Tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều, công trình thủy lợi để làm nhà, lều quán, lán, bãi tập kết vật liệu xây dựng… ở tỉnh ta đang diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đe doạ nghiêm trọng đến sự an toàn của các tuyến đê; gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến công tác PCLB của các địa phương.
Trục vớt bèo, khơi thông dòng chảy trên kênh Cải Cách, xã Giao Hải (Giao Thuỷ). |
Theo thống kê của Sở NN và PTNT, từ năm 2007 đến tháng 5-2014, toàn tỉnh phát sinh thêm 800 vụ vi phạm Luật Đê điều. Các địa phương đã giải tỏa được 100 vụ, còn tồn đọng 780 vụ. Các huyện có số lượng vi phạm nhiều nhất là Ý Yên 197 vụ, Trực Ninh 126 vụ, Giao Thủy 109 vụ, Nam Trực 94 vụ. Tính đến tháng 4-2014, toàn tỉnh còn tồn đọng 2.213 vụ vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Hầu hết các vi phạm công trình đê điều, công trình thủy lợi tập trung ở những nơi có tuyến đê và kênh mương đi qua khu vực đông dân cư. Do kinh phí đầu tư còn khó khăn nên phần lớn các tuyến đê mới được nâng cấp đảm bảo mặt cắt theo thiết kế, chưa làm được các tuyến đường hành lang chân đê để giảm thiểu các vi phạm. Hình thức vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà cửa, công trình trong hành lang bảo vệ đê và ở bãi sông, chiếm dụng mái đê trồng cây; bạt xẻ thân đê làm lối đi; trồng cây, dựng lều quán trên mặt đê, mái đê; đổ rác, phế thải, vật liệu xây dựng trên mái đê, bãi sông; đào ao, đầm nuôi thủy sản trong phạm vi bảo vệ đê. Khai thác đất, cát ở lòng sông, bãi biển gần đê không đúng quy định; sử dụng xe quá tải đi trên đê; neo đậu tàu thuyền vào mái kè làm bong bật mái kè, phá vỡ mái kè. Thậm chí một số địa phương, chính quyền cơ sở cho thuê khoán bãi sông trong phạm vi bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, có xã cho thuê đất vào cả mái đê làm nơi chứa vật liệu, khai thác đất làm gạch, đắp bờ làm cản trở dòng chảy… Các vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi chủ yếu làm nhà ở, lều quán, tập kết vật liệu xây dựng, làm bến bãi bốc dỡ hàng hóa trong hành lang bảo vệ công trình. Dựng lều, vó bè, bãi ngâm tre, luồng, đổ phế thải, rơm rạ, trồng rau, thả bèo… làm cản trở việc tiêu thoát nước của công trình; neo đậu tàu, thuyền ở khu vực cửa cống không đúng quy trình… Mặc dù UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm công trình đê điều, công trình thủy lợi trước mùa mưa bão, song tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phức tạp, số vụ tồn đọng còn nhiều, vẫn còn phát sinh vi phạm mới và tái vi phạm. Cá biệt còn có địa phương vì lợi ích cục bộ đã giao đất, cho thuê đất xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất, kinh doanh, bãi chứa vật liệu xây dựng… trong phạm vi bảo vệ đê và công trình thủy lợi gây khó khăn cho việc xử lý. Nguyên nhân do chính quyền một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý đê điều; buông lỏng quản lý hoặc né tránh trách nhiệm của tập thể, cá nhân có thẩm quyền, đặc biệt là cán bộ chuyên trách và người đứng đầu trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Lực lượng quản lý đê chuyên trách những năm gần đây được trẻ hóa nhưng trình độ, kinh nghiệm còn hạn chế, chưa tập trung vào công tác quản lý và phối hợp với chính quyền địa phương trong việc kiên quyết xử lý vi phạm. Hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân còn thấp. Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của huyện, chính quyền cơ sở với các Cty TNHH một thành viên KTCTTL, Hạt Quản lý đê chưa chặt chẽ, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý chưa kịp thời và triệt để. Một số xã bố trí công chức kiêm nhiệm về đê điều, thủy lợi nhưng hoạt động chưa hết trách nhiệm, thiếu hiệu quả và còn mang tính hình thức. Khi phát hiện hành vi vi phạm, Hạt Quản lý đê, cán bộ thủy nông tiến hành lập biên bản vi phạm, ra quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm, báo cáo chính quyền xã, huyện song việc xử lý không kịp thời, không cương quyết và triệt để. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân không cao, chưa nhận thức đúng quy định pháp luật về bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi nên đã tận dụng diện tích đất chân đê, bờ đê để canh tác; việc đổ phế thải, ngâm tre, nứa, thả đăng đó… trong phạm vi bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi còn diễn ra phổ biến.
Trước tình hình trên, ngày 25-6-2014, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh năm 2014. Đồng thời tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố với thành phần tham gia từ lãnh đạo UBND và các cơ quan liên quan của huyện, xã, các đơn vị KTCTTL để triển khai các biện pháp tăng cường xử lý vi phạm công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, Huyện ủy, UBND huyện Nam Trực đã hoàn thành đánh giá, thống kê toàn bộ các vi phạm đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn. Tất cả các vi phạm đều được lập biên bản, đang tiến hành xử lý. Từ năm 2012, huyện đã tổ chức giải tỏa toàn bộ vi phạm ở tuyến đê tả sông Đào thuộc địa phận các xã Đồng Sơn, Nam Dương và tiến hành cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê, đến nay tại tuyến đê này không còn xảy ra vi phạm. Năm 2014, 9 xã ven sông đã tổ chức giải tỏa các vi phạm trên đê. Đối với các công trình thủy lợi, huyện đã giải tỏa toàn bộ vi phạm tại kênh An Lá, khu vực cầu Vòi. Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh tổ chức giải tỏa đăng, đó, bèo mảng, bãi tập kết vật liệu xây dựng… đảm bảo lưu thông dòng chảy. Hiện, huyện đang tăng cường tuyên truyền, kiểm tra theo dõi không để phát sinh vi phạm mới; đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức giải tỏa các vụ vi phạm còn tồn đọng. Huyện Ý Yên còn tồn đọng 197 vụ vi phạm đê điều và 237 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác xử lý, giải tỏa vi phạm công trình đê điều, thủy lợi của huyện và các xã, thị trấn. Trong thời gian qua, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với Tổ công tác của huyện tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê, phân loại các vi phạm đối với từng công trình, lập biên bản các vi phạm mới và biên bản làm việc giữa đoàn công tác với tập thể, cá nhân vi phạm. Theo kế hoạch từ ngày 26 đến 31-7-2014, UBND các xã, thị trấn ra thông báo kết quả kiểm tra cho các tổ chức, cá nhân vi phạm công trình đê điều, PCLB và công trình thủy lợi. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ, tự giải tỏa công trình vi phạm, khắc phục hậu quả và khôi phục hiện trạng trong vòng 7 ngày sau khi nhận được thông báo kết quả kiểm tra. Sau ngày 7-8-2014, nếu các tổ chức, cá nhân không tự giác giải tỏa thì UBND các xã, thị trấn tổ chức xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, PCLB. Từ ngày 16-8 đến 30-11-2014, các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát lại các công trình chưa tự giải tỏa và lập kế hoạch, phương án, tổ chức cưỡng chế, giải tỏa đối với các trường hợp cố tình chây ỳ… nhằm đảm bảo an toàn đê điều và công trình thủy lợi. Xã Yên Quang có 4,6km đê tả Đáy. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, UBND xã giao cho trưởng thôn kết hợp với công an viên thường trực hằng ngày kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm trên địa bàn các thôn. Khi có vi phạm, lực lượng tuần tra báo cáo UBND xã. UBND xã sẽ nhắc nhở, tuyên truyền, vận động đối tượng vi phạm nhận thức rõ hành vi sai phạm và tự giải tỏa các công trình vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Chính vì vậy, trên địa bàn xã Yên Quang không xảy ra trường hợp vi phạm nào. Đến nay, UBND các huyện, thành phố đã hoàn thành việc rà soát, lập kế hoạch giải tỏa vi phạm pháp luật đê điều và công trình thủy lợi; tổ chức hội nghị kiểm điểm công tác quản lý, xử lý vi phạm về đê điều và công trình thủy lợi, đang triển khai thực hiện kế hoạch xử lý. Đồng thời các địa phương tổ chức giải tỏa các vật cản (đăng, đó, vó, bè…) tại các kênh mương. Tính đến ngày 9-7-2014, các địa phương đã giải tỏa được 5 nhà ở, 2 lều quán, 38 đăng, đó, 7.947m2 bè mảng các loại, 4 vị trí xả nước thải sinh hoạt, 100m2 bãi đổ rác thải vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và vớt 4.506.145m2 bèo rác. Hiện các huyện, thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về bảo vệ công trình đê điều, công trình thủy lợi và PCLB. Tổ chức phát quang mái đê và công trình thủy lợi, xử lý việc dựng rào chắn, đào mái đê, hành lang công trình thủy lợi để trồng cây, hoa màu…
Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi và PCLB, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở trong việc phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, góp phần bảo đảm an toàn các tuyến đê, các công trình thủy lợi./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh