Kiểm soát ngăn chặn đồ chơi trẻ em nhiễm hóa chất độc hại

07:06, 21/06/2014

Đồ chơi có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển trí tuệ, nhân cách của trẻ, do đó việc lựa chọn đồ chơi đúng và chất lượng an toàn cho trẻ em là hết sức cần thiết. Thị trường đồ chơi trẻ em hiện rất đa dạng, phong phú chủng loại, xuất xứ, gồm cả hàng nội địa và nhập ngoại. Tuy nhiên, do những hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát thị trường đồ chơi nên đồ chơi được làm từ các nguyên liệu có chứa chất độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn của trẻ vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường.

Lực lượng QLTT kiểm tra mặt hàng đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường.
Lực lượng QLTT kiểm tra mặt hàng đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2009/BKHCN của Bộ KH và CN thì đồ chơi trẻ em phải đảm bảo 6 nhóm kỹ thuật về cơ lý, hóa học, mức giới hạn xâm nhập của các độc tố, yêu cầu chống cháy và biểu tượng cảnh báo tuổi trẻ em không được sử dụng. Mọi sản phẩm đồ chơi lưu thông trên thị trường phải có dấu hợp quy và nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện có tới 80% đồ chơi trẻ em trên thị trường nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng không có xuất xứ hàng hóa hoặc vi phạm về ghi nhãn hàng hóa và nhiều sản phẩm chứa hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em. Nhiều loại đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc xuất khẩu sang các nước bị phát hiện có chất độc hại và bị cấm cũng đã xuất hiện ở nước ta như thú nhún, chút chít nhựa, bóng bay, búp bê đầu quả, bóng bơm hơi và lựu đạn nổ… do có hàm lượng phthalates và một số hóa chất khác vượt mức cho phép được quy định trong bộ tiêu chuẩn REACH regulation (EC) No.1907/2006. Trước thông tin trên, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN) đã thông báo nội dung cảnh báo những sản phẩm đồ chơi trẻ em có hóa chất độc hại trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số trang thông tin điện tử và tạp chí chuyên ngành để các cơ quan chức năng, hộ kinh doanh và người dân không buôn bán, tàng trữ và sử dụng các loại đồ chơi đó. Trong tháng 2-2014, Sở GD và ĐT đã có công văn yêu cầu Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh chỉ được sử dụng các thiết bị, đồ dùng và đồ chơi trong danh mục đã được Bộ GD và ĐT ban hành; tuyệt đối không được mua sắm, sử dụng các thiết bị, đồ dùng và đồ chơi không rõ nguồn gốc, có thể gây nguy hại cho học sinh và giáo viên. Phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành hữu quan tại địa phương tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo các em học sinh, các bậc phụ huynh không mua sắm và sử dụng các thiết bị, đồ dùng và đồ chơi không rõ nguồn gốc, có thể gây nguy hiểm cho con em. Kịp thời báo cáo, phản ánh với các cấp chính quyền, các ban, ngành có liên quan tại địa phương khi phát hiện các thiết bị, đồ dùng và đồ chơi không rõ nguồn gốc, có thể gây nguy hại cho học sinh và người sử dụng. Cùng với công tác tuyên truyền, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và Thanh tra KHCN (Sở KH và CN); lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát nhóm hàng đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường tỉnh. Tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các vi phạm về sản phẩm đồ chơi trẻ em đều liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa nhưng không thấy bày bán các loại đồ chơi đã được cảnh báo nguy hại đến sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên ngay sau đợt kiểm tra thì hầu hết các sản phẩm trong danh mục đồ chơi nhiễm hóa chất độc đã xuất hiện trở lại ở nhiều cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em. Cá biệt hiện tượng trung tâm thương mại lớn đã nhập sản phẩm này, khi được cảnh báo đã dùng chiêu khuyến mại, hạ giá sản phẩm hoặc luân chuyển sản phẩm đến vùng xa để tiêu thụ. Các loại đồ chơi nhiễm hóa chất độc hại chủ yếu được bày bán trong các cửa hàng tạp hóa, siêu thị và những gánh hàng rong tại cổng trường học, các xe bán hàng lưu động, xuất hiện nhiều hơn ở khu vực nông thôn. Đáng chú ý, ở một số cửa hàng tạp hóa tại Thị trấn Yên Định (Hải Hậu), chúng tôi dễ dàng nhận thấy loại đồ chơi búp bê có đầu mang hình dáng quả lê, dứa, dâu tây, cà rốt, táo, dưa hấu được làm bằng chất liệu vải nhồi bông, mặt bằng nhựa dẻo được bày bán công khai với giá từ 180-250 nghìn đồng/sản phẩm tùy hình dáng và kích cỡ là sản phẩm đã được cảnh báo độc hại với trẻ em, có nguy cơ gây bệnh ung thư khi trẻ tiếp xúc thường xuyên với các loại đồ chơi này. Khách hàng khi mua chỉ mải mê chọn lựa màu sắc, kiểu dáng mà không để ý đến chất lượng, nhãn hiệu và những cảnh báo của cơ quan chức năng. Các sản phẩm bóng nhựa gai, bóng nhựa in hình quả dưa hấu, chút chít hình con thú bằng nhựa dẻo; các loại bóng bay, hạt nhựa nở… thì hầu như cửa hàng đồ chơi trẻ em nào cũng có. Điều này cho thấy, việc kiểm tra, kiểm soát mới chỉ thực hiện đối với các điểm có đăng ký kinh doanh, còn những điểm buôn bán nhỏ, bán hàng rong... chưa được kiểm soát. Do đó, đồ chơi trẻ em vẫn đang tràn lan trên thị trường, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em. Trong quá trình tìm hiểu hoạt động mua, bán đồ chơi trẻ em trong dịp mùng 1-6 vừa qua, chúng tôi nhận thấy một số phụ huynh không hề biết đến thông tin cảnh báo về đồ chơi trẻ em độc hại, nguy hiểm cho sức khoẻ, thậm chí có người còn cho rằng đó là thông tin không đúng, cạnh tranh không lành mạnh(?!); nhiều phụ huynh biết nhưng vẫn chọn vì giá rẻ, đồ chơi an toàn thì quá đắt so với khả năng tài chính.

Để quản lý tốt thị trường đồ chơi trẻ em và loại bỏ đồ chơi nhiễm hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về các loại sản phẩm này, dấu hiệu nhận biết và tác hại đối với sức khỏe trẻ em trước mắt cũng như lâu dài. Lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này, công khai mẫu sản phẩm bị nhiễm hóa chất và các cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định về kinh doanh đồ chơi trẻ em không hợp quy, đồng thời xử lý nghiêm đối với các hộ cố tình vi phạm. Một biện pháp quan trọng, hữu hiệu là người tiêu dùng hợp tác tích cực trong việc tẩy chay, đẩy lùi các mặt hàng độc hại ra khỏi thị trường bằng việc nâng cao kiến thức và ý thức trong việc lựa chọn đồ chơi cho con em, kiên quyết nói "không" với những đồ chơi nhập nhèm nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, mạnh dạn tố cáo với cơ quan chức năng các điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em độc hại, nguy hiểm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



Hóa chất công nghiệp giá tốt Cửa hàng Cơ bida Thế Giới BidaCập nhật sxmb mới nhất

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com