Những trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh

08:05, 24/05/2014

Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tỉnh ta đang xây dựng đặt ra các mục tiêu và giải pháp nhằm phát huy các thế mạnh của từng địa phương. Theo đó toàn ngành phấn đấu đến năm 2015 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 3,2-3,4%/năm, đến năm 2020 đạt 4,2-4,6%/năm; gắn với chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành theo hướng tăng tỷ trọng thuỷ sản, chăn nuôi, kinh tế dịch vụ nông nghiệp...

Thu hoạch dưa chuột bao tử vụ đông trên đất hai lúa tại xã Trực Nội (Trực Ninh).
Thu hoạch dưa chuột bao tử vụ đông trên đất hai lúa tại xã Trực Nội (Trực Ninh).

Những năm qua, cơ cấu cây trồng của các địa phương trong tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Các giống cây trồng dài ngày, năng suất và chất lượng thấp được thay thế bằng các giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao. Tại nhiều địa phương đã ổn định tập quán sản xuất 3 vụ/năm, sản xuất vụ đông được phát triển. Các tiến bộ kỹ thuật mới được tiếp thu và nhân rộng. Tỉnh đã tuyển chọn đưa vào sản xuất hàng chục loại giống cây trồng mới có năng suất và hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đồng thời làm chủ công nghệ duy trì dòng mẹ, tổ chức sản xuất thành công nhiều tổ hợp lúa lai 2, 3 dòng; chủ động được công nghệ sản xuất giống khoai tây sạch bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Cơ giới hóa các khâu sản xuất được mở rộng, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác tăng từ 75,4 triệu đồng (năm 2010) lên 95 triệu đồng năm 2013. Lúa gạo là sản phẩm chủ lực của ngành trồng trọt, ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, mỗi năm có khoảng 300-350 nghìn tấn lúa hàng hóa cung ứng ra thị trường. Tuy vậy, cơ cấu giống cây trồng và mùa vụ vẫn còn hạn chế; tỷ lệ các giống nhiễm sâu bệnh, kém chống chịu với hạn, úng, rét và chua mặn vẫn chiếm từ 30-40% diện tích nên sản xuất còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều xã, cơ cấu cây trồng còn khá đơn lẻ, chủ yếu là độc canh cây lúa nên giá trị sản xuất không cao. Các loại rau màu có giá trị hàng hóa cao chưa được quan tâm phát triển. Nhiều mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn được khẳng định trong thực tế nhưng việc mở rộng còn hạn chế; tình trạng chuyển đổi tự phát đất trồng lúa sang phát triển sinh vật cảnh diễn ra phổ biến ở một số nơi. Trong chăn nuôi, nuôi lợn luôn chiếm tỷ trọng cao trong khi gia cầm có nhiều tiềm năng phát triển nhưng vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Một số địa phương chưa quy hoạch được vùng chăn nuôi tập trung, không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Tỷ trọng đánh bắt xa bờ trong khai thác thủy sản còn thấp. Sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản phát triển sôi động; đã hình thành được 40 vùng nuôi tập trung, song nhiều sản phẩm thủy sản có quy mô nhỏ. Việc áp dụng công nghệ mới và quy trình nuôi công nghiệp chưa đồng đều giữa các đối tượng nuôi. Hệ thống thủy lợi phục vụ các vùng nuôi còn nhiều bất cập. Sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn tuy phát triển khá, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn và đóng góp quan trọng vào chương trình xây dựng NTM song sản phẩm còn đơn điệu, ít có sản phẩm xuất khẩu, sức cạnh tranh chưa cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề ngày càng nghiêm trọng, nhất là các làng nghề kim khí, sơn mài, nứa ghép… ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của làng nghề và môi trường nông thôn. Tốc độ tăng trưởng giá trị nông, lâm, thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Trong cơ cấu nội ngành, trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng cao, chăn nuôi và thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp còn thấp. Công nghiệp chế biến và công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển chậm, chưa gắn kết với sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản còn gặp nhiều khó khăn. Những hạn chế trên khiến hiệu quả và thu nhập từ nghề nông, nhất là nghề trồng lúa thấp nên một bộ phận không nhỏ lao động ở nông thôn thiếu gắn bó với đồng ruộng. Các hình thức tổ chức sản xuất chưa đa dạng, chậm đổi mới. Hiệu quả hoạt động của một số Ban Nông nghiệp xã, HTXDVNN chưa cao. Thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản tuy đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp song chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất nông sản hàng hóa và phòng, chống thiên tai. Các vấn đề việc làm, đời sống, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở một số xã còn bất cập; công tác thu gom, xử lý rác thải chưa tốt, tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư, làng nghề, trên các kênh mương; vi phạm các công trình đê điều, thủy lợi còn tồn đọng và diễn biến phức tạp. Nền nông nghiệp còn nhiều khó khăn lại đang phải gánh chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp, cùng với lạm phát, suy thoái kinh tế, giá cả thị trường không ổn định làm cho sản xuất và đời sống người dân nông thôn gặp nhiều khó khăn. Cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn chưa đồng bộ, vốn đầu tư còn thấp. Nhận thức của cán bộ, lãnh đạo, quản lý ở địa phương và người dân về sản xuất hàng hóa chưa rõ nét.

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tỉnh định hướng nhằm đảm bảo phát triển bền vững trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Xây dựng và phát triển nhanh các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển trang trại, gia trại, khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế về ATVSTP. Phát triển mạnh các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tập trung vào “5 cây, 4 con” chủ lực, bao gồm: lúa (lúa gạo chất lượng cao, lúa giống), lạc, ngô, khoai tây và đậu tương; lợn (lợn đặc sản, lợn thịt siêu nạc, lợn sữa), gà (gà thịt, gà trứng), ngao và tôm (tôm thẻ chân trắng, tôm sú). Tăng cường năng lực khai thác hải sản xa bờ, gắn sản xuất với phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông sản hàng hóa gắn với thị trường; đổi mới và phát triển hệ thống quản lý ngành, phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo hướng khoa học, hiệu quả; chuyển đổi toàn bộ các HTXDVNN theo luật; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người nghèo, cận nghèo và phụ nữ ở nông thôn thông qua hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng khả năng tiếp cận thị trường, đa dạng hóa sinh kế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng. Phát triển nông nghiệp hướng tới thực hiện các mục tiêu về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng. Quản lý, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, thủy sản, nhất là ở các làng nghề, vùng có mật độ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cao; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên (đất, nước, rừng ngập mặn và nguồn lợi biển); quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các loại hóa chất, chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt, công nghiệp chế biến và chất thải làng nghề; bảo tồn đa dạng sinh học. Khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn môi trường kèm theo cơ chế giám sát chặt chẽ để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh. Để hoàn thành những mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương rà soát, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện, xã gắn với quy hoạch sử dụng đất; lồng ghép các nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch. Tiếp thu, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ tế bào trong sản xuất giống và các giải pháp công nghệ tiên tiến trong thâm canh để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đổi mới công tác quản lý và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với tính chất, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Mở rộng các hình thức đào tạo nghề cho nông dân, gắn với tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đảm bảo việc làm cho người lao động sau học nghề. Tranh thủ tối đa các cơ hội hợp tác để huy động và sử dụng hiệu quả về kỹ thuật, kinh nghiệm và các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thị trường. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com