Thực hiện Quyết định số 350/QĐ-UBND ngày 19-3-2013 của UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thăm dò, khảo sát địa chất về trữ lượng khai thác và khoanh định số điểm mỏ được phép khai thác cát sông giai đoạn 2011-2020. Theo đó có 13 điểm mỏ được phép khai thác ở cả 4 tuyến sông lớn của tỉnh gồm sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy với tổng trữ lượng là 10.774.203m3 cát. Trong đó, tuyến sông Hồng có 8 điểm mỏ gồm: Bãi Búng, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc); Bãi Gùi 1 và 2, xã Nam Thắng (Nam Trực); Mom Rô 1, xã Trực Chính (Trực Ninh); Mom Rô 2, xã Xuân Hồng; Sa Cao, xã Xuân Châu; Xuân Tân 1 và 2, xã Xuân Tân (Xuân Trường), với trữ lượng quy hoạch khai thác 6.647.230m3 cát. Tuyến sông Đào có 1 điểm mỏ là mỏ Yên Phúc (Ý Yên) với trữ lượng quy hoạch khai thác gần 130 nghìn m3 cát. Tuyến sông Đáy có 1 điểm mỏ là mỏ Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng), có trữ lượng quy hoạch khai thác hơn 334 nghìn m3 cát. Tuyến sông Ninh Cơ có 2 điểm mỏ gồm: mỏ Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); mỏ Nghĩa Thắng từ địa phận xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) đến cửa Lạch Giang thuộc xã Nghĩa Thắng và Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) với trữ lượng quy hoạch khai thác hơn 1 triệu 833 nghìn m3 cát. Điểm mỏ Giao Thiện (Giao Thủy) được bổ sung trong năm 2013 với diện tích 500.600m2, trữ lượng khai thác là 1.842.873m3 nhưng chỉ được sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản tại vùng bãi triều huyện Giao Thủy. Trong đó, giai đoạn 2013-2015 tổ chức khai thác tại khu vực diện tích S1 (từ dốc 29 xuống hạ nguồn 1.325m) với trữ lượng khai thác là: 1.107.957m3; giai đoạn 2016-2020, tập trung khai thác tại khu vực diện tích S2 (từ điểm cách dốc 29 khoảng 1.100m xuống cửa sông Vọp) với trữ lượng khai thác là 734.916m3. Đến nay, toàn bộ quy hoạch về khai thác cát sông địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 đều đã được các địa phương nghiêm túc thực hiện và tổ chức công khai quy hoạch; cắm phao tiêu khoanh định khu vực được phép khai thác cát sông, phao tiêu và biển báo khu vực cấm khai thác, hạn chế khai thác cát sông, bàn giao các khu vực được cắm phao tiêu, biển báo cho chính quyền địa phương nơi có điểm mỏ quản lý; các đơn vị tổ chức khai thác thực hiện cắm biển báo, có sơ đồ khu vực khai thác; gắn biển đề tên Cty trên phương tiện khai thác; đăng ký số lượng, số hiệu, chủng loại thiết bị khai thác với cơ quan chức năng và các địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có các doanh nghiệp, cơ sở khai thác đất sét sản xuất vật liệu xây dựng với khối lượng trung bình khoảng 2 triệu m3/năm. Việc khai thác này thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
Khai thác cát sông tại điểm mỏ Mom Rô 1, xã Trực Chính (Trực Ninh). |
Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản, các đơn vị chức năng của tỉnh đã thường xuyên kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Sở TN và MT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra 144 tổ chức, cá nhân khai thác cát sông, đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói. Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 310 triệu đồng. Đồng thời, thực hiện chặt chẽ việc cấp phép cho các hoạt động khai thác khoáng sản. Tính đến tháng 5-2014, Sở đã tiếp nhận, thẩm định và cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản cho 31 đơn vị (20 giấy phép khai thác cát sông và 11 giấy phép khai thác đất sét). Đồng chí Đoàn Minh Vụ, Trưởng Phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản - Khí tượng thuỷ văn (Sở TN và MT) cho biết: “Hiện, Sở TN và MT đang tích cực phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh triển khai rà soát, điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên làm cơ sở tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản và tính giá sàn để thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Phấn đấu trong thời gian sớm nhất có thể, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai điều chỉnh giá, tính thuế tài nguyên đúng, đủ theo quy định của pháp luật”. Cùng với siết chặt quản lý về hoạt động thăm dò, khai thác sử dụng cát sông, Sở TN và MT phối hợp với Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, rà soát, cấp phép đối với các đơn vị khai thác đất sét làm gạch của 13 đơn vị, cá nhân khai thác đất sét làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và các xã khai thác đất sét làm gạch thủ công ở xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) và xã Trực Hùng (Trực Ninh). Đồng thời, yêu cầu 3 doanh nghiệp là Cty TNHH Sông Giang, Cty CP Vật liệu xây dựng Châu Thành, Cty CP Đồng Bằng sớm làm thủ tục xin gia hạn giấy phép khai thác đất sét.
Thời gian tới, Sở TN và MT cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh tích cực phối hợp với các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng xây dựng Quy chế phối hợp trong việc quản lý khai thác cát trên các tuyến sông liên tỉnh nhằm kiểm soát chặt chẽ và giảm tình trạng khai thác cát trái phép. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm phổ biến rộng rãi Luật Khoáng sản đến từng đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia khai thác khoáng sản nhằm đưa hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh vào nề nếp./.
Bài và ảnh: Đức Toàn