Với những kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy từ thực tiễn, một số cán bộ quản lý HTX đã “chèo lái con thuyền” HTX sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, những hạn chế về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ HTX cũng là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động của nhiều HTX gặp khó khăn. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là giải pháp quan trọng để bảo đảm cho các HTX hoạt động hiệu quả.
Thời điểm trước năm 1996, phần nhiều cán bộ quản lý HTX đều là những xã viên có kinh nghiệm, qua thời gian tham gia lao động sản xuất, cộng với năng lực được đúc kết từ thực tiễn sản xuất nên khi hình thành HTX, họ được xã viên tín nhiệm bầu vào Ban quản trị HTX và trở thành nhà quản lý “tay ngang”. Khi Luật HTX năm 1996 được ban hành và sửa đổi, bổ sung vào các năm 2003, 2012, người đứng đầu đóng vai trò quan trọng để “chèo lái con thuyền” HTX hoạt động hiệu quả vững vàng trong cơ chế mới. Tuy nhiên trên thực tế, trình độ của đội ngũ cán bộ HTX hiện nay ở tỉnh ta còn thấp, lực lượng cán bộ cốt cán phần đông đã lớn tuổi, lớp cán bộ quản lý mới còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, yếu về năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX. Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có trên 2.400 cán bộ đang công tác, hoạt động tại 475 HTX. Trong đó, số cán bộ quản lý HTX có trình độ đại học chỉ chiếm 20%, trung cấp 45%, còn lại chỉ được đào tạo qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Theo Luật HTX năm 2012 và các văn bản liên quan, điều kiện để trở thành cán bộ quản lý HTX phải là thành viên HTX, có phẩm chất đạo đức, có trình độ, năng lực quản lý HTX, được xã viên tín nhiệm bầu vào Ban quản trị tại đại hội xã viên. Trong đó, trình độ cán bộ quản lý HTX tối thiểu phải đạt từ trung cấp chuyên môn trở lên. Nếu chiểu theo đúng quy định thì 35% số cán bộ quản lý HTX hiện chưa đạt về trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, việc bố trí cán bộ, nhất là cán bộ quản lý HTXDVNN ở nhiều địa phương thường không ổn định. Những cán bộ có năng lực, trình độ sau thời gian công tác tại HTX lại luân chuyển sang vị trí làm việc khác, dẫn đến việc đội ngũ cán bộ và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX bị xáo trộn. Đơn cử như ở HTXDVNN xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) có 5 cán bộ nhưng trình độ chuyên môn không quá trung cấp nông nghiệp, trung cấp kế toán hoạt động chủ yếu bằng kinh nghiệm, nghĩa là lớp cán bộ đi trước truyền đạt kinh nghiệm cho lớp cán bộ đi sau. Do đó còn rất nhiều hạn chế trong công tác quản lý, điều hành dẫn đến hạn chế về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Đây cũng là thực trạng chung cho nhiều HTX trong tỉnh, luôn trong tình trạng thiếu người có năng lực và thừa người có thâm niên. Những cán bộ cũ có kinh nghiệm nhưng kiến thức để tiếp cận với những điều mới thì còn hạn chế, nhất là việc tiếp cận với các chính sách mới. Trong khi đó, lớp trẻ có nhiệt huyết, có kiến thức lại không mặn mà với công việc tại các HTX do chưa có chính sách để hỗ trợ, thu hút lớp trẻ cống hiến cho HTX… Hiện nay, nhiều sinh viên khi ra trường thiếu việc làm nhưng khi nói đến làm việc tại HTX thì lại từ chối. Đó chính là tâm lý còn e ngại với HTX kiểu cũ. Chính vì vậy, bên cạnh thay đổi nhận thức trong tâm lý của người lao động, các HTX cần phải đào tạo một tầng lớp kế cận theo chiều sâu, đảm bảo được năng lực để có thể theo kịp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay. Theo đồng chí Vũ Đình Mạc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Nguyên nhân của tình trạng này là do khó khăn chung về kinh tế, sản xuất bị thu hẹp, dịch vụ ít, vốn ít, dẫn đến chế độ đãi ngộ cho cán bộ HTX thấp, không thu hút được cán bộ có trình độ, năng lực vào các HTX làm việc nên trình độ, năng lực của Ban quản trị HTX không đồng đều. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX thời gian vừa qua cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhiều năm qua chủ yếu do Liên minh HTX tỉnh đảm nhận, tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng mới chỉ dừng ở mức nâng cao, thời gian mở lớp ngắn ngày do kinh phí hạn hẹp. Trong 5 năm qua (2008-2013), Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức được 75 lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý cho các HTX với trên 2.500 lượt cán bộ quản lý, kế toán, trưởng kiểm soát của các HTX tham gia. Mặc dù, hầu hết cán bộ các HTX đều đã qua đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhưng chất lượng hoạt động của nhiều HTX chưa theo kịp xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường; nhiều cán bộ HTX còn thiếu quá nhiều kiến thức quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp...
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các HTX rất cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành nhằm đưa kinh tế HTX phát triển tương xứng tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó, Liên minh HTX tỉnh vận dụng các nguồn kinh phí từ Liên minh HTX Việt Nam và các nguồn kinh phí khác để tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng điều hành, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ cho đội ngũ cán bộ HTX. Qua đó, nhằm nâng cao trình độ, kiến thức quản lý của đội ngũ cán bộ HTX, đồng thời tạo điều kiện để họ trao đổi, học tập kinh nghiệm, giao lưu với các HTX điển hình trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đội ngũ cán bộ các HTX mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực đầu tư phát triển hoạt động dịch vụ, xây dựng mô hình HTX mới hoạt động có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Liên minh HTX tỉnh cần tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình, nhu cầu của các HTX để tổ chức các lớp đào tạo cán bộ HTX phù hợp với nhu cầu thực tế, tránh lãng phí. Đặc biệt, phải xác định đối tượng đào tạo; thời gian đào tạo bảo đảm các học viên có thể hệ thống được kiến thức, kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó, các HTX cần tạo điều kiện về thời gian, kinh phí để chọn cử cán bộ đi học các lớp đào tạo dài hạn, nâng cao trình độ đáp ứng được yêu cầu công việc quản lý, điều hành HTX trong cơ chế mới./.
Hoàng Tuấn