Thực hiện chủ trương phát triển ngành nghề sản xuất CN-TTCN để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, Đảng ủy, UBND xã Hải Hưng (Hải Hậu) đã có nghị quyết chuyên đề và đề án về phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện đất đai, lao động và tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, các ngành để phát triển ngành nghề nông thôn. Trên cơ sở đề án đã được thống nhất từ trong tập thể cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương phổ biến, quán triệt đến cả hệ thống chính trị và rộng rãi đến người dân, UBND xã đã rà soát tình hình lực lượng lao động, nhu cầu học nghề và khả năng phát triển nghề của từng thôn, xóm. Xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, các doanh nghiệp lớn đang đầu tư sản xuất trên địa bàn lân cận như Cty CP May Sông Hồng (CCN Hải Phương), Cty May Đạt Thành (xã Hải Thanh) hằng năm tổ chức từ 3-5 lớp dạy nghề cho hàng trăm lượt lao động chuẩn bị sẵn nguồn lao động có tay nghề để đón các nhà đầu tư.
Cơ sở thêu tranh nghệ thuật của chị Trần Thị Đào, xóm 8, xã Hải Hưng. |
Trong năm 2013, toàn xã đã có 258 lao động được đào tạo ngắn hạn các nghề: may công nghiệp, mây tre đan, mộc, thêu ren… Xã đã ưu tiên quy hoạch để tạo quỹ đất cho sản xuất CN-TTCN, đẩy mạnh hỗ trợ thủ tục thuộc thẩm quyền địa phương nhằm khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài xã đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN; tích cực vận động, tìm kiếm, đưa nghề mới về địa phương. Xã đã đứng ra tín chấp với các Ngân hàng NN và PTNT, CSXH, Quỹ tín dụng nhân dân để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp vay vốn đầu tư phát triển với tổng nguồn vốn là 53,5 tỷ đồng. Nhờ đó, ngoài nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ mây, tre thu hút gần 500 lao động tham gia, xã đã hình thành và phát triển thêm các nghề: mộc gia dụng, cơ khí, xây dựng dân dụng… Toàn xã hiện có 12 cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng với thu nhập bình quân từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều cơ sở có mức đầu tư lớn cho thiết bị máy móc, hiệu quả kinh tế khá. Với kinh nghiệm trên 20 năm sản xuất sản phẩm mộc gia dụng, đến nay cơ sở sản xuất của ông Lương Thanh Tâm hiện trang bị đầy đủ máy xẻ gỗ đường kính tối đa 1m, loại máy vanh, cắt mộng và 6 loại máy cầm tay… tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động. Mỗi tháng cơ sở sản xuất của ông tiêu thụ từ 15-20m3 gỗ nguyên liệu; doanh thu hằng năm tới 35-40 tỷ đồng. Ngoài nghề mộc, nghề xây dựng ở xã Hải Hưng cũng phát triển với trên 20 đội thợ thường xuyên nhận được các hợp đồng xây dựng công trình lớn thu hút trên 700 lao động tham gia với thu nhập bình quân từ 120-170 nghìn đồng/người/ngày. Nghề may công nghiệp cũng phát triển với 7 cơ sở sản xuất gia công tạo việc làm cho trên 200 lao động. Cơ sở may gia công của chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 11 có trên 500m2 nhà xưởng, chuyên sản xuất các loại đồng phục học sinh, gia công theo đặt hàng của các doanh nghiệp may trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho 60 lao động thường xuyên với thu nhập từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở thêu thủ công của chị Trần Thị Đào, xóm 8, hiện có 30 khung thêu thủ công chuyên thêu tranh các loại khổ rộng từ 40-60cm đến 170-220cm, tạo việc làm cho 30 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm tranh thêu thủ công của cơ sở được một Cty ở Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) nhận bao tiêu dài hạn. Ngoài ra, chị Đào còn là đầu mối nhận các đơn hàng đính các phụ liệu trang trí (thêu, đính hạt cườm) trên các sản phẩm trang phục (áo dài, váy, quần áo tắm) cho 50 lao động làm gia công tại nhà. Với những người khó khăn về học nghề TTCN, xã khuyến khích cải tạo vườn tạp, kết hợp khai thác kinh nghiệm nhà nông phát triển kinh tế sinh vật cảnh, trồng hoa. Từ chỗ phát triển nhỏ lẻ, đến nay, làng nghề hoa, cây cảnh ở xóm 3 đã giúp nhiều hộ có thu nhập cao như hộ các ông Mai Văn Phương, Mai Văn Trung với thu nhập 80-100 triệu đồng/năm được huyện, tỉnh công nhận đủ tiêu chuẩn làng nghề theo các tiêu chí của Bộ NN và PTNT.
Nhờ tập trung thực hiện các biện pháp phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, cuộc sống của người dân xã Hải Hưng ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ các hộ khá, giàu tăng nhanh. Năm 2014, xã Hải Hưng phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN-TTCN, thương mại - dịch vụ đạt 70% tỷ trọng cơ cấu kinh tế, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 29 triệu đồng/người/năm./.
Bài và ảnh: Thành Trung