Mô hình sản xuất lúa tái sinh vụ hè thu ở Ý Yên

08:07, 29/07/2014

Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Ý Yên đã xây dựng mô hình sản xuất lúa tái sinh (lúa chét) vụ hè thu năm 2014. Mô hình đã bước đầu khẳng định nhiều ưu điểm, mở ra hướng phát triển sản xuất mới cho bà con nông dân trong huyện.

Sản xuất lúa tái sinh vụ hè thu năm 2014 tại xã Yên Cường.
Sản xuất lúa tái sinh vụ hè thu năm 2014 tại xã Yên Cường.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình sản xuất lúa tái sinh của xã, đồng chí Nguyễn Văn Thuần, Chủ nhiệm HTXDVNN Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) phấn khởi cho biết: Phòng NN và PTNT huyện Ý Yên đã phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) xây dựng mô hình sản xuất lúa tái sinh tại HTX với quy mô hơn 2ha do Hội Phụ nữ xã thực hiện. Sản xuất lúa tái sinh là phương pháp tận dụng “mầm ngủ” còn sống trên gốc rạ sau khi thu hoạch lúa vụ trước, gặp điều kiện thích hợp về nước, nhiệt độ, ánh sáng và chất dinh dưỡng, các mầm đó phát triển thành nhánh tái sinh cũng trổ bông, chín, cho thu hoạch thêm một vụ nữa. Ngay từ vụ xuân, Phòng NN và PTNT huyện đã chọn giống BT7 là giống lúa ngắn ngày, chất lượng gạo ngon, có khả năng tái sinh mạnh và có giá trị kinh tế cao. Khi lúa vụ xuân chín khoảng 85-90%, người trồng đã tiến hành thu hoạch thủ công, cắt lúa để gốc rạ cao 20-30cm tạo thuận lợi cho các chồi mới tái sinh mạnh hơn. Về chăm sóc dinh dưỡng cho lúa chét bón phân 2 lần, lần đầu trước khi thu hoạch 1 ngày để nuôi mầm theo tỷ lệ 4kg urê + 1,5kg ka-li và lần 2 sau khi gặt lúa 15 ngày với 3kg urê + 2kg ka-li. Do thời gian sinh trưởng và lá của lúa tái sinh ngắn và dày nên mức độ nhiễm bệnh khô vằn, bạc lá thấp, vì vậy chỉ phải phun 2 lần thuốc trừ sâu đục thân khi lúa chuẩn bị trỗ và sau khi trỗ xong. Đặc biệt phải duy trì mực nước trong ruộng 3cm từ trước khi gặt lúa xuân và trong suốt chu kỳ sinh trưởng của lúa tái sinh. Trong quá trình sản xuất, Phòng NN và PTNT huyện thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa tái sinh để hướng dẫn biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Do đó lúa tái sinh phát triển nhanh, mỗi gốc rạ chính cho từ 4-7 bông lúa và chỉ sau thu hoạch lúa xuân từ 45-50 ngày bà con nông dân đã được gặt lúa tái sinh. Dự kiến năng suất lúa tái sinh đạt 100 kg/sào. Như vậy, nếu so với cơ cấu mùa vụ truyền thống để sản xuất vụ mùa thì phải sau 4 tháng nữa người nông dân mới được thu hoạch, và phải đầu tư rất lớn từ công làm đất, mua giống, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu… Đặc biệt sức ép về thời vụ khá căng thẳng cho việc làm vụ đông trên đất 2 lúa, nhất là với những nơi trồng các cây vụ đông đòi hỏi khắt khe về thời vụ như dưa chuột bao tử, ngô. Do vậy mặc dù năng suất lúa chét không cao nhưng hiệu quả kinh tế còn cao hơn cả lúa chính vụ (lúa mùa) bởi người sản xuất giảm được nhiều chi phí từ làm đất, giống lúa, cấy, gặt, chăm bón, thuốc trừ sâu; mức đầu tư chỉ khoảng 100-120 nghìn đồng/sào để mua phân bón và thuốc trừ sâu. Đặc biệt, mô hình tạo quỹ thời gian và quỹ đất để nông dân mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa, đây là điều đặc biệt có ý nghĩa với các địa phương có truyền thống sản xuất cây màu vụ đông như Yên Cường. Cũng trong vụ hè thu năm 2014, Trạm Khuyến nông huyện Ý Yên đã xây dựng mô hình sản xuất lúa tái sinh tại chân ruộng trũng của xã Yên Thành. Anh Hoàng Trung Thông tham gia thực hiện mô hình cho biết: Trước đây, anh đã đi tham quan mô hình sản xuất lúa tái sinh ở Thái Bình và rất tâm đắc với mô hình này. Khi biết Trạm Khuyến nông huyện có chủ chương xây dựng mô hình lúa tái sinh, anh đã xung phong thực hiện mô hình với quy mô 2ha. Theo đó, anh đã sử dụng 4 giống lúa: Việt Hương Chiếm, Khang Dân 18, Nếp 97 và Nhị ưu 838 để xây dựng mô hình với quy mô 2ha. Sau khi thu hoạch lúa xuân, anh cắt lúa để lại gốc rạ còn 20cm và tiến hành chăm bón, phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn. Khi lúa tái sinh bắt đầu đứng cái, làm đòng anh mở cửa cống thả cá từ ao vào ruộng lúa ăn bèo hoa dâu, bèo tấm và ăn lá ở chân lúa chét. Do thực hiện chăm bón, phòng trừ sâu bệnh đúng theo đúng quy trình kỹ thuật nên giàn lúa của anh phát triển và sinh trưởng rất tốt, năng suất bình quân ước đạt 1,2-1,3 tạ/sào. Thu hoạch lúa chét xong, anh tiếp tục bón phân để mầm gốc tiếp tục tái sinh, vẫn cho thu hoạch và có thể tận dụng thóc lúa rơi vãi, lá lúa làm thức ăn cho cá. Hiệu quả của mô hình này so với mô hình cá luồn lúa trước đây là có thể tận thu lúa, không phải mất nhiều công chăm sóc, nếu trừ chi phí thì cho lãi cao hơn hẳn.

Mô hình sản xuất lúa tái sinh vụ hè thu ở Ý Yên bước đầu hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao. Ưu điểm lớn nhất của mô hình là thời gian thu hoạch ngắn hơn từ 1-2 tháng so với sản xuất vụ lúa mùa, tạo quỹ đất và thời gian để sản xuất rau màu vụ đông đối với chân ruộng 2 vụ lúa có khả năng sản xuất vụ đông hay mô hình tổng hợp lúa - cá. Qua mô hình lúa tái sinh vụ hè thu năm nay, huyện Ý Yên bước đầu rút ra một số kinh nghiệm để có thể tăng năng suất khi sản xuất lúa chét. Đó là vụ xuân cần đảm bảo mật độ cấy từ 35-38 khóm/m2 đối với lúa lai, 40-42 khóm/m2 đối với lúa thuần; gốc rạ phải khỏe có nhiều mầm sống. Tạo cho lúa xuân có bộ rễ khỏe bằng cách tiến hành rút nước lộ ruộng triệt để khi lúa đã đẻ đủ số nhánh hữu hiệu. Lúa xuân cần được chăm sóc, bón phân cân đối để hạn chế bệnh khô vằn, đạo ôn, rầy nâu gây hại và lúa không bị đổ, gãy. Ngoài ra cần phải quy hoạch gọn vùng sản xuất lúa chét bảo đảm thuận lợi cho việc điều tiết nước và công tác bảo vệ sản xuất. Trong những năm tới, huyện Ý Yên sẽ từng bước nhân rộng mô hình sản xuất lúa tái sinh tại các vùng có nhu cầu sản xuất cây vụ đông, nhất là những giống cây trồng đòi hỏi khắt khe về thời vụ và tại các vùng ruộng trũng để phát triển mô hình cá luồn lúa, nhằm luân canh tăng vụ, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com