Công tác bảo vệ môi trường ở Vụ Bản

08:06, 27/06/2014

Để chủ động phòng chống, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, các cấp chính quyền và ngành chức năng của huyện Vụ Bản đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BVMT. Phòng TN và MT đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, chỉ ra những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn huyện để có biện pháp khắc phục. Qua rà soát, kiểm tra cho thấy các cấp, các ngành chức năng chưa quan tâm đúng mức đối với công tác BVMT. Công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được thực hiện thường xuyên và chủ động. Nhận thức về công tác BVMT của người dân chưa đầy đủ, tình trạng rác thải sinh hoạt đổ bừa bãi tại các khu vực ven sông, chân bờ đê, bờ ruộng, ven quốc lộ vẫn diễn ra thường xuyên; vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom, xử lý đúng quy định; việc thực hiện các nội dung cam kết BVMT của một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn chưa đầy đủ, có biểu hiện đối phó. Trên địa bàn huyện đã có nhiều khu vực bị ô nhiễm, trong đó một số nơi mức ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là các làng nghề, các KCN, CCN. Một số khu vực bị ô nhiễm do chất thải trong chăn nuôi, nước thải sinh hoạt, các loại hóa chất bảo vệ thực vật. Ô nhiễm do quá rác thải sinh hoạt ngày càng bức xúc ở một số địa phương; ô nhiễm do quá trình sản xuất, kinh doanh của một số cơ sở, hộ gia đình có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp…

Hội viên phụ nữ Thị trấn Gôi (Vụ Bản) dọn vệ sinh môi trường trên tuyến đường phụ nữ tự quản.
Hội viên phụ nữ Thị trấn Gôi (Vụ Bản) dọn vệ sinh môi trường trên tuyến đường phụ nữ tự quản.

Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác BVMT, huyện Vụ Bản đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã lắp đặt 7 cụm pa-nô kích thước lớn tuyên truyền về công tác BVMT; tổ chức nhiều cuộc mít tinh, các hoạt động hưởng ứng các sự kiện môi trường nhân Ngày Môi trường thế giới (5-6), Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn với nhiều hình thức phong phú và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. UBND huyện huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ kinh phí khuyến khích các địa phương xây dựng các công trình BVMT. Toàn huyện hiện có 12 xã, thị trấn được UBND tỉnh đầu tư từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để xây dựng bãi chôn lấp và xử lý rác thải tập trung. Trong đó xã Kim Thái, Quang Trung và Thị trấn Gôi đã đưa vào sử dụng từ năm 2010. Các xã Trung Thành, Liên Minh, Minh Tân, Thành Lợi, Đại Thắng đã đưa công trình vào sử dụng từ đầu năm 2014; các xã Minh Thuận, Liên Bảo đang xây dựng và dự kiến trong năm 2014 sẽ đưa vào khai thác sử dụng. Các xã Hiển Khánh, Tam Thanh đang chuẩn bị mặt bằng thi công. Toàn huyện có 177/223 thôn, xóm tổ chức thu gom rác thải thường xuyên. Các xã, thị trấn đều đã thành lập tổ thu gom rác thải; việc thu gom chất thải sinh hoạt đã từng bước đi vào nề nếp, các đội thu gom hoạt động hiệu quả, kinh phí chi trả cho hoạt động của các đội thu gom từ nguồn đóng góp của các hộ dân và sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Hằng năm, UBND huyện phối hợp với Thanh tra Sở TN và MT, Chi cục BVMT tiến hành kiểm tra, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các khu, CCN và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT. Nhờ đó, việc thực hiện công tác BVMT của các doanh nghiệp đã được cải thiện tích cực, số doanh nghiệp, cơ sở chủ động lập đề án BVMT ngày càng tăng. Đến nay, UBND huyện đã xác nhận cam kết BVMT, đề án BVMT cho 92 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. 60 cơ sở được cấp phép hoạt động trong KCN Bảo Minh, các CCN Quang Trung, Trung Thành đều quan tâm tới công tác xử lý nước thải, rác thải. Trong đó, 100% cơ sở đã xây dựng hệ thống bể phốt, hố ga để xử lý nước thải sinh hoạt và đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, hạn chế việc xả thải trực tiếp vào môi trường. Đối với chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp đã được các đơn vị có trách nhiệm ký hợp đồng với cơ quan chuyên môn thực hiện thu gom và xử lý, một phần chất thải rắn công nghiệp được tái chế, còn lại là chôn lấp. Các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm, điểm công nghiệp, cơ bản đã có bản cam kết BVMT, đề án BVMT; có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, phân loại và hợp đồng xử lý. Các hộ gia đình sản xuất ở các làng nghề truyền thống như: rèn Quang Trung, xã Quang Trung; dệt Quả Linh, xã Thành Lợi; mây tre đan Tiên Hào, xã Vĩnh Hào… với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đa số xử lý nước thải sinh hoạt qua hệ thống hố ga, bể phốt, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tập trung…

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, một số xã vẫn còn các điểm bãi chứa rác thải tạm thời. Trên toàn huyện có 66 bãi đổ rác tạm thời (trong quy hoạch) và hơn 40 điểm phát triển tự phát. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt mới chỉ đạt khoảng 75-80% lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện. Công tác xử lý rác thải y tế còn gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh phí xây dựng lò đốt chất thải y tế; chưa có phương tiện thu gom và vận chuyển rác chuyên dụng. Hiện nay rác thải (bao gồm cả rác thải sinh hoạt và y tế) tại Bệnh viện Đa khoa huyện, các trạm y tế xã, thị trấn và Trung tâm Y tế chủ yếu được thu gom, xử lý bằng phương pháp đốt và chôn lấp tại chỗ. Nước thải bệnh viện cũng chưa được thu gom xử lý triệt để. Đa số các hộ dân trên địa bàn chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ lẻ, hệ thống xử lý chất thải không đạt yêu cầu, thậm chí nhiều hộ không có hệ thống xử lý, chất thải rắn và nước thải được xả thẳng ra mương máng, sông ngòi làm ô nhiễm nguồn nước và không khí, gây mùi khó chịu trong khu dân cư. Hơn nữa, xác vật nuôi chết do dịch bệnh nhiều khi không được kiểm soát xử lý triệt để là nguy cơ gây ô nhiễm vi sinh vật, phát tán các dịch bệnh qua nguồn nước, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người dân. Ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn và bụi tại làng nghề rèn Quang Trung, làng nghề dệt Quả Linh và làng nghề mây tre đan Tiên Hào vẫn phức tạp. Ngoài ra còn một số hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến môi trường như: người nông dân đốt rơm rạ và các phế phẩm sau thu hoạch; các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường không khí như: Nhà máy sản xuất gạch Thành Vinh, Nhà máy sản xuất gạch Vạn Xuân, Nhà máy sản xuất tấm lợp prô-xi măng Thái Nguyên, cơ sở sản xuất giấy dầu Anh Quyền. Đặc biệt, một số lò gạch thủ công vẫn còn hoạt động nếu không được giải quyết triệt để cũng sẽ là tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Huyện Vụ Bản đã xây dựng chương trình, kế hoạch và đề ra các biện pháp cụ thể để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đôn đốc, giám sát khắc phục tồn tại trong công tác BVMT. Phấn đấu đến năm 2015 có 10/18 xã, thị trấn; đến năm 2020 có 100% số xã, thị trấn đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. 100% số xã hoàn chỉnh quy hoạch nơi xử lý rác thải, trong đó 10 xã, thị trấn phải hoàn thành trong năm 2015. Quy hoạch xong nghĩa trang nhân dân các xã, thị trấn. 100% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 95% số hộ dân có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; 100% chất thải rắn của Thị trấn Gôi, 90% chất thải sinh hoạt của các xã, thị trấn; 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý hợp vệ sinh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



Cơ sở thu mua nhôm phế liệu Hòa Bình

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com