Công tác bảo vệ thực vật góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững

05:08, 23/08/2014

Là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề, tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta gặp nhiều khó khăn. Thiên tai úng, lụt, tình trạng hạn, mặn thường xuyên xảy ra với tần suất ngày càng lớn; sự tích lũy nguồn dịch hại qua các năm và quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đã làm cho tình hình dịch hại trên cây trồng diễn biến phức tạp, có xu thế tăng dần, diện phân bố và mức độ phát sinh dịch hại không theo quy luật hằng năm, một số đối tượng dịch hại thứ yếu trước đây nay lại trở thành chủ yếu... làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. Cụ thể, dịch sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 trong vụ mùa năm 2010; bệnh lùn sọc đen năm 2009 làm mất trắng 8.093ha lúa, nhện gié xuất hiện trong vụ mùa mấy năm gần đây đã báo hiệu sự thiếu an toàn trong sản xuất nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp nói chung, lực lượng BVTV nói riêng và các địa phương đã phải rất vất vả, linh hoạt thực hiện đồng bộ các giải pháp từ công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật... trong công tác bảo vệ mùa màng để giữ vững kết quả sản lượng lương thực hằng năm vẫn đạt gần 1 triệu tấn, chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao.

Nông dân xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 bảo vệ lúa mùa.
Nông dân xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 bảo vệ lúa mùa.

Ngay khi Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15-5-2008 của liên Bộ NN và PTNT và Bộ Nội vụ được ban hành và có hiệu lực, tỉnh ta đã sớm triển khai thực hiện, nhanh chóng kiện toàn hệ thống ngành BVTV tỉnh theo hướng phân công rõ người, rõ việc gắn với trách nhiệm cụ thể, đặc biệt ở cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu công việc thực tiễn. Mạng lưới BVTV của tỉnh chính thức được hình thành và đi vào hoạt động theo hệ thống chuyên ngành từ tháng 1-2010. Được sự bồi dưỡng, huấn luyện thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ của Trạm BVTV các huyện, thành phố; sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn, bước đầu hoạt động của đội ngũ cán bộ BVTV cơ sở đã dần đi vào nề nếp. Nhân viên BVTV đã biết vận dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị và căn cứ vào điều kiện đất đai, tập quán canh tác của địa phương tham mưu giúp Ban Nông nghiệp xã, thị trấn xây dựng cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ phù hợp, góp phần tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác. Mạng lưới điều tra, giám sát đồng ruộng từ tỉnh đến cơ sở, nhất là vai trò của nhân viên kỹ thuật BVTV đã đảm bảo chất lượng công tác điều tra định kỳ và bổ sung theo quy định của ngành; sử dụng hệ thống bẫy đèn hiệu quả, làm tốt công tác dự tính, dự báo, tham mưu chính xác và tổ chức phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại trên lúa và rau màu theo nguyên tắc “4 đúng”; là cầu nối chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đến nông dân thông qua việc tuyên truyền, tập huấn, xây dựng mô hình khảo sát, thí nghiệm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh thuốc BVTV và kiểm dịch thực vật nội địa; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hội thảo, quảng cáo, sử dụng thuốc BVTV, các thủ tục kiểm dịch thực vật, khử trùng kho tàng, lưu trữ các sản phẩm thực vật, các dịch hại thuộc đối tượng kiểm dịch và dịch hại mới. Chi cục BVTV tỉnh đã tham mưu cho Sở NN và PTNT hướng dẫn các địa phương về các biện pháp thâm canh cũng như sử dụng thuốc BVTV đạt hiệu quả để khống chế các đối tượng dịch hại xuất hiện trên đồng ruộng. Hằng năm, Chi cục BVTV tỉnh đã khảo sát, đánh giá hàng trăm loại thuốc BVTV để tìm ra bộ thuốc đặc trị cho từng đối tượng dịch hại trên các loại cây trồng, góp phần giảm số lần phun thuốc, đảm bảo VSATTP, hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái. Chi cục BVTV tỉnh là đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền hiệu quả nên từ nhiều năm nay, nông dân trong tỉnh đã không còn phun trừ bọ xít, bọ trĩ, dòi đục lá… bằng nhóm thuốc Pyrethroid rất độc hại, loại bỏ các thuốc quen dùng nhưng hiệu lực kém và độc hại như: nhóm thuốc có hoạt chất Fipronil hiệu quả thấp đối với sâu đục thân 2 chấm; hạn chế nhóm thuốc có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl quá độc trừ rầy, sâu đục thân, nhóm thuốc chỉ chứa hoạt chất Isoprothiolane hiệu quả thấp đối với bệnh đạo ôn hại lúa. Tìm ra các loại thuốc mới trừ sâu cuốn lá nhỏ, đục thân, rầy, đạo ôn, khô vằn... trong điều kiện mật độ sâu quá cao, áp lực bệnh quá lớn, trong thời gian phun trừ bị mưa kéo dài nhiều ngày. Những năm qua, Chi cục BVTV đã thực hiện các dự án thí nghiệm, thực nghiệm, mô hình trình diễn, kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất, trong đó có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, góp phần bảo vệ sản xuất nâng cao thu nhập cho nông dân. Các hộ dân tham gia vào các chương trình, dự án đã từng bước tiếp thu được những kiến thức mới và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình là các hộ trồng rau tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), khi tham gia thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn đã được tham quan, xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP, các lớp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), qua các cuộc hội thảo đầu bờ… từng bước nâng cao nhận thức và sản xuất rau với năng suất ổn định, giá thành hạ, sản phẩm bảo đảm an toàn, có lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng và hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái. Mô hình quản lý rầy theo hướng hiệu quả - bền vững triển khai từ năm 2010-2013 tại Nam Mỹ (Nam Trực) và Hải Châu (Hải Hậu) đã giúp nông dân nâng cao nhận thức và năng lực thực hành kỹ thuật về canh tác lúa theo hệ thống thâm canh cải tiến, biết thu thập cơ sở dữ liệu, phân tích mức độ sâu bệnh để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời với từng giai đoạn phát triển của cây lúa; biết quản lý rầy và các bệnh do vi-rút một cách hiệu quả. Mô hình “Cộng đồng giảm thiểu nguy cơ rủi ro của thuốc BVTV” triển khai từ năm 2013 đến nay tại Ý Yên và Hải Hậu góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở, các chủ đại lý cung ứng thuốc BVTV và người nông dân sử dụng thuốc BVTV. Hằng năm, Chi cục phối hợp với các Cty sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV tổ chức 150-160 hội thảo kỹ thuật về sử dụng thuốc BVTV cấp tỉnh, huyện và cấp xã nhằm giới thiệu những loại thuốc mới và kỹ thuật sử dụng thuốc đạt hiệu quả cao. Đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn về các tiến bộ kỹ thuật như: mô hình “3 giảm, 3 tăng” triển khai tại Giao Hà (Giao Thủy), Yên Mỹ (Ý Yên); mô hình quản lý bệnh khô vằn sớm tại Nam Trực; kết hợp cùng Cty TNHH Syngenta triển khai mô hình trình diễn thuốc BVTV tại Nam Trực qua các vụ sản xuất… Thông qua các mô hình đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nông dân về sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững, từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân như: cấy dầy, to dảnh, bón quá nhiều đạm; giúp nông dân biết cách theo dõi quản lý dịch hại và có ý thức thực hành sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”…

Kết quả thực tế bước đầu từ việc đổi mới, củng cố hoạt động của hệ thống BVTV là cơ sở để ngành BVTV tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần bảo vệ sản xuất, vì sự phát triển kinh tế nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com