Khó khăn trong cấp phép xây dựng ở địa bàn nông thôn

09:07, 21/07/2014

Cấp giấy phép xây dựng (GPXD) là một trong những biện pháp để cơ quan chức năng quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn phù hợp với quy hoạch, bảo đảm an toàn công trình và trật tự xây dựng… Hoạt động này được quy định trong Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, việc chấp hành quy định về cấp phép xây dựng chủ yếu ở các công trình đầu tư lớn, bằng vốn Nhà nước và ở đô thị, còn đối với xây dựng dân dụng, nhất là ở tuyến huyện, xã vẫn bị buông lỏng, chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến tình trạng nhiều công trình nhà ở nông thôn không phù hợp với quy hoạch, thậm chí còn vi phạm hành lang bảo vệ các tuyến giao thông, lưới điện, đê điều, lấn chiếm đất công, khiến các địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý.

Một ngôi nhà xây dựng không phép, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều tại xóm Liên Minh, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).
Một ngôi nhà xây dựng không phép, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều tại xóm Liên Minh, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã cấp 286 GPXD. Trong đó, Sở Xây dựng cấp 13 GPXD, Thành phố Nam Định cấp 183 GPXD, các huyện cấp 89 GPXD và một số công trình được miễn phép xây dựng. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay số công trình xây dựng không có phép là 428 trường hợp, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nhà ở nông thôn. Trong đó, Thành phố Nam Định có 47 công trình, huyện Trực Ninh có tới 329 công trình, Hải Hậu có 52 công trình… Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do quy định về thủ tục cấp GPXD và thực tiễn quản lý xây dựng ở cơ sở còn nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp và khó áp dụng trên thực tế ở các địa phương. Hiện nay, các đô thị tuyến huyện ở tỉnh ta chưa lập được thiết kế đô thị, chưa có quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc nên không có cơ sở để xem xét cấp GPXD, dẫn đến việc người đi xin phép xây dựng và cơ quan quản lý phải thỏa thuận về quy hoạch, kiến trúc đối với từng công trình, nhà ở. Đồng chí Trần Văn Dương, Trưởng Phòng Công thương huyện Nghĩa Hưng cho biết: Theo quy định tại Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp phép xây dựng, việc cấp phép xây nhà ở tại thị trấn phải phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị quy định rõ từng lô đất, chiều cao công trình. Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, Nghị định 64 cũng quy định rõ phải phù hợp với quy hoạch điểm dân cư nông thôn trong quy hoạch xây dựng xã NTM. Thế nhưng trên địa bàn tỉnh ta, hiện nay ngoại trừ Thành phố Nam Định còn các địa phương khác đều chưa hoàn thiện quy hoạch chi tiết các đô thị tỷ lệ 1/500. Hầu hết các xã, thị trấn mới chỉ hoàn thiện quy hoạch các trục đường chính, các điểm dân cư NTM; tại các khu vực khác còn thiếu các quy hoạch này dẫn đến việc triển khai cấp phép xây dựng nhà ở nông thôn chưa được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý hoạt động xây dựng, nể nang, thiếu cương quyết đối với các trường hợp vi phạm Luật Xây dựng. Những hạn chế về quản lý hoạt động xây dựng tại cấp huyện, xã như: thủ tục hành chính rườm rà, thời gian làm thủ tục lâu; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm… cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động cấp GPXD theo quy định. Cùng với đó, địa bàn nông thôn rộng lớn, tốc độ gia tăng dân số nhanh, đồng thời kiến trúc xây dựng nhà ở nông thôn đơn giản, thời gian xây dựng ngắn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu chặt chẽ, khó kiểm soát trật tự xây dựng của các địa phương. Lực lượng cán bộ chuyên trách về xây dựng ở cấp huyện, xã còn yếu về năng lực, chuyên môn và chủ yếu là kiêm nhiệm. Ý thức chấp hành pháp luật xây dựng của người dân tại các địa phương chưa cao, nhiều hộ chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xin cấp phép xây dựng nhà ở và thường viện dẫn lý do xây nhà trên đất của cha ông để lại, không tranh chấp nên không xin phép khi tiến hành xây cất. Tại huyện Mỹ Lộc, qua kiểm tra vi phạm công trình đê điều, công trình thủy lợi, đoàn kiểm tra đã phát hiện 57 vụ vi phạm, trong đó có 19 nhà cấp 4, 4 nhà mái bằng xây dựng trái phép. Đồng chí Trần Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) cho biết: “Việc cấp phép xây dựng theo Nghị định 64/2012/NĐ-CP trên địa bàn xã đã được triển khai từ năm 2013. Đến nay, xã mới chỉ thực hiện cấp phép xây dựng cho các hộ dân ven trục đường chính và điểm quy hoạch NTM, còn tại nhiều điểm dân cư tập trung ở trong các thôn xóm chưa thực hiện được”. Đơn cử như trường hợp gia đình chị Trần Thị Kiều ở xóm Liên Minh, ngôi nhà 2 gian rộng 40m2 của gia đình chị xây dựng trên mảnh đất được tách ra từ thửa đất của bố mẹ liền kề, từ đầu năm 2014, có kết cấu loại công trình cấp 4, mái phi-brô xi măng hoàn thành vào tháng 5-2014 hoàn toàn không xin phép trước khi xây. Do vậy, chỉ đến khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, gia đình chị mới biết công trình đã vi phạm hành lang bảo vệ đê hữu sông Hồng. Một hậu quả nữa từ việc xây dựng không phép là nhiều nhà cao tầng ở nông thôn vừa xây vừa thiết kế, chắp vá “bắt chước” nhiều mẫu nhà không tính toán kỹ các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình thi công và sử dụng công trình, gây mất mỹ quan đô thị, phá vỡ kiến trúc tổng thể và không gian nông thôn. Việc buông lỏng cấp phép xây dựng còn khiến ngân sách Nhà nước thất thu thuế xây dựng nhà ở. Ngoài ra, các công trình xây dựng không phù hợp quy hoạch không được phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu (thông qua hoạt động cấp phép xây dựng) còn gây khó khăn cho các hoạt động khác như quá trình giải phóng mặt bằng để đầu tư phát triển các công trình công cộng, vừa tốn kém ngân sách Nhà nước, vừa thiệt hại cho chính người dân khi phải phá bỏ nhiều ngôi nhà xây vi phạm quy hoạch.

Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, đơn giản hoá các thủ tục yêu cầu trong hồ sơ cấp phép, rút ngắn thời gian chờ đợi, bảo đảm minh bạch công tác xét duyệt, thẩm định công trình, thiết kế; thống nhất quy định việc xây dựng nhà ở trên địa bàn nông thôn để tạo thuận lợi cho cả cơ quan chức năng và người dân trong thực hiện quy định về cấp phép xây dựng. Tăng cường phối hợp với Phòng Công thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, kiên quyết không để những công trình xây dựng không phép tồn tại. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong hoạt động xây dựng, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com