Mang nghề về cho phụ nữ nghèo

04:07, 19/07/2014

Đến cơ sở thêu ren xuất khẩu của chị Lê Thị Khanh ở xã Yên Phú (Ý Yên), chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc hăng say miệt mài của các chị em trong xưởng đang chuẩn bị cho đợt giao hàng mới. Khởi nghiệp từ năm 1983, hiện cơ sở của chị Khanh đang tạo việc làm cho nhiều phụ nữ trong và ngoài xã với mức thu nhập bình quân từ 1,8 đến 2,7 triệu đồng/người/tháng.

Chị Lê Thị Khanh sinh ra và lớn lên ở xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Năm 1971, sau khi tốt nghiệp THPT, chị được xã cử đi học một lớp thêu ren. Sau khóa học 6 tháng, chị đã nắm chắc tất cả kỹ thuật thêu khó, rút chỉ, làm nhị... và trở thành một người thợ lành nghề. Năm 1978, chị lấy chồng về xã Yên Phú. Trước đây, cuộc sống của hai vợ chồng chị khá chật vật, ngoài làm ruộng, hai vợ chồng chị còn làm nhiều nghề khác để có thêm thu nhập cho gia đình. Sau khi sinh hai cậu con trai, cuộc sống của gia đình lại càng khó khăn hơn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị quyết định quay lại với nghề thêu để kiếm thêm thu nhập lại có thời gian chăm sóc con cái, gia đình. Nghĩ là làm, năm 1983, chị sang Ninh Bình nhận hàng về thêu và thành lập cơ sở thêu ren, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho chị em trong gia đình. Ban đầu, xưởng chỉ có 6 lao động. Nghề thêu ren là nghề phù hợp với khá nhiều lao động nữ ở nông thôn do chị em có thể tận dụng thời gian nông nhàn để làm, vừa làm vừa chăm sóc gia đình, con cái. Do đó, chị em phụ nữ đến xin học nghề ngày càng nhiều. Chị Khanh vẫn nhớ, ngày đó, học viên các xã xa thường mang theo gạo đến nhờ chị nấu cơm trưa để tranh thủ học nghề. Cứ thế, những lứa học trò nối tiếp ra nghề, lại xin chị được ở lại làm việc. Được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho vay 5 triệu đồng, chị đầu tư mua sắm dụng cụ, trang bị cho cơ sở sản xuất. Ngày đó, chị nhận hàng từ Xí nghiệp Thêu ren xuất khẩu Ninh Bình về cho chị em làm. Những năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm nên khâu quản lý, kiểm hàng chưa kỹ, sản phẩm thu về bị lỗi nhiều.

Chị Lê Thị Khanh hướng dẫn kỹ thuật thêu mẫu hàng mới cho người lao động.
Chị Lê Thị Khanh hướng dẫn kỹ thuật thêu mẫu hàng mới cho người lao động.

Ngay cả việc tính toán trả lương chưa khoa học nên nhiều lúc bị lỗ. Đặc biệt, năm 2010, kinh tế suy thoái, đầu ra sản phẩm bị thu hẹp. Cơ sở sản xuất của gia đình chị cũng lâm vào cảnh lao đao. Không nản lòng, chị bàn với chồng quyết tâm tìm cách khắc phục. Chị xác định, giải quyết được vấn đề về kỹ thuật và giảm thiểu các “khâu trung gian” là yếu tố quan trọng giúp cơ sở tiếp tục phát triển. Vì vậy, chị tiến hành phân loại thợ theo tay nghề để phân việc thêu hàng kỹ, hàng thường. Thêu hàng kỹ đòi hỏi tay nghề cao còn thêu hàng thường, ngày công lao động thấp. Vì vậy, những người gắn bó với nghề đều quyết tâm tự rèn luyện, học hỏi nâng cao tay nghề để thêu hàng kỹ. Đến nay, cơ sở thêu ren của chị chỉ nhận hàng kỹ để nâng cao thu nhập cho người lao động. “Với những mẫu hàng mới, khó, vợ chồng tôi phải trực tiếp lên tận Hà Nội để học kỹ thuật do chuyên gia giảng dạy. Sau khi thành thạo và đạt yêu cầu, tôi đem những gì học hỏi được truyền đạt lại cho người lao động” - chị Khanh chia sẻ. Để dễ quản lý và hạn chế hàng lỗi, với mỗi đầu mối, chị thường phát cho một mẫu hàng nhất định. Đặc biệt, khâu kiểm tra được vợ chồng chị làm rất kỹ. Nhờ đó, hàng lỗi bị trả về ngày càng ít. Bên cạnh đó, qua các mối làm ăn, chị Khanh đã “móc nối” với các cơ sở sản xuất tại Nam Định, Hà Nam, Hà Nội. Nhờ kỹ thuật cao, sản phẩm thêu của cơ sở ngày càng khẳng định được uy tín và nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn. Đặc biệt, cách đây vài năm, sản phẩm từ cơ sở đã lọt vào “mắt xanh” của một doanh nghiệp của Đức. Lần theo “manh mối” của Cty xuất khẩu trên Hà Nội, chủ doanh nghiệp này đã về tận xưởng sản xuất của gia đình thẩm định nguồn thợ, chất lượng sản phẩm... từ đó trực tiếp đặt hàng. Kể từ đó, sản phẩm thêu ren của cơ sở được “lên đường” xuất khẩu sang các nước Pháp, Đức, Nhật, Mỹ, Ấn Độ với các sản phẩm tương đối đa dạng, mẫu mã đẹp.

Lấy chữ “tín” làm đầu, sản phẩm thêu từ xưởng sản xuất của chị ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện, mỗi tháng, cơ sở xuất xưởng được khoảng 1 nghìn sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho 50 lao động. Bình quân, mỗi lao động có thu nhập từ 1,8 đến gần 3 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Mến, thôn 8, Nhất Ninh B đã có trên 15 năm làm việc tại cơ sở thêu ren cho biết: Được cơ sở tạo điều kiện cho mang hàng về nhà làm, tôi vừa có thời gian chăm sóc con cái vừa có thêm thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/tháng. Số tiền ấy dù không nhiều nhưng đã phần nào giảm bớt gánh nặng chi tiêu trong gia đình.

Không chỉ say mê phát triển, mở rộng ngành nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, chị Lê Thị Khanh còn là một cán bộ Hội Phụ nữ năng nổ, nhiệt tình và đầy trách nhiệm. Với những kinh nghiệm thực tế, chị thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chị em trong phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com