Nam Trực đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

07:07, 17/07/2014

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Nam Trực có những chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất lúa, cây màu theo hướng hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Để đạt được kết quả trên, huyện Nam Trực đã tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Vụ lúa xuân vừa qua về huyện Nam Trực, chúng tôi được chứng kiến không khí thu hoạch lúa xuân bằng máy gặt đập liên hợp diễn ra trên hầu khắp các cánh đồng. Nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh, anh Vũ Văn Đãng ở thôn Nguyễn, xã Nam Cường đã mạnh dạn đầu tư gần 600 triệu đồng để mua chiếc máy gặt đập liên hợp Kubota DC-70. Anh Đãng cho biết: Ngay sau khi đưa về địa phương, chiếc máy này đã phát huy hiệu quả tích cực. Từ khi anh đưa máy ra đồng gặt lúa, bà con trong và ngoài xã đến gọi thuê gặt mà không đáp ứng kịp, có hôm đến quá nửa đêm mà người và máy vẫn ở cánh đồng. Ưu điểm của chiếc máy gặt đập liên hợp này là tỷ lệ rơi vãi thấp, gặt và tuốt rất sạch nên bà con ai cũng thích. Nếu chạy hết công suất, một ngày có thể gặt được 15 mẫu, nhanh gấp đôi so với máy gặt đập do Trung Quốc sản xuất. Nhận thấy cơ hội phát triển dịch vụ, anh Đãng mạnh dạn đầu tư 240 triệu đồng để mua thêm chiếc máy làm đất cỡ trung Kubota L-3408VN để khép kín dịch vụ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch…

Nông dân xã Đồng Sơn thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.
Nông dân xã Đồng Sơn thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Hằng năm, huyện Nam Trực gieo cấy 17.500ha lúa và gieo trồng 3.000ha cây màu. Theo thống kê của Phòng NN và PTNT huyện hiện toàn huyện có 60 chiếc máy gặt đập liên hợp và 480 chiếc máy làm đất. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, trong đó máy làm đất to, máy làm đất cỡ trung làm khoảng 70% diện tích, nâng tỷ lệ diện tích được cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch lên 60%. Sau dồn điền, đổi thửa, quy mô ruộng đất của nông dân tại các địa phương trong huyện đã được tăng lên, nhiều hộ chỉ còn 1-3 thửa, một số thửa có diện tích lớn. Trong quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa, các địa phương đã huy động nhân dân góp đất, góp của nâng cấp, cải tạo, đào đắp, xây mới hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng... theo hướng đồng bộ, phục vụ sản xuất. Tính đến hết năm 2013, toàn huyện đã xây đắp được 322km đường giao thông nội đồng, cứng hóa 31,5km; kiên cố gần 20km kênh cấp III… tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh cơ giới hoá đồng bộ và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Nhiều xã thực hiện tốt việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như: Đồng Sơn, Nam Mỹ, Tân Thịnh, Nam Tiến… HTXDVNN Nam Đồng, xã Đồng Sơn, có 383ha đất cấy lúa. Đồng chí Nguyễn Văn Cách, chủ nhiệm HTX cho biết: Hiện nay, diện tích làm đất bằng cơ giới hóa của HTX đạt 100%, gặt máy đạt 95%, gieo sạ trên 50%. Theo tính toán của bà con nông dân, việc cơ giới hóa đồng bộ giúp bà con không chỉ tăng 5-10% năng suất mà còn giảm chi phí đầu vào từ 3,4-4 triệu đồng/ha/vụ, do đó lợi nhuận thu về cao hơn so với phương thức sản xuất truyền thống từ 5-6 triệu đồng/ha/vụ. Để thuận lợi cho việc đưa máy móc vào đồng ruộng, huyện Nam Trực đã làm tốt khâu lựa chọn xây dựng cơ cấu giống, điều hành chặt chẽ lịch thời vụ bảo đảm độ đồng đều, quy hoạch vùng sản xuất và xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Trong vụ xuân năm nay, huyện đã xây dựng 31 cánh đồng mẫu lớn thực hiện “3 cùng”: cùng giống, cùng trà, cùng phương thức canh tác để tạo điều kiện thực hiện cơ giới hóa. Trong công tác thủy lợi, huyện luôn chỉ đạo chặt chẽ công tác điều tiết nước, tuân thủ lịch đưa nước vào ruộng, rút nước, phơi ruộng triệt để tạo thuận lợi cho việc đưa máy vào thu hoạch lúa, làm đất. Cùng với các chính sách hỗ trợ việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện cũng có những cơ chế, chính sách riêng để động viên, khuyến khích nông dân. Phát huy hiệu quả từ mô hình thử nghiệm gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp ở vụ xuân năm 2011, huyện đã hỗ trợ trực tiếp cho nông dân 425 công cụ sạ hàng rộng, hàng hẹp với mức hỗ trợ bằng 50% giá trị công cụ. Đến nay, toàn huyện có 525 công cụ sạ hàng rộng, hàng hẹp. Hầu hết các diện tích chủ động được nước trên địa bàn huyện đều thực hiện gieo sạ. Trong các khâu chăm sóc lúa, nhiều hộ nông dân trong huyện đã đầu tư máy cắt cỏ bờ, bình thuốc phun thuốc sâu động cơ và máy bơm nước đầu bờ nhằm tăng hiệu quả lao động, tăng năng suất cây trồng... góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Có thể nói, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở Nam Trực đã thay thế được lao động thủ công, hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV, nâng cao năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch… nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Có máy làm đất, công cụ sạ hàng và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp phục vụ tận nơi nên việc nhà nông đỡ vất vả hơn. Không chỉ giải phóng đáng kể sức lao động cho người nông dân mà còn đáp ứng yêu cầu khẩn trương của thời vụ, góp phần tích cực để thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm tổn thất sau thu hoạch. Cơ giới hóa khâu làm đất sẽ nâng cao chất lượng làm đất, tạo tầng đế cày sâu hơn, tăng khả năng giữ nước, giữ phân bón của đất, xử lý tàn dư sâu bệnh, cỏ dại, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Sử dụng công cụ sạ hàng rộng, hàng hẹp chủ động được thời gian gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, bảo đảm mật độ hợp lý, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe tập trung, số dảnh hữu hiệu cao, tăng khả năng quang hợp cho cây lúa, giảm sâu bệnh và lượng thuốc BVTV, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Sử dụng máy gặt đập liên hợp giảm căng thẳng về thời vụ, thu hoạch nhanh chóng, tạo quỹ đất cho sản xuất cây vụ đông, không để diện tích đất trống. Do vậy Nam Trực luôn là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh về diện tích cũng như sản lượng sản xuất cây vụ đông.

Tuy nhiên, việc đồng bộ hóa cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của huyện Nam Trực vẫn còn gặp nhiều khó khăn do giá các loại máy nông nghiệp hiện nay còn cao so với thu nhập của người nông dân. Trình độ của người nông dân trong tiếp cận, ứng dụng thiết bị, công nghệ không đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất. Do đó, cần có HTX, tổ dịch vụ hoặc doanh nghiệp tổ chức thực hiện các dịch vụ làm đất, gieo cấy, thu hoạch bằng máy cho nông dân để bảo đảm hiệu quả của cơ giới hóa. Để tháo gỡ vấn đề này, tỉnh cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chính sách thúc đẩy ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất, mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Các HTX cần đổi mới, nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Các địa phương quan tâm mở các lớp tập huấn về bảo trì, sử dụng các loại máy nông nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả và giảm tỷ lệ hư hao sản phẩm sau thu hoạch./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com