Vấn đề cần quan tâm trong phát triển các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm

10:07, 12/07/2014

Là tỉnh nông nghiệp phát triển nên nghề chế biến lương thực, thực phẩm ở tỉnh ta cũng khá phong phú với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: bánh cuốn làng Kênh; bún Phong Lộc (TP Nam Định); các sản phẩm: bánh phở, bánh đa, miến dong, miến gạo của làng Giao Cù, xã Đồng Sơn; làng Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực); xóm 6, 7 xã Xuân Tiến (Xuân Trường); xóm 13, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng)… Trong đó có 2 làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm đã được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí làng nghề của Bộ NN và PTNT quy định là các làng nghề: chế biến lương thực, thực phẩm ở xóm 6, 7 xã Xuân Tiến và sản xuất miến dong, bánh đa gạo, miến gạo thôn Phượng, xã Nam Dương.

Làng nghề thôn Phượng, xã Nam Dương sản xuất hai mặt hàng miến dong, bánh đa (gồm 2  loại bánh đa quạt (nướng) hình tròn và bánh đa sợi). Trước đây, nguyên liệu chính để sản xuất bánh đa quạt thường là sắn, sau này mới được thay thế bằng gạo tẻ. Với những bí quyết làm miến độc đáo, được truyền qua nhiều thế hệ, với bí quyết ủ bột, tỷ lệ trộn hợp lý, nguyên liệu được lựa chọn kỹ và các công đoạn sản xuất tỉ mỉ nên sản phẩm miến, bánh đa của thôn Phượng được ưa chuộng, thị trường tiêu thụ rộng khắp cả trong tỉnh và các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh. Hiện toàn thôn có khoảng 50 hộ tham gia làng nghề, tạo việc làm cho trên 200 lao động với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Tại huyện Xuân Trường, nghề chế biến lương thực, thực phẩm phát triển mạnh ở xóm 6, 7 xã Xuân Tiến với các sản phẩm chính là bún khô, bánh đa gạo, miến dong. Theo ước tính của UBND xã, mỗi ngày, gần 100 hộ sản xuất trong làng nghề tiêu thụ từ 10-13 tấn gạo, bột dong với tỷ lệ 1 tấn gạo sản xuất được 0,85-0,9 tấn bánh đa, bún khô; 1 tấn bột dong sản xuất được 0,6-0,65 tấn miến. Do nghề chế biến lương thực, thực phẩm phụ thuộc vào thời tiết vì có công đoạn phơi nắng nên bình quân mỗi tháng chỉ sản xuất được từ 20-24 ngày. Hiện nay, cả làng nghề có 2 cơ sở sản xuất miến dong quy mô lớn thu hút từ 5-7 lao động của các ông: Mai Văn Tuyến, Nguyễn Văn Thinh ở xóm 7. Năm 2009, ông Mai Văn Tuyến đầu tư trên 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống bể ngâm, trang bị các loại máy tráng bánh, máy đảo bột, máy thái sản xuất miến dong. Ngày thường cơ sở sản xuất của ông tiêu thụ từ 500-600kg bột dong, vào dịp từ tháng 8 âm lịch đến Tết Nguyên đán, mỗi ngày phải sử dụng khoảng 1 tấn bột mới đủ hàng cung cấp cho thị trường. Ngoài 2 lao động của gia đình, cơ sở của ông Tuyến đã tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động với mức lương từ 120 nghìn đồng/người/ngày trở lên. Các sản phẩm của làng nghề ngoài một phần nhỏ tiêu thụ tại chỗ, còn lại được thương lái về tận nơi thu mua cung ứng đi các nơi. Nghề sản xuất các sản phẩm bún, bánh đa gạo của các xóm 6, 7 đã tạo việc làm, thu nhập cho trên 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 80-120 nghìn đồng/người/ngày, tổng doanh thu hằng năm khoảng 130-150 tỷ đồng. Làng nghề phát triển đã góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã Xuân Tiến, tỷ trọng sản xuất CN-TTCN 6 tháng đầu năm 2014 đã đạt 60,5%. Tại các xóm 13, 14 xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) có gần 40 hộ sản xuất các loại miến dong, miến gạo, tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 2,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, các hộ sản xuất miến của xã sản xuất được trên 500 tấn sản phẩm các loại, tổng doanh thu khoảng 20 tỷ đồng. Trong số 16 hộ sản xuất miến dong, đã có gần chục hộ đầu tư máy móc để tăng năng suất, công suất tối đa 1 tấn/ngày. Anh Trần Văn Bân, xóm 13 đã có kinh nghiệm trên 20 năm làm miến dong là người đầu tư dàn máy làm miến sớm nhất, cho biết, mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất khoảng 5-7 tạ miến dong. Ngoài 2 lao động của gia đình, anh phải thuê thêm 5-6 lao động mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Sản xuất miến dong tại cơ sở của ông Mai Văn Tuyến, xóm 7, xã Xuân Tiến (Xuân Trường).
Sản xuất miến dong tại cơ sở của ông Mai Văn Tuyến, xóm 7, xã Xuân Tiến (Xuân Trường).

Trước đây, toàn bộ các công đoạn sản xuất của nghề chế biến lương thực, thực phẩm của tỉnh được làm theo phương pháp thủ công nên năng suất hạn chế, thu nhập của người làm nghề thấp, trong khi cường độ lao động nặng nhọc nên không phát triển mạnh. Khoảng chục năm trở lại đây, phần lớn các công đoạn nặng nhọc nhất như: tráng, vắt, thái, nghiền bột, đảo bột… đã được máy móc thay thế nên năng suất lao động đã được nâng cao, chất lượng đảm bảo, sản xuất được khối lượng hàng hóa lớn. Thu nhập của người làm nghề cũng được cải thiện và nâng cao đáng kể.

Nghề chế biến lương thực, thực phẩm phát triển mạnh ở nhiều địa phương không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản (gạo) mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng xây dựng NTM. Tuy nhiên, nghề chế biến lương thực, thực phẩm của các địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Hiện tại, hầu hết các hộ sản xuất tại các làng nghề đều nằm trong khu dân cư, sản xuất ngay tại gia đình nên khi quy mô sản xuất tăng lên cũng gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí, tiếng ồn… ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cả người trực tiếp sản xuất và cộng đồng. Bên cạnh đó, về nguyên liệu bột dong các hộ sản xuất phải nhập từ các tỉnh miền núi phía Bắc (như Sơn La, Yên Bái…). Tuy vậy, nguồn dong lại có mùa (từ tháng 8 âm lịch đến Tết Nguyên đán) nên để có đủ nguyên liệu sản xuất quanh năm, nhiều hộ sản xuất miến dong đã phải dự trữ hàng chục, thậm chí vài chục tấn bột dong. Với thời tiết nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều của miền Bắc phương pháp bảo quản thủ công nên không thể tránh khỏi tình trạng nguyên liệu bị hư hỏng, kém chất lượng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, hiện nay, hầu hết sản phẩm của các làng nghề đều do tư thương về tận cơ sở, hộ sản xuất để thu mua. Do phương thức bán hàng đơn giản, phụ thuộc vào người mua nên người sản xuất vẫn bị ép giá, tính ra mỗi kg bánh đa, người làm nghề chỉ có lãi từ 1.200-1.500 đồng; miến dong thì khoảng 3.000 đồng/kg. Nguyên nhân của tình trạng này là bản thân người sản xuất chưa ý thức đầy đủ về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, chỉ quan tâm đầu tư phát triển quy mô sản xuất. Hộ anh Đinh Văn Vĩnh, làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm xóm 7, xã Xuân Tiến mỗi ngày sử dụng khoảng 150kg gạo nguyên liệu để sản xuất ra khoảng 135-140kg bánh đa, bún khô. Sản phẩm được đóng gói thành từng bó trọng lượng 1kg, không hề có bao bì, nhãn mác bán thô cho thương lái. Hầu hết các sản phẩm miến dong, bánh đa ở các làng nghề trong tỉnh hiện nay đều đang được tiêu thụ ở dạng này. Phương thức bán hàng thủ công gây thiệt thòi cho chính người sản xuất, với người tiêu dùng thì băn khoăn về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Đó là những vấn đề cần được các ngành chức năng và người sản xuất quan tâm trong quá trình duy trì và phát triển nghề. Khuyến khích người dân đầu tư mở rộng sản xuất ngành nghề truyền thống, cụ thể là chế biến lương thực, thực phẩm phải đi đôi với hỗ trợ, định hướng cho người sản xuất có ý thức xây dựng thương hiệu sản phẩm, quan tâm đến vấn đề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế; thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh mặt hàng này./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com