Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng và tổ chức kinh doanh dịch vụ thông tin di động với 657 trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS); ngoài ra còn có các tổ chức, cá nhân xây dựng 73 trạm BTS cho doanh nghiệp thuê. Các doanh nghiệp còn lắp đặt và đưa vào khai thác 897 trạm phát sóng 2G và 674 trạm 3G; trong đó có 3 doanh nghiệp (Viettel, Vinaphone và Mobifone) cung cấp dịch vụ 3G, mở rộng lưu lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ mạng di động; bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng trạm BTS, một số doanh nghiệp vẫn chưa nghiêm túc chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm định công trình viễn thông.
Trạm thu, phát sóng thông tin di dộng do VNPT Nam Định đầu tư tại Thành phố Nam Định. |
Qua đợt tổng kiểm tra, thanh tra gần đây của Sở TT và TT cho thấy: vẫn có doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ thủ tục trong việc đầu tư xây dựng đối với một số trạm BTS. Cụ thể như tại Viễn thông Nam Định, từ ngày 1-1-2013 đến nay, Viễn thông Nam Định xây dựng thêm 1 trạm BTS loại 1 ở KCN Bảo Minh, huyện Vụ Bản mà không có giấy phép xây dựng. Tháng 5-2013, đơn vị này lại di chuyển trạm BTS loại 2 từ địa điểm 146 Hùng Vương sang vị trí mới là 259 Lê Hồng Phong (TP Nam Định) nhưng cũng không có giấy phép xây dựng. Trong số 277 vị trí trạm BTS, có 267 trạm được lắp chung cả 2G và 3G, 10 trạm 2G độc lập. Về chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn: Trung tâm Dịch vụ viễn thông khu vực I (VNP1) đã có Chứng nhận hợp quy đối với thiết bị trạm gốc GSM của ALCATEL, thiết bị trạm gốc W-CDMA FDD và thiết bị quang của HUAWEI, thiết bị Viba của NEC. Đã kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định 228/277 vị trí trạm BTS, còn lại 49 trạm (trong đó có 47 trạm lắp thêm thiết bị 3G trong năm 2013 và 2 trạm xây dựng mới) chưa được kiểm định. VNP1 đã có đơn đề nghị kiểm định số 51/KTNV1 ngày 8-1-2014 và đơn đề nghị số 822/KTNV1 ngày 28-3-2014 gửi Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 1, Cục Viễn thông. Cty CP Viễn thông Hà Nội hiện có 63 vị trí trạm BTS, trong đó có 58 trạm tự xây dựng và 5 trạm thuê hạ tầng; tất cả các trạm này đều sử dụng thiết bị phát sóng 2G. Từ 1-1-2013 đến thời điểm thanh tra, Cty CP Viễn thông Hà Nội xây dựng thêm 2 trạm BTS loại 1 mà chưa có văn bản đồng ý của Sở TT và TT về vị trí lắp đặt phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020; chưa có giấy phép xây dựng. Trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về chất lượng thiết bị trạm gốc và việc kiểm định đối với các trạm BTS: vẫn còn 2 trạm của Cty chưa có Giấy chứng nhận kiểm định (trạm 140029 đã nộp đơn xin kiểm định, trạm 140016 mới hoàn thành lắp đặt thiết bị)… Tổng hợp kết quả thanh tra tại tất cả các doanh nghiệp viễn thông cho thấy: Từ ngày 7-1-2009 đến nay có 399 trạm được xây dựng, trong đó có 371 trạm BTS phải thực hiện việc xin cấp giấy phép xây dựng theo Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND ngày 7-1-2009 của UBND tỉnh. Tuy nhiên mới có 188 trạm BTS có giấy phép xây dựng (bằng 51%). Từ 1-1-2013 đến nay có 19 trạm BTS được lắp đặt mới, trong đó có 8 trạm sử dụng chung hạ tầng, 11 trạm xây mới phải xin cấp giấy phép xây dựng, mới có 7 trạm được cấp giấy phép xây dựng, còn 4 trạm chưa có giấy phép xây dựng. Còn 4 doanh nghiệp Vinaphone, Mobifone, Viettel và Cty CP Viễn thông Hà Nội chưa hoàn tất thủ tục kiểm định đối với 78 trạm BTS, bao gồm: VNP1 49 trạm; Chi nhánh Mobifone Nam Định 14 trạm; Chi nhánh Viettel Nam Định 13 trạm; Cty CP Viễn thông Hà Nội 2 trạm. Nguyên nhân là do, việc xây dựng trạm BTS tại một số vị trí không được sự đồng thuận của nhân dân địa phương; một số vị trí mặt bằng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó không hoàn tất hồ sơ xin giấy phép xây dựng; đặc biệt có trường hợp đơn vị xây dựng trạm giao cho nhiều đầu mối thi công nên dẫn đến việc các đơn vị thiếu phối hợp trong công tác xin cấp giấy phép xây dựng. Một số đơn vị thực hiện việc đo kiểm theo từng đợt; việc đề xuất kiểm định phải thực hiện qua nhiều cấp nên việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận không kịp thời.
Để tháo gỡ những bất cập trong xây dựng trạm BTS, Sở TT và TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm túc Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND ngày 7-1-2009 của UBND tỉnh. Yêu cầu Viễn thông Nam Định và Cty CP Viễn thông Hà Nội giải trình về việc xây dựng trạm BTS nhưng không báo cáo Sở Xây dựng để xem xét, cấp phép xây dựng. Khẩn trương làm việc với các đơn vị chuyên môn của Cục Viễn thông để kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định đối với 78 trạm BTS. VNP1 thực hiện việc niêm yết bản sao Giấy chứng nhận kiểm định tại tất cả các trạm BTS do đơn vị khai thác, sử dụng trên địa bàn tỉnh Nam Định và báo cáo kết quả về Sở TT và TT trước ngày 30-8-2014. Tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng hạ tầng nhà trạm, cột ăng ten; xây dựng kế hoạch, phương án PCLB chi tiết, cụ thể và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt sẵn sàng ứng phó khi có mưa bão bất ngờ xảy ra, đặc biệt là tình huống siêu bão; hạn chế tối thiểu thiệt hại về vật chất, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của đội ngũ cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thông tin di động trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước trong việc xây dựng và kiểm định trạm BTS đáp ứng các quy định về an toàn kết cấu trạm, an toàn phơi nhiễm điện từ trường, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản tại công trình và môi trường xung quanh. Phòng Bưu chính, Viễn thông (Sở TT và TT) tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong việc xây dựng và kiểm định chất lượng đối với các công trình trạm BTS cho các doanh nghiệp viễn thông. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với các doanh nghiệp; cập nhật tình hình phát triển cơ sở hạ tầng, công tác kiểm định trạm BTS của các đơn vị trên địa bàn; kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm túc đối với các trường hợp vi phạm./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý