Mỹ Hà phát triển kinh tế trang trại, gia trại

08:07, 22/07/2014

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác tối đa tiềm năng tự nhiên, nhân lực, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã và nhân dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đã tích cực xây dựng, phát triển thành công các mô hình kinh tế trang trại, gia trại đem lại thu nhập cao cho nhân dân.

Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của anh Trần Văn Quyên, xóm 1, xã Mỹ Hà.
Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của anh Trần Văn Quyên, xóm 1, xã Mỹ Hà.

Để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại, xã Mỹ Hà triển khai hiệu quả việc cho thuê đất ưu đãi ở các vùng chuyển đổi; hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHKT trong chăn nuôi và nuôi thủy sản. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Công Vụ, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hà cho biết: Đảng ủy, UBND xã đã quy hoạch và chuyển đổi trên 30ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp. Sau dồn điền, đổi thửa, xã đã đầu tư trên 700 triệu đồng làm mới 1km đường bê tông có bề mặt rộng 2,5-3m từ Đồng Vu ra Cầu Đất nhằm đáp ứng yêu cầu đi lại của phương tiện cơ giới vận chuyển vật tư, hàng hóa của các trang trại, gia trại thuận tiện. Tại khu vực này, các hộ tham gia đã đầu tư xây dựng các trang trại, gia trại tổng hợp nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Trang trại của anh Trần Văn Quyên, xóm 1 là một trong những trang trại có quy mô lớn nhất của vùng chuyển đổi với diện tích 1,4ha. Anh Quyên cho biết: Ngay sau khi có mặt bằng tổng thể, anh đã đầu tư đào ao, đắp bờ, xây dựng chuồng trại. Với 5 ao có tổng diện tích mặt nước 1ha, anh nuôi các giống cá truyền thống như: trắm, trôi, chép, mè… Mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường trên 8 tấn cá thương phẩm, doanh thu đạt 800-900 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại của anh còn thường xuyên nuôi 30 con lợn nái kết hợp trồng cây cảnh và một số loại cây ăn quả… Ước tính, mỗi năm từ mô hình chuyển đổi, gia đình anh có thu nhập 200-300 triệu đồng. Không chỉ riêng anh Quyên, nhiều gia đình tại vùng chuyển đổi có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng như hộ các ông: Trần Công Phúc, Trần Văn Minh, Trần Công Lộc… Hiệu quả thực tế của các mô hình chuyển đổi đã làm thay đổi nếp nghĩ của nông dân địa phương, tạo động lực, cổ vũ các hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại, gia trại phù hợp với năng lực tài chính và trình độ kỹ thuật, lực lượng lao động của gia đình. Đến nay, trên địa bàn toàn xã có 120 trang trại, gia trại; trong đó 12 trang trại đạt tiêu chí do Bộ NN và PTNT quy định. Tổng đàn lợn của xã ước đạt gần 4.000 con; tổng đàn gà, vịt là 25.800 con. Tổng diện tích nuôi thủy sản của xã được mở rộng lên 58ha, chủ yếu là nuôi cá truyền thống, sản lượng cá ước đạt 275 tấn/năm. Để phát triển chăn nuôi hợp lý, xã đã hướng các hộ gia đình từng bước ứng dụng công nghệ, quy trình chăn nuôi sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Khuyến khích các hộ gia đình thực hiện liên kết trong chăn nuôi, từ việc trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đến việc liên kết tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh. Trong quá trình nuôi, các hộ đều thực hiện đầy đủ các quy trình, nguyên tắc kỹ thuật. Thực hiện nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của ngành chức năng. Vì vậy, đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm của xã luôn được đảm bảo an toàn, không bị nhiễm dịch bệnh nghiêm trọng. Trong phát triển nuôi thủy sản, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình nuôi ở quy mô lớn, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, thân thiện với môi trường, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, đảm bảo VSATTP, tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng thương hiệu thủy sản cho cả vùng chuyển đổi. Đến nay, Mỹ Hà đã trở thành vùng cung cấp thủy sản cho thị trường nhiều thành phố lớn. Nhờ tập trung phát triển kinh tế trang trại, gia trại nhiều hộ gia đình trong xã đã thoát nghèo, có hộ thu nhập tiền tỷ, lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm. Kinh tế trang trại, gia trại từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, khẳng định sự đúng đắn, kịp thời của chủ trương khuyến khích, đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất của địa phương. Trong tháng 5-2014, xã đã thành lập CLB trang trại, gia trại xã Mỹ Hà, nhằm tập hợp hội viên nông dân là chủ các trang trại, gia trại và các hội viên nông dân khác cùng tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản… phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Để khai thác tiềm năng đất đai hiệu quả hơn nữa và phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của người nông dân trong thời kỳ đổi mới, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Hà sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ nông dân tích cực phát triển kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng tập trung, khép kín với phương thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp; phát triển đa dạng các đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập cho người nông dân nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM ở địa phương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com