Biện pháp giúp người dân ổn định đời sống sau giải phóng mặt bằng

08:06, 10/06/2014

Tạo những điều kiện tốt nhất để người dân nhanh chóng tái định cư ổn định đời sống sau GPMB là một yêu cầu và mục tiêu mà các ngành chức năng và các địa phương tập trung thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả, ý nghĩa mọi mặt của các dự án đầu tư, góp phần tạo thuận lợi cho các dự án tiếp theo.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng chỉ đạo kịp thời việc bảo đảm lợi ích của hộ gia đình, cá nhân phải thu hồi đất; chủ động giải quyết những vướng mắc, khó khăn và có giải pháp phù hợp cho từng khu vực, từng dự án cụ thể. Trong quá trình thực hiện GPMB các dự án, tỉnh đều quán triệt nguyên tắc, yêu cầu xuyên suốt là vận dụng các quy định bảo đảm có lợi tối đa cho người dân nhưng phải đúng pháp luật. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác tái định cư cho các trường hợp người dân phải di chuyển chỗ ở. Các khu tái định cư đều được đảm bảo đầy đủ các điều kiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như: điện, nước, thông tin liên lạc. Thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đô thị Thành phố Nam Định, UBND thành phố đã đặc biệt quan tâm đến việc giúp người dân ổn định cuộc sống sau GPMB thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ như: bàn giao sớm đất ở tại các khu tái định cư mới đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, nước, đường giao thông để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Từ năm 2008, UBND thành phố đã xây dựng và đưa vào sử dụng khu tái định cư Trầm Cá có 574 lô đất, tổng diện tích 10,4ha. Với cơ sở hạ tầng kỹ thuật chất lượng tốt, hiện nay khu tái định cư Trầm Cá đã có 337 hộ có nhu cầu đã nhận đất và xây dựng nhà ở, ổn định sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình thực hiện dự án xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Mỹ Lộc - Phủ Lý (theo hình thức BT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 768/TTg-CN ngày 14-6-2007, Hội đồng GPMB huyện Mỹ Lộc luôn quan tâm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích cho người dân bị thu hồi đất, nhất là những hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn. Theo đó, Hội đồng GPMB huyện đã quyết định lựa chọn vị trí xây dựng 2 khu tái định cư bám sát trục đường giao thông, thuận lợi để phát triển kinh tế. Ngay khi triển khai công tác GPMB dự án tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1A tại địa phận huyện Ý Yên, Hội đồng GPMB huyện đã chủ động chuẩn bị khu tái định cư Yên Khang cho các hộ dân nằm trong diện di dời nhà ở. Ngày 26-3-2014 khu tái định cư Yên Khang đã được khởi công xây dựng, hiện tại đã hoàn tất san lấp mặt bằng, phân chia lô và đang thi công hệ thống đường giao thông, hệ thống thoát nước; dự kiến đến ngày 30-6 sẽ hoàn thành hạ tầng khu tái định cư để bàn giao cho các hộ dân. Bên cạnh đó các địa phương có dự án GPMB đã chủ động làm tốt công tác rà soát, nắm bắt nhu cầu việc làm, học nghề, vay vốn để chuyển đổi ngành nghề kinh tế gia đình của người dân phải thu hồi đất ruộng… Trong những năm gần đây, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) đã thực hiện GPMB cho khá nhiều dự án của tỉnh và thành phố như: Dự án Văn hóa Trần, dự án cải tạo đầm Bét, đầm Đọ… với gần 40% số hộ dân của phường bị ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Nắm bắt cụ thể nhu cầu kinh doanh, buôn bán nhỏ và tìm việc làm của nhân dân, UBND phường đã di chuyển khu chợ tập trung tại cầu Sắt vào vị trí hợp lý, vừa bảo đảm an toàn giao thông vừa tạo thuận lợi cho các hộ dân kinh doanh dịch vụ hiệu quả. Đồng thời vận động, khuyến khích nhiều lao động có trình độ, năng lực vào làm tại các KCN, CCN và tham gia làm: thợ xây, thợ cơ khí, giúp việc gia đình trong nội thành; tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân phát triển dịch vụ thương mại…

Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp giúp người dân ổn định đời sống sau GPMB đã giúp nhiều dự án được triển khai bảo đảm tiến độ, đưa vào khai thác kịp thời, phát huy hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, một số gia đình sau khi nhận tiền hỗ trợ, đền bù GPMB đã quá chú trọng đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng nhà ở, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt hiện đại mà không sử dụng hợp lý đầu tư cho phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm, nên đã rơi vào diện hộ nghèo hoặc thu nhập bấp bênh, thất thường, không có việc làm ổn định. Để bảo đảm ổn định đời sống một cách bền vững cho người dân tại các vùng dự án phải thu hồi đất, bên cạnh sự nỗ lực chăm lo, hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng, bản thân các hộ dân cần phải chủ động nâng cao trình độ, tay nghề để có đủ khả năng chuyển đổi nghề nghiệp tham gia lao động trong những ngành nghề có nhu cầu lao động cao. Trong công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể cần chú ý tư vấn, hướng dẫn các hộ dân kỹ năng lập kế hoạch tài chính, hướng nghiệp, dạy nghề cụ thể để sử dụng hợp lý nguồn kinh phí được hỗ trợ, đền bù GPMB./.

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com