Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất CN-TTCN 6 tháng đầu năm 2014 của huyện Nam Trực vẫn đạt trên 1.776 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), bằng 53,4% kế hoạch năm và tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành sản xuất cơ khí đạt trên 1.137 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 64% giá trị sản xuất toàn ngành và tăng 15,1% so với cùng kỳ; ngành dệt may đạt trên 322,5 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 18,7% và tăng 14,7% so với cùng kỳ…
Sản xuất các sản phẩm cơ khí tại Cty TNHH Anh Đạt, thôn Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang. |
Đạt được kết quả đó, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện và các ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp huyện Nam Trực cũng không ngừng nỗ lực phát huy nội lực, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất để giữ vững tốc độ sản xuất, kinh doanh. Với sản phẩm chủ yếu là phụ tùng xe máy, xe đạp, máy nông nghiệp, đồ nhôm gia dụng, thiết bị phục vụ ngành điện, viễn thông, giao thông… trên 400 doanh nghiệp và gần 1.700 cơ sở sản xuất tại 3 CCN Vân Chàng, Đồng Côi, Nam Hồng và các làng nghề truyền thống (Bình Yên, Vân Chàng, Đồng Côi, Liên Tỉnh) của huyện Nam Trực đã tập trung đầu tư đổi mới vốn, phát triển công nghệ theo hướng sản xuất chuyên sâu. Nhiều doanh nghiệp trong các CCN tập trung, có tiềm năng như: Cty TNHH Việt Thắng, Cty TNHH Cơ khí cầu đường Hà Ninh, Cty TNHH Việt Anh… đã đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như phụ tùng thiết bị máy dệt, thiết bị cho ngành Điện, ngành Bưu chính - Viễn thông và các loại kết cấu thép phi tiêu chuẩn phục vụ thi công các công trình giao thông… Cty TNHH Cơ khí Cao Nguyên (CCN Vân Chàng) trước đây sản xuất các mặt hàng linh kiện xe máy và các sản phẩm cơ khí gia dụng. Từ năm 2011, sau một thời gian nghiên cứu, nhận thấy lĩnh vực sản xuất phụ tùng, linh kiện xe máy có chiều hướng bão hòa và suy giảm, Cty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng đổi mới công nghệ sản xuất, trang bị các loại thiết bị đồng bộ như: máy đột dập, máy nén thủy lực… chuyển sang sản xuất các linh kiện phục vụ ngành Viễn thông như: mã ní, khóa cáp thép, bu lông… Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, Cty đã ký được nhiều hợp đồng lớn, giữ được thị trường ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho gần 70 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH Anh Đạt ở thôn Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ ngành điện, GTVT, xây dựng, khai thác mỏ, gồm: Xà sứ cách điện, khóa néo, khóa đỡ, ty sứ, bu lông các loại… Để nâng cao năng lực sản xuất, Cty đã đầu tư lắp đặt dây chuyền mạ nhúng nóng sản phẩm lò trung tần sử dụng điện công suất 80kWh, trị giá gần 300 triệu đồng, thay thế việc nung nóng kim loại bằng than, vừa tiết kiệm nhiên liệu lại giảm công lao động và giảm thiểu khói, bụi gây ô nhiễm môi trường. Nhờ đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, các sản phẩm của Cty luôn đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Doanh thu hằng năm của Cty đạt gần 20 tỷ đồng, thu nhập của người lao động đạt 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. 6 tháng đầu năm 2014, Cty TNHH Cơ khí Việt Thắng chuyên sản xuất các loại kết cấu thép phi tiêu chuẩn phục vụ thi công các công trình giao thông, đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng và ký được nhiều hợp đồng lớn, đảm bảo việc làm cho hơn 100 lao động đến hết năm 2014. Doanh nghiệp tư nhân Quang Báo đã đầu tư trên 3 tỷ đồng mua máy đúc áp lực thay thế phương pháp đúc thủ công, để đúc các chi tiết phụ tùng xe máy, tiết kiệm 30-50% nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm bền đẹp. Với việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp huyện Nam Trực không chỉ phát huy được thế mạnh nguồn lao động truyền thống lành nghề, có kinh nghiệm lâu năm mà còn nghiên cứu, sản xuất được nhiều loại sản phẩm mới, chất lượng cao như: sản phẩm thép nguyên liệu của Cty TNHH Kim khí Anh Tú; ăng-ten Parabol của Cty TNHH Linh Đông; trục định vị xe máy của Cty TNHH Việt Phương, bao bì dược phẩm cấp I của Cty TNHH Hoàng Phát… Không chỉ các doanh nghiệp tại các CCN mà các cơ sở hộ gia đình ở các làng nghề Bình Yên (Nam Thanh); Liên Tỉnh (Nam Hồng); Đồng Quỹ (Nam Tiến)… cũng nỗ lực huy động các nguồn lực tài chính để đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, đồng bộ, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề. Tại làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ, cơ sở sản xuất của anh Đỗ Văn Nam đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mua máy làm khuôn, lò đúc sử dụng điện và các loại máy móc khác để gia công, hoàn thiện sản phẩm. Nhờ đầu tư thiết bị hiện đại nên chất lượng sản phẩm đúc của cơ sở được nâng lên, tạo thuận lợi cho khâu chạm trổ hoàn thiện với các loại sản phẩm từ hạc, rùa, cuốn thư, đỉnh, lư hương, hoành phi, câu đối… đến các sản phẩm có độ nặng từ 5-7 tấn (tượng, khánh, chuông) đòi hỏi độ tinh xảo và chính xác rất khắt khe.
Mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất là biện pháp hiệu quả để các doanh nghiệp huyện Nam Trực khắc phục khó khăn chung của thị trường, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đủ tiềm lực, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất nhỏ lẻ trong các làng nghề vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh nên hạn chế về tài chính “lực bất tòng tâm” trong thực hiện chiến lược đầu tư đồng bộ hệ thống nhà xưởng và các trang thiết bị sản xuất hiện đại. Để hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2014 đạt 3.327 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện phát triển sản xuất, kinh doanh./.
Bài và ảnh: Thành Trung