Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trực Ninh lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2011-2015 đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN, xây dựng của huyện đạt 1.700 tỷ đồng (giá cố định năm 1994); mức tăng trưởng đạt từ 19%/năm trở lên; tỷ trọng dịch vụ chiếm 32,3% cơ cấu kinh tế của huyện; phát triển sản xuất CN-TTCN là khâu đột phá để chuyển dịch cơ cấu lao động, đến năm 2015 có 50% số lao động qua đào tạo tham gia trong các lĩnh vực sản xuất CN-TTCN.
Sản xuất VLXD công nghệ lò tuy-nen tại Cty CP Sản xuất VLXD Minh Trang, xã Trực Thanh. |
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề giai đoạn 2011-2015”, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra nhiều biện pháp đồng bộ để thực hiện. Triển khai thực hiện đề án, huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất. Tạo điều kiện thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông của Trung ương, của tỉnh nằm trên địa bàn, đồng thời huy động, tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển giao thông huyết mạch của địa phương như: QL 21; tỉnh lộ 490C, 486B; đường Trái Ninh; đường Nam Ninh Hải; đường 53C, các công trình giao thông nông thôn WB3 (đoạn thuộc Thị trấn Cổ Lễ dài 2,5km; đoạn thuộc xã Trực Nội dài 3,2km); đang triển khai giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án phát triển giao thông đường thủy nội địa đồng bằng Bắc Bộ (WB6) đoạn qua các xã Trực Chính, Phương Định; lập kế hoạch xây dựng cầu Sắt 2 thuộc địa phận xã Trực Thuận… Huyện đã phối hợp với ngành Điện hoàn thành xây dựng Trạm biến áp 110kV và cải tạo lưới điện nông thôn đáp ứng nhu cầu sử dụng điện khi gia tăng sản xuất CN-TTCN. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, tạo môi trường thân thiện và thực hiện cải cách hành chính để nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổ chức các hội nghị gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn để tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo mối quan hệ gắn bó giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương. Chủ động quy hoạch và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN. Trên địa bàn huyện có 3 CCN tập trung là: Cổ Lễ, Cát Thành và Trực Hùng, trong đó CCN Thị trấn Cổ Lễ có tổng diện tích gần 10ha, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là gần 14 tỷ đồng; CCN Trực Hùng có tổng diện tích trên 12,8ha, tổng vốn đầu tư xây dựng là 13,3 tỷ đồng; CCN Thị trấn Cát Thành có tổng diện tích 26ha, tổng vốn đầu tư xây dựng là 20,8 tỷ đồng. Các CCN của huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với nhiều ngành nghề như: tái chế phôi thép, cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất VLXD, dệt, may công nghiệp, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, kéo sợi PE, sản xuất lúa giống… Đến nay, 3 CCN của huyện đã thu hút được tổng số 40 dự án đầu tư, tổng số vốn đầu tư đăng ký là 415,7 tỷ đồng, đã tạo việc làm cho 3.400 lao động tập trung, không kể lao động gia công ở các làng nghề. Ngoài các CCN tập trung, 21/21 xã, thị trấn của huyện đều chú trọng phát triển sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn, trong đó có 6 xã với 9 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận đủ tiêu chí của Bộ NN và PTNT quy định. Để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động phục vụ sản xuất CN-TTCN, trong các năm 2011-2013, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng, các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo các nghề: cơ khí, dệt, may công nghiệp, hàn, tiện… cho 4.740 lao động nông thôn.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất CN-TTCN, huy động sự “vào cuộc” quyết liệt của cả hệ thống chính trị, toàn huyện đã có 254 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh CN-TTCN đang hoạt động và thu hút được nhiều dự án đầu tư như: Cty CP Công nghiệp và Thương mại Hoa Tiên đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng xưởng đóng tàu tại CCN Thị trấn Cát Thành; Cty TNHH một thành viên Dệt may Phương Bắc đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng xưởng may công nghiệp tại xã Phương Định; Cty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại Đức Việt đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng dây chuyền sản xuất nước khoáng tại xã Trung Đông… Các ngành công nghiệp có thế mạnh của huyện như: dệt may, cơ khí, sản xuất VLXD, kinh doanh thương mại và dịch vụ vận tải… vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan. Trong hơn 3 năm thực hiện đề án phát triển sản xuất CN-TTCN toàn huyện đã phát triển được 22 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành dệt may, thu hút trên 3.000 lao động tập trung trong đó có nhiều doanh nghiệp may công nghiệp mới như: Cty CP May I (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định), HTX Dệt Thịnh Hưng, Cty TNHH T&C, Cty CP May 9 (Tổng Cty May Nhà Bè)… Trong năm 2014 các dự án đầu tư nhà máy may công nghiệp của: Cty CP May 9 tại xã Trực Phú; Cty TNHH Xuất nhập khẩu may Anh Đức tại xã Trung Đông hoàn thành sẽ thu hút thêm từ 1.500-2.000 lao động tập trung. Dự kiến năm 2014, tổng doanh thu từ ngành dệt may toàn huyện sẽ đạt gần 1.000 tỷ đồng, gấp khoảng 2,5 lần so với năm 2013. Sản xuất VLXD cũng là ngành có thế mạnh của huyện với 4 dây chuyền sản xuất theo công nghệ lò tuy-nen; 1 dây chuyền sản xuất gạch không nung… với tổng sản lượng gần 180 triệu viên/năm. Trong năm 2013, các dây chuyền sản xuất VLXD của: Cty TNHH Phan Quân công suất 7 triệu viên/năm của Cty đầu tư ở CCN Thị trấn Cổ Lễ; Cty CP Sản xuất VLXD Minh Trang đầu tư trên 54 tỷ đồng xây dựng 1 dây chuyền sản xuất VLXD theo công nghệ lò tuy-nen, công suất thiết kế 12 triệu viên/năm trên tổng diện tích 3ha tại xã Trực Thanh… đã chính thức hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho gần 150 lao động. Những năm qua, ngành xây dựng của huyện cũng có bước phát triển đột phá, nhiều doanh nghiệp xây dựng, tư vấn xây dựng đã chủ động thu hút đội ngũ lao động chất lượng cao, đầu tư thiết bị, máy móc để nâng cao năng lực cạnh tranh, đủ điều kiện tham gia và trúng thầu thi công các hợp đồng xây dựng có trị giá hàng trăm tỷ đồng. Doanh thu hằng năm của các doanh nghiệp ngành xây dựng đạt gần 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 500 lao động chính và khoảng 2.500 lao động thời vụ. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, năm 2013, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Trực Ninh đã đạt 1.327 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), bằng 80,71% chỉ tiêu Đề án; có 4 chỉ tiêu chủ yếu đã đạt và vượt so với kế hoạch đặt ra là: tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 21%, vượt 2%; giá trị hàng xuất khẩu đạt 179 tỷ đồng, vượt 19,33%; tỷ trọng dịch vụ chiếm 32,6% cơ cấu kinh tế, vượt 0,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%, vượt 4%. 5 tháng đầu năm 2014 giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Trực Ninh đạt 1.550 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 18,27% so với cùng kỳ năm 2013. Tình hình sản xuất CN-TTCN phát triển ổn định, các ngành chủ lực chiếm tỷ trọng lớn là: dệt may 22%; sản xuất đồ gỗ 21,01%; cơ khí 17%...
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án phát triển sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2011-2015, trong các năm 2014, 2015 huyện Trực Ninh phấn đấu mỗi năm giá trị sản xuất CN-TTCN phải tăng 164 tỷ đồng để đến năm 2015 giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện đạt từ 1.700 tỷ đồng trở lên. Huyện đã đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện như: tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các xã thuần nông ít hoặc chưa có nghề để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng xây dựng NTM; tích cực huy động mọi nguồn lực để xây dựng cải thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư./.
Bài và ảnh: Thành Trung