Thực hiện Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 9-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh ta đã tranh thủ nguồn vốn Trung ương đẩy nhanh tiến độ xây dựng 3 khu neo đậu tàu thuyền kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá, bao gồm: tại cửa sông Ninh Cơ thuộc các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) với quy mô neo đậu 600 chiếc tàu, thuyền công suất 600CV/chiếc; tại cảng cá Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) với quy mô neo đậu 500 chiếc/tàu, thuyền công suất 400CV/chiếc và tại bến cá Hà Lạn, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) với quy mô neo đậu 1.000 chiếc tàu thuyền công suất 200CV/chiếc. Hai khu neo đậu tại cửa sông Ninh Cơ và cảng cá Ninh Cơ đã hoàn thành.
Đúc cấu kiện bê tông lát mái kè phục vụ thi công khu neo đậu tàu thuyền cửa Hà Lạn (Giao Thủy). |
Khu neo đậu tàu thuyền cửa Hà Lạn có nhiều lợi thế với cửa sông rộng có nhiều luồng lạch, cồn, bãi và gần các ngư trường khai thác thủy, hải sản truyền thống nên thuận lợi cho tàu thuyền di chuyển vào tránh trú khi có bão, áp thấp nhiệt đới khẩn cấp. Hằng năm, khu vực cửa Hà Lạn thường xuyên tiếp nhận hàng nghìn lượt tàu thuyền của các xã Giao Phong, Hải Lộc, Hải Lý hoạt động khai thác trên biển vào sử dụng các dịch vụ hậu cần nghề cá; tạo việc làm cho gần 1.000 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động thời vụ cung cấp các dịch vụ kinh doanh xăng dầu, vật tư ngư lưới cụ, vận chuyển, sửa chữa tàu thuyền… kinh doanh dịch vụ vận tải. Tại đây có 5 cơ sở sửa chữa, đóng mới các loại tàu cá của huyện Giao Thủy với năng lực đóng mới từ 30-50 tàu/năm. Cùng với 2 khu neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Ninh Cơ và cửa sông Ninh Cơ khu neo đậu tàu thuyền cửa Hà Lạn được xây dựng sẽ hình thành một hệ thống hạ tầng cầu cảng liên hoàn, cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản và bảo đảm an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển. Dự án khu neo đậu tàu thuyền cửa Hà Lạn có tổng mức đầu tư 249 tỷ 600 triệu đồng với diện tích 25ha, bao gồm các hạng mục công trình như khu neo đậu, phao neo, nhà neo, phao báo hiệu, cột đèn và hệ thống thiết bị thông tin liên lạc, cứu sinh, báo bão, xuồng cao tốc. Trong đó, khu neo đậu gồm 4 vũng neo đậu tàu thuyền, được bố trí liên tục, đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú bão cho 1.000 tàu cá loại có công suất từ 45-200CV/chiếc. Cùng với khu neo đậu, tại đây còn xây dựng khu bến cá Hà Lạn đủ khả năng đáp ứng cho 100 lượt tàu/ngày với công suất 300CV/chiếc và lượng thủy sản qua bến là 7.000 tấn/năm. Tổng khối lượng nạo vét khu vực âu neo đậu tàu thuyền kết hợp bến cá và tuyến, luồng sông Sò (đoạn cửa Hà Lạn) là 305.812m3 đáp ứng cho tàu cá đến 300CV/chiếc vào neo đậu tránh trú bão. Hệ thống hạ tầng của khu neo đậu tàu thuyền kết hợp với bến cá Hà Lạn được quy hoạch đồng bộ, bao gồm xây dựng mới 120 trụ neo tàu độc lập, đắp mới đoạn đê sông Sò phía nam khu neo đậu, kè 2.402m vũng úng của khu neo đậu (619,5m kè tạo âu; 1.160m kè bờ phía tỉnh lộ 486B và khu vực kho muối; 622m kè bảo vệ tuyến đường chính vào khu neo đậu); xây dựng 2 bến cập tàu dài 180m, 1 cột báo hiệu khu neo đậu cao 180m, 26 bộ phao báo hiệu luồng tàu vào khu neo đậu và các hạ tầng kỹ thuật khác như nhà bảo vệ, khu nhà quản lý điều hành, thông tin liên lạc, cứu sinh, báo bão... Hiện nay đơn vị thi công xây dựng khu neo đậu tàu thuyền cửa Hà Lạn là Cty CP Xây dựng Giao Thủy đang tích cực triển khai san lấp đường vào bến cá Hà Lạn, đúc cấu kiện bê tông. Theo kỹ sư Đinh Văn Sửu, phụ trách kỹ thuật công trình cho biết: Cty đã huy động 50 công nhân, 2 máy xúc công suất 120CV cùng hơn 200m3 đá, 100m3 cát để đẩy nhanh tiến độ đúc cấu kiện bê tông lát mái kè. Bình quân mỗi ngày, Cty đúc được hơn 1.000 cấu kiện bê tông và đế khay tiêu chuẩn. Dự kiến cuối tháng 7-2014, Cty sẽ tiến hành thi công lát mái kè tạo âu và triển khai lát mái kè bờ phía tỉnh
lộ 486B.
Để bảo đảm tiến độ thi công xây dựng dự án, thời gian tới, Sở NN và PTNT bảo đảm bố trí đủ kinh phí và đúng lộ trình cho dự án. Đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các âu neo đậu tàu thuyền, nạo vét và xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ khu neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn lao động và hệ thống đê, kè trọng yếu trong mùa mưa bão năm nay. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách cho thuê mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng… tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất và dịch vụ hậu cần tại bến cá Hà Lạn. Việc đầu tư xây dựng nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp với bến cá sẽ góp phần tạo thuận lợi cho ngư dân trong tỉnh và vùng lân cận chuyên tâm bám biển khai thác thủy hải sản và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lụt bão của tỉnh. Đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần thúc đẩy ngành nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Đức Toàn