Nhận rõ những bất cập, tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bên cạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kêu gọi, huy động mọi nguồn đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành Trung ương, của tỉnh để có nguồn kinh phí xây dựng, triển khai và duy trì các hoạt động BVMT trong doanh nghiệp, Sở TN và MT thực hiện đồng bộ các biện pháp yêu cầu doanh nghiệp chủ động và nghiêm túc thực hiện công tác BVMT theo đúng quy định pháp luật. Tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm trong công tác BVMT của UBND các huyện và thành phố. Kết quả kiểm tra cho thấy việc cấp xác nhận cam kết, đề án BVMT của một số huyện cho doanh nghiệp còn chậm; chất lượng cam kết, đề án BVMT còn hạn chế, các giải pháp BVMT nêu trong cam kết, đề án còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu căn cứ để doanh nghiệp thực hiện cũng như để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. Hằng năm chưa xây dựng kế hoạch và chưa chủ động tiến hành kiểm tra việc thực hiện Luật BVMT của doanh nghiệp, mới tiến hành kiểm tra các trường hợp khi có kiến nghị của nhân dân và các cấp, các ngành yêu cầu phối hợp.
Cán bộ kỹ thuật Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) vận hành Trạm xử lý nước thải. |
Công tác chỉ đạo thực hiện quản lý BVMT trong các CCN còn hạn chế. Công tác thu phí nước thải chưa được chỉ đạo quyết liệt nên số nợ phí còn nhiều. Công tác quản lý môi trường làng nghề chưa được triển khai thực hiện theo Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT của Bộ TN và MT. Sở TN và MT đã đề nghị UBND các huyện, thành phố nâng cao chất lượng việc xác nhận cam kết BVMT; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung đã nêu trong cam kết, đề án BVMT, giấy phép xả nước thải của các doanh nghiệp; triển khai thu phí BVMT đối với nước thải theo quy định. Đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng tổ chức kiểm tra công tác BVMT trong các CCN, làng nghề, các doanh nghiệp; kiên quyết xử lý và công khai trên Đài truyền thanh địa phương những doanh nghiệp vi phạm về BVMT. Cùng với việc hướng dẫn các huyện, thành phố tăng cường quản lý Nhà nước về công tác BVMT của doanh nghiệp, Sở TN và MT cũng tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát công tác BVMT trong doanh nghiệp. Năm 2013, Sở TN và MT đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra 26 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 4 cơ sở vi phạm. Riêng Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường đã phát hiện và lập biên bản xử lý 68 cơ sở vi phạm, tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật BVMT tại 9/17 CCN chưa được thanh tra, kiểm tra và các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, có lượng thải lớn gây ô nhiễm môi trường; đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh lập, hoàn thiện thủ tục về BVMT theo quy định; đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường (có trong quy định công bố cơ sở gây ô nhiễm môi trường hằng năm của UBND tỉnh) xử lý khắc phục ô nhiễm do cơ sở gây ra. Sự nỗ lực của các ngành chức năng đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác BVMT của các doanh nghiệp. Theo đồng chí Phạm Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN và MT), đến nay, số doanh nghiệp chủ động, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT đang ngày một tăng. Hiện tại, 100% doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn đã chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật và áp dụng các biện pháp BVMT khu vực sản xuất.
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những năm gần đây, UBND tỉnh căn cứ vào kết quả điều tra, thẩm định của ngành chức năng ban hành quyết định phê duyệt danh sách xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Ngày 21-4-2014, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 21 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường năm 2013 và giao Sở TN và MT phối hợp với Ban quản lý các KCN tỉnh, UBND các huyện, thành phố (có cơ sở gây ô nhiễm môi trường); Trung tâm Phát triển CCN Thành phố Nam Định; Ban quản lý CCN Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Sở TN và MT phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động BVMT của các loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 10-10-2013 với mục tiêu đến năm 2020: Di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, kim loại, nhựa, nhuộm và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong các khu dân cư vào CCN làng nghề. 100% CCN làng nghề tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về BVMT. Thường xuyên giám sát, thanh tra, kiểm tra xử lý các cơ sở sản xuất có vi phạm về BVMT tại các làng nghề chưa được công nhận. Ủy quyền phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện công tác thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho Sở TN và MT và Phòng TN và MT của các huyện, thành phố theo Quyết định số 01/2014/QĐ-UBND ngày 17-1-2014 của UBND tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý