Để đối phó với thái độ tẩy chay hàng Tàu độc hại của người tiêu dùng trong nước, nhiều thương gia, nhà sản xuất đã đổi “chiêu thức” gắn mác Việt cho hàng Tàu. Trên thị trường, hiện tượng hàng Trung Quốc nhái mác hàng Việt phổ biến ở các nhóm hàng dệt may, công nghệ phẩm và nông sản. Người kinh doanh đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc khi đưa về nước thay đổi bao bì, nhãn mác của các doanh nghiệp, thương hiệu đã có tên tuổi trong nước để tiêu thụ hoặc dùng hàng hóa Trung Quốc lồng vào bao bì sản phẩm sản xuất trong nước… đánh lừa người tiêu dùng, gây thiệt hại về kinh tế và làm mất uy tín đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Trong năm 2013, Chi cục QLTT tỉnh đã phát hiện và xử phạt hàng chục cơ sở buôn bán, tàng trữ và đóng gói mì chính, tịch thu tại hiện trường 1.587kg mì chính giả. Qua đấu tranh khai thác, hầu hết các chủ cơ sở đều khai nhận mua mì chính đóng trong bao loại 50 kg/bao với giá rẻ, kèm theo vỏ túi mì chính nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon. Mặc dù biết là vi phạm pháp luật nhưng do lợi nhuận cao gấp 3 đến 4 lần so với phân phối sản phẩm chính hãng, lại có người mang đến cung cấp tận nhà từ nguyên liệu mì chính, bao bì và máy ép nên một số tư thương đã “nhắm mắt làm liều”. Người tiêu dùng khu vực nông thôn do thiếu thông tin và kinh nghiệm để phân biệt phát hiện hàng thật, hàng giả qua màu sắc, logo trên bao bì sản phẩm nên việc tiêu thụ dễ dàng. Do lực lượng chức năng hạn chế cả nhân lực và phương tiện nên không thể kiểm soát ngăn chặn hết được, dẫn đến những cơ sở kinh doanh nhỏ dễ dàng vi phạm. Cũng với cách làm này, hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm, dầu gội đầu, nước giải khát, bột chiên giòn, bột nêm, gia vị các loại có chất lượng kém được đóng gói trong bao bì, nhãn mác hàng chính hãng thương hiệu Việt để tiêu thụ trên thị trường… Riêng nhóm hàng may mặc thường được các tiểu thương mua hàng may sẵn giá rẻ ở Trung Quốc về cắt bỏ tem nhãn, hoặc đính kèm nhãn mác Việt chung chung như Made in Việt Nam, Như Quỳnh, Hoa Mai, Bảo Ngọc… Các loại sản phẩm này được phân phối đổ đống bán giá rẻ ngay trên vỉa hè dọc các tuyến phố Văn Cao, Trần Đăng Ninh, Hàn Thuyên. Trung bình một chiếc áo phông hoặc áo sơ mi có giá từ 50-70 nghìn đồng/chiếc; quần âu có giá 100 nghìn đồng và khoảng 30-50 nghìn đồng/bộ quần áo trẻ em. Nếu khách hàng thắc mắc giá rẻ hoặc không thấy tem mác đầy đủ thì người bán hàng giải thích đây là hàng lỗi, hàng tồn hoặc là sản phẩm thừa ra từ các đơn hàng làm cho khách nước ngoài của Cty nên mới bán rẻ để thu hồi vốn; khi bán phải bỏ tem mác để tránh các tranh chấp thương mại từ bên đặt hàng… Với chiêu thức này không ít hàng may mặc, chăn thu đông, ga giường, đệm… có xuất xứ Trung Quốc gắn nhãn hiệu Việt đang được tiêu thụ dễ dàng trên thị trường. Đối với mặt hàng nông sản thì người mua thường dựa vào lời hứa, cam kết của người bán là chính với các lời giải thích hàng Hà Giang, Bắc Giang, Đà Lạt sẵn lắm, hay nông dân mình sản xuất quy mô trang trại, hàng hóa nhiều, đường giao thông lại tốt, phương tiện sẵn làm gì chả rẻ. Tuy nhiên, nếu chú ý người tiêu dùng dễ dàng nhận diện hàng loạt sản phẩm rau, củ, quả như táo, hồng, nhãn, đào, mận, cam, khoai tây, su hào, củ cải, cà rốt, bí xanh, bắp cải, hành, tỏi… không phải là sản phẩm trong nước. Trong vai người đi mua hàng về bán lẻ, chúng tôi dạo một vòng qua chợ nông sản đầu mối trên đường Phạm Ngũ Lão hoặc đường Trần Hưng Đạo kéo dài, từng kho hàng lớn nhỏ với đủ các loại rau, củ, quả còn nguyên bao bì in rõ chữ Trung Quốc. Đặc biệt đối với những loại quả có thời gian sử dụng ngắn như cam, quýt, nhãn, nho… còn được ngâm mình trong thùng xốp có chứa dung dịch bảo quản. Khi chúng tôi ngỏ ý yêu cầu các chứng cứ chứng minh xuất xứ hàng hóa trước khi mua hàng. Một chủ hàng hoa quả tỏ ra bực dọc và nói: Đây toàn hàng Trung Quốc thôi, muốn mua hàng địa phương, lên tận vùng trồng cũng không có hàng đẹp mà rẻ như này đâu… Như vậy, các loại hàng hóa này không hề được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng an toàn trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Đây là hành vi gian lận thương mại không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp trong nước. Trước thực trạng này, lực lượng QLTT tỉnh đã xây dựng chuyên án kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại. Năm 2013 đã phát hiện, xử lý 104 vụ sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP, phạt hành chính 58,3 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá 1,447 tỷ đồng. Hết quý I-2014, phát hiện, xử lý 176 vụ, phạt hành chính và tịch thu hàng hóa trị giá gần 200 triệu đồng… Mặc dù đã tích cực kiểm soát nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là các mặt hàng Trung Quốc làm giả các nhãn hiệu có uy tín trong nước vẫn tồn tại trên thị trường. Đồng chí Đỗ Đức Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết: Thời gian qua, phần lớn những vụ buôn lậu, hàng giả, hàng nhái… bị các lực lượng chức năng bắt giữ đều liên quan đến hàng Trung Quốc. Trong tháng 2-2014, ngay sau khi nhận được tin báo sản phẩm màng bao thực phẩm do Cty TNHH Thương mại Tuyền Phú Hưng (TP Hồ Chí Minh) sản xuất bị làm nhái theo hình thức in bao bì nhái sản phẩm Cty rồi tuồn hàng Trung Quốc vào hoặc tận dụng vỏ bao bì cũ cho hàng Trung Quốc vào và tăng thể tích lõi bên trong để giảm trọng lượng hàng hóa tiêu thụ trên thị trường tỉnh ta và một số tỉnh lân cận, Chi cục QLTT đã xác minh thông tin, tìm hiểu cách phân biệt hàng giả, hàng thật; xây dựng phương án đối phó, tập trung lực lượng kiểm tra đột xuất mặt hàng này trên thị trường. Qua quá trình kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng đã phát hiện đầu mối tập trung, phân phối sản phẩm màng bao thực phẩm, thu hồi sản phẩm nhái thương hiệu Tuyền Phú Hưng và xử phạt hành chính đối với các đối tượng vi phạm. Đồng thời tổ chức tuyên truyền cảnh báo tác hại của sản phẩm nhái cũng như cách phân biệt hàng chính hãng với mặt hàng nhái để người tiêu dùng phân biệt trước khi mua. Ngay sau khi có sự vào cuộc của lực lượng chức năng, sản phẩm màng bao thực phẩm có xuất xứ Trung Quốc hầu như không xuất hiện trên địa bàn tỉnh ta. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng hàng Trung Quốc nhái mác Việt, tạo môi trường lành mạnh cho hàng nội địa phát triển, các doanh nghiệp trong nước cần coi trọng công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phân biệt xác định phát hiện hàng giả, chủ động cung cấp thông tin về sản phẩm, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả. Đồng thời tăng cường đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như công nghệ chống làm giả cho sản phẩm gắn với việc thiết lập quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm của mình./.
Nguyễn Hương