiên. Tuy nhiên, tại VQG Xuân Thuỷ ghi nhận 8 loài chim bị đe doạ và sắp bị đe doạ ở mức toàn cầu, đó là: Cò thìa, Cò trắng Trung Quốc, Choắt lớn mỏ vàng, Mòng bể mỏ ngắn, Bồ nông chân xám, Rẽ mỏ thìa, Giang sen, Choắt chân màng lớn; ngoài ra còn là nơi tập hợp, trú chân quan trọng của nhiều loài chim nước phổ biến di cư trong mùa đông như Choắt mỏ thẳng đuôi đen, Choắt chân đỏ và Choắt mỏ cong lớn. Công tác bảo vệ đa dạng sinh học của VQG Xuân Thuỷ còn nhiều hạn chế như: nguồn vốn đầu tư cho khu vực vẫn rất thấp, cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu trang thiết bị, việc đào tạo cán bộ hạn chế. Đặc biệt việc trồng rừng với mục đích cải tạo đất và phòng hộ bờ biển ở các bãi bồi có nguy cơ làm thay đổi cơ bản sinh cảnh tự nhiên và có thể khiến khu vực kiếm ăn của một số loài chim như Cò thìa, Mòng bể mỏ ngắn, Rẽ mỏ thìa… bị đe doạ. Hơn nữa, các đảo cát trong VQG Xuân Thuỷ có các đầm nước mặn và các đụn cát cũng đang được trồng phi lao nhập nội sẽ làm thu hẹp các sinh cảnh tự nhiên trong khu vực. Ngoài ra, việc tăng cường đắp các đầm nuôi trồng thuỷ sản, việc khai thác hải sản không bền vững ở các khu vực thuỷ triều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm nhiễu loạn các loài chim và ảnh hưởng tới công tác bảo vệ đa dạng sinh học của VQG Xuân Thuỷ. Thực trạng này nảy sinh do mật độ dân số cao ở các xã ven biển, nhất là các địa phương thuộc vùng đệm tăng cao, thiếu đất canh tác và các áp lực về đời sống kinh tế. Từ thực tế trên, để bảo vệ VQG Xuân Thuỷ phát triển bền vững, Dự án đã tập trung giải quyết 3 vấn đề bao gồm: tập trung tìm kiếm nguồn hỗ trợ và thực hiện chương trình đào tạo cho cán bộ của VQG Xuân Thuỷ; xây dựng kế hoạch quản lý hài hoà giữa các giá trị kinh tế, đa dạng sinh học và phòng hộ bờ biển của các sinh cảnh khác nhau trong khu vực, đồng thời tăng cường các hoạt động quản lý sử dụng đất bền vững về phương diện BVMT; giải quyết các vấn đề tài chính, hạn chế việc trồng rừng ngập mặn trên các bãi bồi vốn là sinh cảnh quan trọng của các loài chim đang bị đe dọa.

Cùng với việc thực hiện bảo vệ đa dạng sinh học của VQG Xuân Thuỷ, trong mọi hoạt động sản xuất, các ngành chức năng của tỉnh đều chú trọng thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả BVMT, giảm tối đa mức độ gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của các loài động, thực vật, hệ sinh thái tự nhiên. Trong Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2014 (từ 24-3 đến 24-4-2014) Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các đồn, trạm kiểm soát biên phòng và các địa phương tổ chức kiểm tra về đăng ký, đăng kiểm và các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vùng nội đồng, các cửa sông và vùng biển của tỉnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp khai thác đánh bắt mang tính hủy diệt như cố tình sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy, hải sản, sử dụng ngư lưới cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định. Kiểm tra các hoạt động nuôi trồng thủy sản bảo đảm bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần BVMT và nguồn lợi thủy sản, giám sát môi trường tại vùng nuôi ngao Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Kết quả, đã kiểm tra 35 lượt tàu cá khai thác thủy, hải sản trên biển và xử lý 6 trường hợp tàu cá vi phạm, phạt 10,5 triệu đồng, tịch thu 3 kích điện, môi trường nuôi được quản lý, giám sát chặt chẽ. Chỉ đạo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Trung tâm Giống thủy đặc sản, Trung tâm Giống hải sản, Đoàn Thanh niên, Ban quản lý Cảng cá Ninh Cơ và các đơn vị trong ngành tiến hành thả 1 triệu con cá giống nước ngọt, bao gồm các loại mè trắng, mè hoa, trắm đen, cá chép, cá rói, cá trôi xuống sông Hồng; 1 triệu con tôm, cá giống mặn, lợ xuống cửa sông Ninh Cơ. Ngay khi phát hiện nhiều tàu cá công suất từ 45-190CV sử dụng ống thổi kết hợp lưới kéo khai thác ngao, sò, ốc… tại vùng biển ven bờ xã Giao Xuân (Giao Thủy), Sở NN và PTNT đã yêu cầu Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tạm dừng việc cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu khai thác nhuyễn thể bằng phương pháp ống thổi kết hợp lưới kéo. Tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản ven bờ, đặc biệt là nghề khai thác ngao, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phòng NN và PTNT các huyện ven biển phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản ven bờ, đặc biệt là tàu cá công suất trên 20CV đã được phân cấp quản lý theo Quyết định của UBND tỉnh. Trước thực trạng thời gian gần đây, các tư thương Trung Quốc tổ chức thu mua các giống cây quý hiếm của Việt Nam ở nhiều địa phương trong tỉnh, làm thất thoát tài nguyên, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn và duy trì các nguồn gen giống cây trồng quý hiếm, ngày 7-7-2014, Sở NN và PTNT đã ban hành Công văn số 425/SNN-CTr về việc tăng cường quản lý, bảo tồn nguồn gen các giống cây trồng quý hiếm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát, thống kê danh mục cây quý hiếm trên địa bàn toàn tỉnh để quản lý. Đồng thời quan tâm chỉ đạo, thực hiện việc phối hợp, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động thu mua, vận chuyển các giống cây trồng quý hiếm của các tư thương Trung Quốc; tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện, đấu tranh ngăn chặn âm mưu hoạt động của các tư thương Trung Quốc, gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp và làm thất thoát tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo vệ đa dạng sinh học, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng, các địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học. Trong đó, chú trọng tuyên truyền để các ngành chức năng và nhân dân hiểu rõ tác động và các biện pháp phải thực hiện để bảo vệ đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; ứng dụng các giải pháp về kỹ thuật. Lồng ghép giữa hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, kinh tế - xã hội theo hướng bảo tồn và sinh thái, quy hoạch phát triển du lịch sinh thái theo hướng tôn tạo cảnh quan và bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường triển khai lập quy hoạch sử dụng, khai thác tài nguyên một cách hợp lý và khoa học; phát triển cơ chế giám sát tổng hợp tài nguyên và môi trường. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy, hải sản mang tính hủy diệt. Có chính sách đầu tư, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn, hỗ trợ lãi suất, khuyến khích ngư dân nâng công suất tàu để chuyển từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ. Thực hiện các biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt quỹ đất rừng hiện có, đặc biệt là phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển. Bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học VQG Xuân Thủy. Tiếp tục phục hồi và trồng rừng mới, phấn đấu đến năm 2020 quỹ đất rừng của tỉnh đạt 5.723ha; trong đó, rừng phòng hộ 2.592ha, rừng đặc dụng 3.121ha, tăng 1.472ha so với năm 2010. Tại Khu Dự trữ sinh quyển liên tỉnh vùng châu thổ sông Hồng và VQG Xuân Thủy tăng cường phục hồi, tái tạo quần thể đàn đối với các loài thủy sản ở các vùng nước tự nhiên. Lập các chương trình, kế hoạch phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học của Khu Dự trữ sinh quyển liên tỉnh vùng châu thổ sông Hồng. Phối hợp với các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển liên tỉnh vùng châu thổ sông Hồng theo Luật Đa dạng sinh học và các luật liên quan./.

Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com