Có dịp đến thăm văn phòng luật sư của một chị bạn mới khai trương trong thành phố, tôi chợt nhìn thấy bát hoa nho nhỏ, xinh xinh để trên bàn làm việc của chị. Cầm vào bông hoa, các cánh hoa rất mềm, sống động, màu sắc hoa tươi tắn y như hoa thật. Dưới bát hoa trang trí thêm nào cỏ, nào những cây nấm nho nhỏ, con thú, chim muông... Tò mò tôi hỏi chị, hoa gì đây ạ? Chị bảo, đây là hoa đất Nhật Bản, ở Nam Định loại này còn tương đối mới mẻ, cả tỉnh chỉ duy nhất có một cơ sở sản xuất. Tôi càng muốn tìm hiểu kỹ hơn…
Làm hoa đất tại cơ sở sản xuất hoa đất Nhật Bản của chị Nguyễn Minh Nga, số 2, Khu Lao động Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định). |
Chị Nguyễn Minh Nga, chủ cơ sở hoa đất Nhật Bản Minh Nga, số 2, Khu Lao động Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) có kinh nghiệm 7 năm trong nghề làm hoa đất Nhật Bản. Vốn là người khéo tay, có “gu” thẩm mỹ tốt, chị nhanh chóng học được nghề của một người cô đang sinh sống ở nước ngoài. Đã từng có thời gian chị Nga “bôn ba” làm hoa đất 4 năm tại Sài Gòn, 3 năm trở lại đây, chị về Nam Định mở cửa hàng. Chị Nga tâm sự: “Làm hoa đất không khó, nhưng đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn cao độ. Ngoài ra, đã là làm hoa nghệ thuật, một yêu cầu cơ bản nữa là phải có óc thẩm mỹ, cộng với sự khéo léo”. Và chính nhờ bàn tay khéo của người thợ, những chậu hoa đất của chị hiện lên vô cùng sinh động, mềm mại cho người nhìn cảm giác đó là “hoa thật”. Để làm được 1 chậu hoa đất Nhật Bản, thợ hoa hầu như phải nhập toàn bộ nguyên liệu chính là đất sét tinh và màu từ Nhật để làm hoa. Ban đầu, thợ hoa dùng đất trộn với màu để tạo màu nền cho hoa. Tiếp đó, họ cho đất vào bao, dùng máy quay tay cán mỏng đất. Thợ hoa đất sử dụng những khuôn có sẵn để tạo độ to nhỏ, dài ngắn khác nhau cho các cánh hoa và lá. Khuôn chỉ có thể tạo được hình dáng cơ bản cho cánh hoa, lá. Để hoa đẹp hơn, thợ hoa “tỉa tót”, thiết kế thêm những đường riềm, đường gân, đường gấp, xếp nếp thủ công bằng tay... Riêng đối với nhụy hoa, nụ hoa, cành hoa, thợ phải dùng tay làm hoàn toàn. Chị Nga chia sẻ lý do phải làm thủ công những bộ phận này: “Nụ hoa, nhụy hoa là những bộ phận rất nhỏ của bông hoa. Càng những chi tiết nhỏ thì đòi hỏi càng phải tinh xảo, “thật mắt” nhìn. Vì vậy, bắt buộc thợ phải làm thủ công”. Khi hoa đã xong, thợ bắt đầu “lên hoa” vào bát, dùng màu tô, chấm lại một lần nữa cho các cánh hoa và lá theo độ đậm, nhạt khác nhau. Cắm hoa cũng là một nghệ thuật, đòi hỏi thợ hoa đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu, đam mê và sáng tạo. Chị Nga chia sẻ thêm: “Hoa đất Nhật Bản có những cách cắm đặc trưng riêng khác với các loại hoa khác. Hoa đất thiên về kiểu cách cắm đơn giản, không cầu kỳ, “thoáng” tạo cảm giác như nhìn thấy cây hoa thật. Cắm hoa đất, không thể tham “xum xuê” như hoa nhựa, hoa lụa”. Tùy vào từng mùa, thợ hoa nghiên cứu cách cắm, thể hiện khác nhau. Mùa đông, nhất là khi Tết đến xuân về, họ sẽ cắm hoa nhiều hơn, màu sắc thiên về các màu có gam sáng như đỏ, hồng, vàng... tạo cảm giác ấm cúng, sinh sôi nảy nở. Mùa hè để “hạ nhiệt” cái nóng, thợ hoa chọn pha màu những loại hoa có gam dịu nhẹ, mát mắt. Cách cắm hoa cũng thoáng, dễ nhìn hơn. Hoàn thiện vẻ đẹp cho một bình hoa đất, chị Nga kỳ công đi nhiều nơi sưu tầm các loại bình, bát, phụ kiện trang trí để làm đẹp thêm cho sản phẩm. Ngoài những loại bình, bát bằng sứ, chị chọn thêm các loại giỏ mây để cắm hoa. Chúng tôi hỏi chị Nga, trong số các công đoạn làm hoa đất Nhật Bản, công đoạn nào là khó nhất? Chị Nga nói: “Khó nhất là tô màu cho hoa. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có óc quan sát thực tế rất cao. Ngắm nhìn một loại hoa đẹp, đối với chúng tôi là xem và ghi nhớ màu sắc cụ thể của hoa như thế nào. Càng quan sát tốt, càng phối màu chuẩn. Có khi trên cùng một cánh hoa có đến 3, 4 sắc độ màu đậm, nhạt khác nhau. Tô làm sao để người nhìn thấy hoa tươi tắn, sắc màu y như thật là đòi hỏi cao nhất của nghề làm hoa đất. Ngoài ra cách cắm hoa cũng quyết định “mắt nhìn” cho một bình hoa”. Một bình hoa đẹp là các đường nét, sự pha trộn màu sắc trên hoa, trên lá hài hòa, tinh tế, những cánh hoa mềm mại, sống động. Để lâu sản phẩm không bị nứt rạn, màu vẽ lên chi tiết hoa văn "ăn" hơn và giữ màu.
Có dịp “mục sở thị” chị Nga đang hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cho chậu địa lan, thật không khỏi cảm phục sự tỉ mẩn, khéo léo của chị. Để làm được chậu lan cỡ vừa với 10 chùm hoa và khoảng 30 cái lá, chị Lan cùng 1 thợ nữa phải bỏ thời gian khoảng 10 ngày liên tục. Những bông địa lan nhỏ xíu cánh đều “chằn chặn”, cuối mỗi bông được chấm những chấm sáng màu tím nho nhỏ, 10 bông giống như 10 e ấp vươn khỏi đám lá xanh mướt, khỏe khoắn. Chị Nga rất “cầu toàn”, thỉnh thoảng chị còn “đếm” số chấm trên mỗi hoa… xem có đều nhau không. Hoa lan có thể nói là loại hoa “cầu kỳ” trong số các loại hoa đất. Trong hoa lan, địa lan lại là thứ khó làm nhất bởi bông hoa nhỏ, một chùm lại gồm nhiều hoa, vì vậy rất lâu công. Làm hoa đã khó, chị Nga cho biết, làm cây còn khó hơn. Bởi cũng theo chị Nga, cây là thứ dễ bị phát hiện ra “hàng giả”. Vì thế, khi làm cây, thợ thủ công phải chú trọng từng chi tiết. Tay nghề kỹ thuật có cứng mới làm được cây đất. Hơn nữa, đối với cây, các khuôn dùng sẵn để tạo hình rất ít. Chỉ có lá là có khuôn, các bộ phận còn lại như thân, quả, hoa đều phải làm bằng tay. Hiện chị Nga làm rất nhiều các loại hoa như sen, cúc, hồng, păng sê, lan… Các loại cây như chuối, dừa… rất đa dạng về chủng loại.
Cũng theo chị Nga, thị trường hoa đất khá… thoải mái. Thu nhập của chị, do đó tương đối ổn định. Trừ công cán cho người làm, tiền nhập nguyên liệu... mỗi tháng chị thu về từ 3-5 triệu đồng. Cuối năm là khi cửa hàng của chị đông khách nhất. Thời điểm Tết năm nay, chị phải thuê thêm 4, 5 thợ để làm hàng kịp xuất bán. Do đó những tháng cuối năm, thu nhập của chị cũng tăng lên. Hiện, chị vừa bán hàng qua mạng, vừa nhận làm đại lý cho các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam... Từ các đầu mối này, hoa đất của chị tỏa đi nhiều miền đất nước và sang cả trời Tây nơi nước Mỹ, nước Nhật. Chị “khoe” mới nhận được một đơn đặt hàng giá trị tương đối lớn sang Nga sẽ giao hàng vào tháng sau. Tuy nhiên, cũng theo chị Nga, hoa đất Nhật Bản khá kén khách và còn tương đối mới mẻ trên địa bàn tỉnh ta, vì vậy số người biết đến loại hoa này chưa nhiều. Khách khi mua hàng thường có sự so sánh hoa đất với các loại hoa nhựa, hoa lụa. Để “hút” khách chị Nga tính các mức giá tương đối “mềm” cho các sản phẩm. Đối với các loại hoa, bình, bát… khác nhau giá mỗi loại dao động từ 30 nghìn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm. Khách có thể mua một chậu hoa đất nhỏ xinh với giá 30 nghìn đồng để tặng quà sinh nhật. Cũng có thể mua chậu hoa lớn để tặng khai trương nhà hàng, khánh thành nhà, tặng đôi vợ chồng trẻ mới cưới để trưng trong phòng khách có giá tiền triệu… Hoa đất có thể đáp ứng nhiều nhu cầu làm đẹp của mỗi người. Bảo quản hoa đất rất đơn giản. Trong điều kiện thời tiết lý tưởng, hoa có thể "khoe sắc" khoảng 50 năm. Đối với điều kiện nóng ẩm ở nước ta, chị Nga cho biết, thời gian hoa để được ít hơn. Muốn hoa “tươi”, đẹp, sạch chỉ cần xịt nước dạng sương lên hoa, lấy khăn ẩm lau nhẹ rồi dùng chổi lông phủi cho sạch bụi.
Những chậu hoa đất tươi tắn và rực rỡ sắc màu này lại làm từ đất sét. Bạn có thể tin được không? Chúng tôi đã tự hỏi mình như vậy khi ngắm nhìn vẻ đẹp tự nhiên, màu sắc tươi tắn, sinh động không thua gì hoa thật của hoa đất. Qua bàn tay tài hoa của người thợ, các mẫu thiết kế hiện lên bắt mắt vô cùng. Cộng với việc được cắm, trưng bày theo phong cách cắm hoa Nhật Bản Ikebana (còn được biết đến dưới cái tên Kado - Hoa đạo), “dòng” hoa này có những… tiêu chuẩn rất đặc biệt. Vì thế, hơn cả một thợ hoa, người làm ra loại hoa này đôi khi phải rất… nghệ sĩ. Nói như chị Nga “chúng tôi ngồi cả ngày làm hoa đất không chán. Bởi vì, với tôi, khi bàn tay được chạm vào đất, vào những cánh hoa, tôi có dịp “thả hồn” vào tác phẩm. Và đó là không gian sáng tạo của tôi, cách chơi hoa của tôi trong màu sắc, tạo thế, trí tưởng tượng phong phú khi tôi đang “vẽ” trong đầu mình ý tưởng lên một bát hoa sao cho đẹp”…
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân