Theo Quyết định số 2453/2000/QĐ-BGTVT ngày 24-8-2000 của Bộ GTVT quy định Quy phạm thi công và nghiệm thu cầu và cống thì khi xây dựng các công trình cầu, cống phải thực hiện các giải pháp thiết kế, bảo vệ môi trường (BVMT) sinh thái theo quy định. Trong đó, trước khi bàn giao trả lại mặt bằng công trường để đưa công trình vào khai thác nhà thầu phải tiến hành tháo dỡ các nhà tạm, lán trại và các công trình phụ trợ, thu dọn sạch vật liệu xây dựng và các cấu kiện còn thừa, sửa sang lại mặt bằng, thu dọn thanh thải lòng sông dưới cầu và khơi thông các lỗ thoát nước trong cống. Công tác thanh thải lòng sông là công tác bắt buộc đối với nhà thầu thi công đều được cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều công trường thi công cầu, đơn vị thi công đều thiếu trách nhiệm, làm qua loa, đối phó công tác thanh thải lòng sông khi hoàn trả mặt bằng, bàn giao công trình.
Đơn vị thi công cầu Ốc (QL 21, địa phận TP Nam Định) sẽ phải hoàn tất thanh thải lòng sông, BVMT khu vực cầu tạm trước khi bàn giao cho chủ đầu tư, đưa vào sử dụng. |
Lãnh đạo Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà cho biết, trên nhiều tuyến sông do Cty quản lý, thời gian gần đây các đơn vị thi công cầu giao thông đường bộ để tồn đọng phế liệu xây dựng sau thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều phối, lưu thông dòng chảy; nhiều đoạn gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến an toàn công trình PCLB của tỉnh. Năm 2012, sau khi hoàn thành công trình cải tạo cầu Bất Di trên Quốc lộ 38B (Tỉnh lộ 482 cũ) (Vụ Bản), nhà thầu thi công là Cty CP TASCO đã không nghiêm túc thực hiện thanh thải lòng sông gây tắc nghẽn, thu hẹp dòng chảy của sông Ngói, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc chỉnh trị, điều phối nước tưới, tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong lưu vực sông. Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà đã phải đầu tư 350 triệu đồng tiến hành nạo vét lòng sông, lưu thông dòng chảy. Mới đây, Cty cũng phải đầu tư 300 triệu đồng nạo vét lòng sông tại gầm cầu Chuối, trên Quốc lộ 10 thuộc địa phận xã Liên Bảo (Vụ Bản). Hiện nay, trên các tuyến sông, kênh mương do Cty quản lý vẫn còn tồn tại khá nhiều điểm cầu tạm phục vụ việc tu sửa, xây mới các cây cầu cũ mà đơn vị thi công đã không thực hiện việc thanh thải lòng sông triệt để khi hoàn thành cầu chính, phá bỏ cầu tạm, phế thải xây dựng hoặc các mố, cọc không được nạo vét nhổ bỏ ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng chảy, tạo vật cản cho bèo rác bám, tồn đọng gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đồng chí Nguyễn Hữu Mịch, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, mặc dù Sở GTVT đã tăng cường chỉ đạo giám sát, đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công phải hoàn tất phần việc thanh thải lòng sông mới tiến hành nghiệm thu, đưa các công trình đầu tư, xây dựng, nâng cấp cầu cống vào sử dụng, nhưng vì nhiều lý do, tình trạng này vẫn diễn ra.
Để giải quyết tình trạng trên, thời gian qua, Sở GTVT đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp tăng cường quản lý trách nhiệm thực hiện các cam kết của nhà thầu trước, trong và sau khi thi công xây dựng, trong đó có cam kết hoàn trả mặt bằng, thanh thải chướng ngại vật lòng sông. Trong đó, ở những công trình do Sở GTVT làm chủ đầu tư, Sở đặc biệt tăng cường đôn đốc, giám sát và quản lý, bảo đảm các nhà thầu thi công phải nghiêm túc thực hiện tốt công tác thanh thải lòng sông theo đúng quy định. Sở GTVT cũng tăng cường hướng dẫn các huyện yêu cầu các chủ đầu tư nâng cao hiệu quả giám sát việc chấp hành quy định cam kết về bảo đảm trật tự ATGT, hoàn trả mặt bằng sau thi công… theo đúng Quy phạm của Bộ GTVT. Nếu các đơn vị thi công cố tình chây ỳ, không chấp hành nghiêm túc các quy định, Sở GTVT sẽ lập biên bản; giao cho đơn vị khác nhận thầu phần việc thanh thải lòng sông, toàn bộ hóa đơn chuyển cho chủ đầu tư để có căn cứ khấu trừ chi phí hạng mục thanh thải lòng sông vào hợp đồng thanh toán thi công công trình.
Thời gian tới, để tránh tình trạng đơn vị thi công cầu trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm, gây thiệt hại kinh tế, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất và PCLB, ngành GTVT sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp: khẩn trương xây dựng hệ thống thiết bị, nhân lực quan trắc đồng bộ để kiểm tra, giám sát định kỳ việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xây dựng quy trình phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại ngay tại nguồn trong thi công, vận hành dự án để kiểm soát việc xử lý đạt hiệu quả. Nhóm giải pháp về quản lý, sẽ áp dụng chặt chẽ quy chế kiểm tra, giám sát các ban quản lý, nhà thầu thi công trong việc áp dụng và thực hiện các biện pháp giảm thiểu trong thi công; tăng cường cung cấp, hỗ trợ kiến thức và nhận thức về kỹ thuật môi trường và công tác BVMT cho đội ngũ cán bộ giám sát, nghiệm thu công trình cũng như cán bộ, công nhân tham gia xây dựng công trình./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý