Khó khăn nguồn vốn ảnh hưởng tiến độ dự án Khu di tích lịch sử - văn hóa Trần

08:07, 28/07/2014

Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa Trần tỉnh Nam Định đến năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/2005/QĐ-TTg có tổng diện tích tự nhiên là 1.984ha, với 2 phân khu chức năng gồm vùng bảo tồn đặc biệt và vùng bảo tồn riêng biệt. Trong đó, vùng bảo tồn đặc biệt có diện tích khoảng 669ha, gồm các di tích lịch sử như: Đền Trần, chùa Phổ Minh, đền Hậu Bồi, đền Lộc Quý, đền Bảo Lộc, phế tích đền Trần Thừa, đền Đệ Tứ, đền Đệ Nhất, đền Đệ Nhị, đền Đệ Tam và một số di tích liên quan khác như chùa Côi Sơn, đền Khổng Tử, đình Liễu Nha, đền Văn Hưng, đình và làng Tức Mặc, chùa Đàm Thanh. Ngoài ra, còn có một số công trình tạo cảnh quan bảo vệ khu di tích và các công trình phục vụ lễ hội như xây dựng công viên văn hóa Trần, quảng trường Đông A, vườn hoa Tao Đàn, nạo vét đoạn sông Vĩnh Giang, phục hồi mô phỏng ao Bến và hồ Bến Đình, vườn Danh nhân… Đối với vùng bảo tồn riêng biệt (có diện tích 1.315ha) gồm các di tích lịch sử: đền Lan Hoa, đình Phương Bông, chùa Mai Hương, chùa Hóp, chùa La, chùa Cả, tượng đài Trần Hưng Đạo, chùa Vọng Cung, cột cờ Nam Định, hồ Truyền Thống… với định hướng tập trung mở rộng khuôn viên của từng di tích để làm hành lang bảo vệ; trùng tu tôn tạo các di tích, đồng thời xây dựng mới các tuyến đường giao thông đến các di tích trong vùng và kết nối với các tuyến giao thông trong vùng bảo tồn đặc biệt. Để thực hiện quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt các nhóm dự án cụ thể bao gồm: Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo quần thể di tích lịch sử văn hoá Trần tại Nam Định; Nhóm dự án xây dựng cảnh quan bảo vệ khu di tích và các công trình phục vụ lễ hội; Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xây dựng mới các tuyến đường giao thông, bãi đỗ xe, nạo vét sông. Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: 2006-2010; 2011-2015.

Đường C8 giai đoạn II Dự án xây dựng Khu di tích lịch sử - văn hóa Trần được hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch.
Đường C8 giai đoạn II Dự án xây dựng Khu di tích lịch sử - văn hóa Trần được hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch.

Giai đoạn 1 của dự án, trong số 13 điểm di tích lịch sử -  văn hóa Trần cần tu bổ, tôn tạo, đã có 8 di tích gồm: đền Vạn Khoảnh, đền Lựu Phố, đình Kênh, đình Đệ Nhất, đình Tây Đệ Nhị, đền Hậu Bồi, đình Đông Đệ Tam, đình Liễu Nha hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, đưa vào sử dụng. Ba điểm di tích đình Tây Đệ Tam, đình Đệ Tứ, đình và phủ Phương Bông hiện đang thi công, dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao trong quý IV-2014. Hai điểm di tích đền Lộc Quý, đình và phủ Văn Hưng chưa được tu bổ, tôn tạo do chưa có vốn. Đình Đông Đệ Tam thuộc xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) có tổng diện tích 4.430m2, tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng, được khởi công tu sửa, nâng cấp từ năm 2010 và hoàn thành vào tháng 4-2014. Cùng với việc hoàn thiện công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng cũng được tập trung thi công xây dựng. Theo kế hoạch giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành bãi đỗ xe số 1 (3,4ha), bãi đỗ xe số 2 (2,8ha), đường C5 (340m), kè mái, nạo vét sông Vĩnh Giang (900m).

Giai đoạn 2, dự án tiếp tục thực hiện tu bổ, tôn tạo 5 di tích: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, chùa Phổ Minh, đền Bảo Lộc, đình miếu Cao Đài đang được Cục Di sản văn hoá (Bộ VH, TT và DL) thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán. Về phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật đã cơ bản hoàn thành tuyến đường N2-1 (800m) trên địa bàn phường Lộc Vượng, đường C8 từ cầu Sắt đến đường Trần Thừa (1.350m), đường C8 giai đoạn 2 nối từ đường Trần Thừa đến đường N5 (1.900m) và đường N5 (2.500m). Tuyến đường C8 từ cầu Sắt đến đường Trần Thừa đã xây dựng hoàn thiện các hạng mục nền, thảm nhựa mặt đường, vỉa hè, cây xanh, kè đá bên phải tuyến với chiều dài 1.900m, mặt đường rộng 7,5m, vỉa hè 2 bên rộng 4m, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch và hoạt động tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Tuyến đường N5 cũng được mở rộng, nâng cấp thảm bê tông nhựa hạt trung với bề mặt đường rộng 3,5m. Ông Nguyễn Đình Thùy ở chợ Viềng, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) cho biết: “Từ khi dự án khởi công, người dân ở đây đã tích cực hiến đất làm đường, vìa hè, cải tạo khuôn viên nhà cửa tạo nên bộ mặt đường phố khang trang. Con đường mới được hoàn thành không chỉ giúp người dân đi lại dễ dàng, tham gia sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của khu di tích, mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương và người dân phát triển”. Để phù hợp với thực tiễn, UBND tỉnh đã quyết định cho phép bổ sung cải tạo, nâng cấp nút giao cầu Sắt, tuyến đường qua đền Lựu Phố, cầu phía đông đền Bảo Lộc. Đến nay, nút giao cầu Sắt đã thi công xong, chuẩn bị thảm bê tông nhựa đường qua đền Lựu Phố, đang đúc cấu kiện thi công cầu phía đông đền Bảo Lộc. Dự án xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ với tổng mức đầu tư 110,858 tỷ đồng tại phường Lộc Vượng đã hoàn thành và được bàn giao cho UBND Thành phố Nam Định lập phương án phân chia đất dịch vụ cho các hộ dân thuộc diện ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo đồng chí Vũ Khắc Đông, Phó trưởng Ban Quản lý dự án (BQLDA) xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh cho biết: “Nhìn chung tiến độ xây dựng dự án vẫn còn chậm so với kế hoạch. Một số công trình chính của dự án như: Khu Trung tâm lễ hội, khảo cổ khu vực vườn ươm phía đông đền Cố Trạch, tu bổ đền Thiên Trường chưa được thực hiện. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn và khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB)”. Theo Quyết định số 1403/QĐ-TTg ngày 5-10-2007 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho dự án như sau: Giai đoạn 2008-2010 là 300 tỷ đồng; giai đoạn 2011-2014, mỗi năm tối thiểu 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn Trung ương và địa phương mới bố trí cho dự án được 470 tỷ đồng (đạt 52,2% tổng nguồn vốn). Do dự án thuộc 2 địa bàn Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc nên công tác GPMB gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, cơ chế, chính sách liên quan lại thường xuyên thay đổi đã khiến công tác lập phương án đền bù liên tục phải điều chỉnh, có những dự án thành phần chưa lập xong phương án hoặc phương án lập xong mới thông qua các hộ dân chưa kịp triển khai thực hiện thì cơ chế, chính sách lại thay đổi nên lại phải điều chỉnh. Riêng đối với gói thầu san lấp mặt bằng khu trung tâm lễ hội, do một bộ phận người dân địa phương chưa thông suốt ra ngăn cản không cho nhà thầu thi công, BQLDA đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền cho người dân hiểu, xây dựng phương án bảo vệ nhà thầu thi công, đồng thời điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu.

Như vậy bên cạnh một số khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai dự án như: phát sinh yêu cầu khảo cổ di tích; chính sách về đất đai thay đổi… thì khó khăn lớn nhất làm chậm tiến độ thực hiện dự án hiện nay là thiếu vốn. Để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng dự án Khu di tích lịch sử - văn hóa Trần, BQLDA đề nghị các bộ, ngành Trung ương bố trí đủ nguồn vốn theo kế hoạch. BQLDA tỉnh sẽ tích cực phối hợp với Thành phố Nam Định, huyện Mỹ Lộc và các ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận ủng hộ thi công các công trình thuộc dự án, đặc biệt là việc thi công công trình san lấp Khu trung tâm lễ hội. Đề nghị UBND tỉnh gia hạn tiến độ thực hiện các dự án nói chung đến năm 2020 và riêng gói thầu san lấp Khu trung tâm lễ hội đến năm 2015 do khó khăn về vốn và công tác GPMB. Tập trung đốc thúc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình đảm bảo tiến độ cũng như giữ gìn được các giá trị lịch sử - văn hóa của từng công trình trong khu di tích./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com