Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đang tập trung ra đồng, huy động nhân lực, máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân, đồng thời giải phóng đất và chuẩn bị cho sản xuất vụ lúa mùa.
Có mặt tại cánh đồng xã Nam Cường (Nam Trực), chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc hết sức khẩn trương của bà con nơi đây. Vừa chuyển những bao thóc từ chiếc máy gặt đập liên hoàn Kubota DC70, ông Trần Văn Việt vừa cho biết: Vụ xuân năm nay, gia đình ông gieo cấy toàn bộ 3 sào ruộng trũng bằng giống lúa lai Nhị ưu 69. Do tuân thủ chặt chẽ khung thời vụ và những hướng dẫn kỹ thuật về cách chăm sóc, bảo vệ mạ và bón phân cân đối nên lúa đẻ nhánh khỏe, sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, lại chắc hạt nên “được mùa to”, năng suất ước đạt trên 250 kg/sào, cao hơn so với các vụ xuân trước từ 20-30 kg/sào. Ngay khi thu hoạch xong, ông sẽ tiến hành làm đất luôn để kịp cho sản xuất vụ mùa. Trên cánh đồng xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) lúa sai, mẩy nặng trĩu bông. Một số hộ cũng bắt đầu thu hoạch. Vụ này, gia đình chị Hoàng Thị Hiên, xóm 4 cấy hơn 5 sào BT7. Tuy gặp nhiều khó khăn đầu vụ do thời tiết khắc nghiệt, một số diện tích cấy sau Tết Nguyên đán bị chết rét, nhưng gia đình chị đã cấy dặm bổ sung, tích cực chăm bón và phòng trừ sâu bệnh nên vẫn cho năng suất tương đương những vụ trước…
Thu hoạch lúa xuân tại xã Nam Cường (Nam Trực). |
Vụ xuân năm 2014, toàn tỉnh đã gieo cấy 76.337ha lúa xuân, trong đó diện tích lúa thuần chiếm 74%, tập trung vào các giống BT7, Q5, NĐ5, Nếp 97, Khang Dân 18…; lúa lai tập trung vào các giống TH3-3, Nhị ưu 69, Nhị ưu 838, D.ưu 527, TX111… Diện tích lúa gieo sạ đạt 15.887ha. Triển khai sản xuất vụ xuân năm nay trong điều kiện rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ bình quân nhiều ngày xuống dưới 130C… đã khiến 24.482ha lúa của các địa phương bị thiệt hại, trong đó diện tích lúa phải gieo cấy lại 9.303ha. Đặc biệt, sau khi cấy, trời âm u, mưa phùn kéo dài nên cây lúa phát triển chậm, đẻ nhánh muộn, dẫn đến thời gian sinh trưởng của lúa kéo dài hơn so với vụ xuân năm trước 10-15 ngày. Thời tiết ở giai đoạn này cũng là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại mạnh trên lúa xuân. Giai đoạn lúa trỗ bông, vào mẩy sâu bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ mật độ cao hơn mọi năm, rải lứa (gối nhau) dẫn đến 28.000ha lúa xuân phải phun trừ kép… Để sản xuất đạt kết quả, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực vào cuộc triển khai các biện pháp kỹ thuật để khắc phục khó khăn đầu vụ, nhất là việc chỉ đạo kịp thời việc gieo cấy lúa bổ sung, do vậy tuy diện tích lúa thiệt hại nhiều song các địa phương đã nhanh chóng khắc phục, đảm bảo trong khung thời vụ cho phép. Công tác bảo vệ cây trồng được triển khai đồng bộ các nhiệm vụ từ dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và chính xác. Đặc biệt việc phun trừ sâu bệnh được Sở NN và PTNT hướng dẫn cụ thể, tránh phun tràn lan gây tốn kém và ô nhiễm môi trường, đồng thời bảo vệ được các loài thiên địch có lợi cho lúa. Bên cạnh đó, nạn chuột phá hoại lúa cũng được ngăn ngừa hiệu quả giảm rõ rệt so với 2 năm gần đây, do bước vào vụ xuân năm 2014, Sở NN và PTNT phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại và nguy cơ gây hại của chuột đối với sản xuất, kho tàng và sức khỏe cộng đồng; giới thiệu các cách làm hay, các mô hình diệt chuột hiệu quả; tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân về phương pháp, quy trình kỹ thuật diệt trừ chuột an toàn ngoài đồng và tại nhà; phát động toàn thể nhân dân hưởng ứng chiến dịch ra quân diệt chuột. Tại nhiều địa phương đã thành lập tổ, đội dịch vụ chuyên diệt chuột hoạt động liên tục trong suốt vụ, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra. Các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động nông dân bám sát đồng ruộng, tìm các biện pháp chống rét và nhanh chóng có phương án khắc phục phù hợp đối với các diện tích lúa gieo cấy bị chết rét; tích cực chăm sóc lúa, phòng trừ sâu bệnh... Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các địa phương, sự hướng dẫn kịp thời của ngành chức năng cùng sự nỗ lực của bà con nông dân nên vụ xuân vẫn được mùa đồng đều ở các giống, năng suất, sản lượng đều đạt cao. Tính đến hết ngày 11-6-2014, toàn tỉnh đã thu hoạch được 41.257ha, đạt 54% tổng diện tích. Các huyện thu hoạch nhanh là Vụ Bản đạt 86%, Ý Yên 85%, Mỹ Lộc 60%... Năng suất dự kiến tương đương hoặc cao hơn vụ xuân năm 2013.
Trong vụ xuân, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác DĐĐT, một số quy hoạch cấp xã được hoàn thành, đồng ruộng nhiều nơi đã được chỉnh trang, nhiều tuyến đường giao thông nội đồng được đắp mới và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm canh tăng năng suất; xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh đã xây dựng được 104 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 5.339ha theo phương pháp “3 cùng”: cùng trà, cùng giống, cùng phương thức canh tác, qua đó từng bước thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân từ sản xuất manh mún sang sản xuất tập trung quy mô, sản lượng lớn. Trong vụ xuân năm nay, Sở NN và PTNT đã xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giữa một số địa phương với Tổng Cty Lương thực Miền Bắc và Cty Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình. Tại HTXDVNN Nam Thành, xã Đồng Sơn (Nam Trực), mới chỉ sau 2 ngày thu mua đầu tiên, Tổng Cty Lương thực Miền Bắc đã thu mua ngay tại ruộng được 50 tấn lúa của nông dân với giá 9.000 đồng/kg, quy về độ thủy phần 16%. Ông Đới Văn Ngọc, xã viên HTX Nam Thành cho biết: Sau những khó khăn từ đầu vụ, chúng tôi rất phấn khởi vì năm nay lại được mùa, lúa gần như không có hạt lép. Hơn nữa, Cty thu mua ngay thóc tươi, nông dân không phải lo phơi, bảo quản, có thời gian tập trung chuẩn bị vụ mùa. Năm sau chương trình liên kết này mà tiếp tục duy trì nhất định nhà tôi lại tham gia. Đây có lẽ không chỉ là mong muốn của riêng ông Ngọc mà còn là mong ước của đông đảo bà con nông dân trong xã. Hiệu quả của mô hình trên đã được khẳng định, trong các vụ tới, Sở NN và PTNT tiếp tục mở rộng ra các địa phương khác. Cũng trong vụ xuân năm 2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh thực hiện các đề tài khảo nghiệm tập đoàn giống lúa tại HTX Hùng Tiến (Giao Thủy) và Minh Tân (Vụ Bản); trình diễn giống lúa TEJ vàng tại huyện Trực Ninh; mô hình sản xuất lúa chịu mặn tại Giao Hải (Giao Thủy)… nhằm tiếp tục chọn lựa các bộ giống lúa mới có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu cao, thay thế cho các giống lúa truyền thống, đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp.
Chủ động đối phó với những khó khăn trong sản xuất, đảm bảo việc gieo cấy trong khung thời vụ và kế hoạch sản xuất hợp lý về cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ đã giúp bà con nông dân các địa phương trong tỉnh có thêm một vụ lúa bội thu về năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh