Đẩy nhanh tiến độ dự án khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề Bình Yên

07:07, 24/07/2014

Làng nghề cơ khí, cô đúc nhôm Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) được hình thành từ năm 1989, có 300 hộ dân (chiếm 50% tổng số hộ trong làng) tham gia sản xuất. Bên cạnh những đóng góp tích cực về mặt kinh tế, giải quyết việc làm thì tính chất thủ công, công nghệ lạc hậu, tạm bợ trong sản xuất của làng nghề việc cô đúc nhôm đã phát sinh nhiều loại chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường nước, không khí… Kết quả điều tra, quan trắc, phân tích môi trường tại làng nghề Bình Yên của ngành TN và MT cho thấy: Tất cả các nguồn thải của làng nghề chưa được quan tâm đầu tư, thu gom xử lý, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí một cách trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân làng nghề và xung quanh. Nước thải của làng nghề có nhiều kim loại nặng, trong đó chủ yếu là Crom, vượt gấp gần 3.000 lần quy định cho phép. Bình quân các hộ làm nghề thải ra môi trường trên 500m3 nước/ngày đêm. Nước thải ô nhiễm đã làm mấy chục mẫu ruộng quanh làng nghề không thể trồng cấy được phải bỏ hoang. Lượng chất thải rắn nguy hại bị đổ tràn ra các đường giao thông trong làng. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề Bình Yên quá trầm trọng mà việc xử lý, khắc phục đã vượt quá khả năng của tỉnh, cần sự hỗ trợ của Trung ương mới bảo đảm nguồn lực kinh tế đáp ứng yêu cầu.

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trên tuyến sông dọc làng nghề Bình Yên.
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trên tuyến sông dọc làng nghề Bình Yên.

Ngày 18-12-2011, Chính phủ đã có Quyết định số 2406/QĐ-TTg phê duyệt làng nghề Bình Yên nằm trong danh mục làng nghề được hỗ trợ vốn để khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015, trong đó có vốn đối ứng của địa phương. Tháng 7-2013, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt thực hiện dự án: “Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề cơ khí Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định”, giao Sở TN và MT làm chủ đầu tư; thời gian hoàn thành dự án vào cuối năm 2015; quy định rõ trong kế hoạch thực hiện dự án là các hộ dân làng nghề phải tham gia đóng góp kinh phí cho các hạng mục xử lý khí thải, đầu tư hệ thống thu gom nước thải từ hộ dân đến đoạn đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải sơ bộ; xã phải có trách nhiệm bố trí đất để xây dựng trạm xử lý. Cuối tháng 5-2014, UBND tỉnh quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư cho dự án là 88 tỷ 939 triệu đồng. Mục tiêu chung của dự án nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của làng nghề do nguồn nước thải và khí thải; kiểm soát ô nhiễm, xây dựng và thực thi quy chế, chính sách quản lý môi trường làng nghề theo hướng cân bằng lợi ích môi trường và phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu cụ thể của dự án bao gồm: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải sản xuất và sinh hoạt; Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho làng nghề, bảo đảm nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn quốc gia; Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sơ bộ sau khi đấu nối vào hệ thống thu nước chung của hệ thống xử lý nước thải; Xây dựng kho trung chuyển chất thải rắn nguy hại; Xây dựng hệ thống xử lý khí thải tại các hộ sản xuất; Nạo vét hệ thống sông, khơi thông dòng chảy, kè bờ sông tránh sạt lở. Xử lý toàn bộ khu đất bị ô nhiễm; Hoàn thiện quy trình vận hành, tiến hành chuyển giao công nghệ xử lý để đảm bảo sự hoạt động ổn định lâu dài của công trình sau khi đưa vào sử dụng; Nâng cao hiệu quả công tác ngành quản lý môi trường và ý thức của người dân. Ngay sau khi được bố trí vốn của Chính phủ, các cấp, ngành chức năng của tỉnh và địa phương đã huy động nguồn nhân lực, tích cực triển khai dự án, xác định lộ trình thực hiện dự án. Trong giai đoạn đầu sẽ tập trung xử lý chất xỉ thải tồn dư và bùn kênh mương bị ô nhiễm; xây dựng hệ thống thu gom nước thải, nạo vét và mở rộng diện tích hồ lắng; tuyên truyền và xác định trách nhiệm cụ thể của nhân dân và các cấp chính quyền. Giai đoạn 2 triển khai xây dựng các công trình xử lý đảm bảo môi trường bền vững; xây dựng trạm xử lý nước thải; xây dựng trạm trung chuyển chất thải; các hộ triển khai lắp đặt hệ thống xử lý khí thải; hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng và triển khai thu phí vận hành, bảo trì, xử lý nước và xỉ thải. Hiện tại, hệ thống rãnh thoát nước thải và nước mưa của xã đã hư hỏng nặng, vì vậy cần phải cải tạo thiết kế lại rãnh mới. Do đường của thôn xóm bé, không tách được hệ thống thu nước thải sản xuất và nước sinh hoạt nên nước mưa sẽ tự chảy tràn và thoát theo các rãnh ra sông xung quanh làng nghề, toàn bộ nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt khu vực làng nghề sẽ được thu vào hệ thống rãnh thoát nước, đưa về trạm để xử lý nước thải tập trung của làng nghề. Nước thải sau khi xử lý sẽ được xả ra kênh mương cung cấp nước sản xuất nông nghiệp của địa phương. Hiện, xã đã lựa chọn được khu vực đặt trạm xử lý nước thải và làm hồ điều hòa. Sau khi công trình hoàn tất sẽ giao cho UBND xã quản lý trạm vận hành nước thải, thành lập Ban quản lý về môi trường có trách nhiệm đôn đốc các hộ sản xuất thực hiện nghĩa vụ về môi trường và kiểm tra hệ thống xử lý khí thải, nước thải. Qua tham vấn cộng đồng về mức đóng góp cụ thể có 160/211 hộ dân nằm trong khu vực dự án đã đồng tình, chấp thuận phương án đóng góp vốn đối ứng để thực hiện dự án. Các hộ còn lại mặc dù có chung quan điểm sớm triển khai dự án đầu tư khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề nhưng chưa thống nhất với chủ trương đóng góp vốn đối ứng và đề xuất Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư. Việc chưa đồng thuận với chủ trương của một số ít hộ dân trong xã là một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ triển khai thực hiện dự án bị chậm và khiến các cấp, ngành chức năng mất nhiều thời gian, công sức tính toán, cân nhắc điều chỉnh phương án đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Theo đồng chí Phạm Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN và MT), tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề không chỉ gây nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân trong làng mà còn gây bức xúc của nhân dân trong xã và các địa phương lân cận.

Xác định rõ, việc thực hiện dự án là đúng quy định của pháp luật, phù hợp với chủ trương của các cấp chính quyền với sự đồng thuận của đa số người dân để hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng bền vững, đem lại điều kiện môi trường sống trong lành cho người dân nên các cấp, ngành chức năng đã thống nhất quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Đầu tháng 7-2014, ngành chức năng đã hoàn thành phê duyệt kế hoạch thực hiện giai đoạn 1 của dự án. Theo đó đến nay, Sở TN và MT đang làm thủ tục đấu thầu; dự kiến trong tháng 8 sẽ hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu và chính thức triển khai thi công dự án. Với nhóm hộ chưa đồng thuận, các cấp, ngành chức năng và chính quyền sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động giải thích rõ về ý nghĩa, giá trị kinh tế, xã hội của dự án và trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng của các hộ dân trong vùng dự án khi đóng góp kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải; đóng góp vận hành hệ thống xử lý nước thải, thu gom, xử lý chất thải rắn nguy hại và xử lý khí thải, để các hộ dân sớm thông suốt tư tưởng, thuận tình ủng hộ việc triển khai thực hiện dự án cũng như chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về BVMT vì sự phát triển ổn định, bền vững của làng nghề, vì mục tiêu an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com