Để vừa nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vừa phát huy vai trò chủ động, linh hoạt của các địa phương trong đầu tư, thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý điều hành ngân sách theo hướng phân cấp mạnh mẽ các nguồn thu và nhiệm vụ chi cho UBND các địa phương. Năm 2012, tỉnh đã chọn Thành phố Nam Định là đơn vị thí điểm thực hiện phân cấp quản lý đầu tư xây dựng cơ bản theo Quyết định số 933/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Theo phân cấp của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND Thành phố Nam Định được quyết định đầu tư các dự án mà báo cáo kinh tế kỹ thuật có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách thành phố. Quyết định trên giúp UBND thành phố chủ động trong việc lập kế hoạch xây dựng mới hoặc nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật, văn hóa, xã hội trên địa bàn; chủ động quyết định quy mô công trình phù hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng bố trí vốn của ngân sách thành phố. Trong gần 2 năm thực hiện phân cấp đầu tư, Thành phố Nam Định đã phê duyệt 105 báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án với tổng mức đầu tư 280,9 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các công trình nâng cấp, chỉnh trang đô thị, cải tạo hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh, xử lý rác thải… thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án, góp phần làm thay đổi cơ bản hạ tầng đô thị thành phố. Nhờ đó, Thành phố Nam Định đã được Hiệp hội Đô thị Việt Nam đánh giá là một trong những đô thị tiêu biểu của cả nước.
Đường Nguyễn Bính, phường Trần Quang Khải được nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. |
Trong năm 2012, Thành phố Nam Định đã tập trung triển khai 42 dự án công trình xây dựng với tổng mức đầu tư là 119 tỷ 720 triệu đồng. Các dự án đều bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa nhu cầu, nguyện vọng của người dân gắn với mục tiêu phát triển chung của địa phương. Khá nhiều dự án, công trình cơ sở hạ tầng ở các đơn vị xã, phường được quyết định đầu tư đều xuất phát từ đề xuất của người dân bảo đảm thiết thực phục vụ cộng đồng. Vì thế, các công trình cơ sở hạ tầng của thành phố đều được triển khai với tiến độ nhanh, đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân ở mỗi dự án triển khai. Bên cạnh đó, các dự án trước khi phê duyệt đều được kiểm soát chặt chẽ về phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình và chỉ quyết định đầu tư khi xác định rõ nguồn vốn thực hiện dự án và khả năng cân đối vốn đối ứng ở từng cấp ngân sách. Năm 2013, thành phố tiếp tục triển khai 63 dự án với tổng mức đầu tư hơn 161 tỷ 186 triệu đồng để xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị thành phố, tính đến tháng 5-2014, đã có 26 công trình xây dựng được hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư gần 27 tỷ đồng. Các dự án, công trình đều đáp ứng nhu cầu dân sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống ở mỗi khu dân cư. Trước khi triển khai dự án, khu vực ngõ 360, đường Nguyễn Bính (phường Năng Tĩnh), nền bê tông mặt ngõ đã rạn nứt; hệ thống thoát nước do nhân dân tự làm đã bị hư hỏng, không đảm bảo việc tiêu thoát nước khi có mưa, gây mất vệ sinh môi trường ở các khu dân cư. Xuất phát từ thực tế trên, thành phố đã quyết định đầu tư bê tông hoá 154,3m dài ngõ 360 với tổng mức đầu tư hơn 561 triệu đồng, đảm bảo khả năng thoát nước mặt cho khu ngõ. Hay tuyến đường vào Bệnh viện Đa khoa thành phố dài 100m, rộng 7m thường xuyên bị ngập úng và đã xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân và bệnh nhân,đặc biệt là các trường hợp phải cấp cứu. Bên cạnh đó, lề đường Thái Bình phía giáp đê sông Đào là lề đất, người dân đổ phế thải tràn lan gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, tạo nguy cơ phát sinh mối gây hại cho đê. Trước thực trạng trên, UBND thành phố đã quyết định đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp tuyến đường này. Đến nay, tuyến đường đã được bê tông hóa dài 116m, rộng từ 5-7m, đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân. Cùng với đó, nhiều công trình trọng điểm đã và đang xây dựng tạo đà cho sự phát triển thành phố lớn mạnh. Khu đô thị mới Hòa Vượng, Thống Nhất và một số khu tái định cư được đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng với hệ số lấp đầy khá cao đã cải thiện rõ rệt bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị của thành phố. Hạ tầng đô thị thành phố được đầu tư nâng cấp toàn diện, đồng bộ với 99,2% dân số khu vực nội thị được cấp nước sạch, 100% đường phố chính có hệ thống chiếu sáng, 100% khu vực nội thị được thu gom và xử lý rác thải... nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, được lồng ghép thực hiện với các công trình thuộc Dự án nâng cấp đô thị của Ngân hàng thế giới (WB) giúp đẩy nhanh tiến độ nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, thu hút các chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới.
Thực hiện phân cấp quản lý quyết định đầu tư xây dựng cơ bản cho Thành phố Nam Định đã khẳng định là hướng đi đúng đắn, mạnh dạn, đổi mới của tỉnh ta trong nỗ lực quản lý nguồn vốn ngân sách Nhà nước hiệu quả, giảm thiểu tối đa lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Từ kinh nghiệm triển khai ở thành phố, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu cho tỉnh tiếp tục phân cấp cho các huyện trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Đức Toàn